|
Các đại biểu tham dự Đại hội
|
Tới dự Đại hội có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành Thành phố…
Huy động hơn 31.500 tỷ đồng tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội
Báo cáo chính trị Đảng bộ huyện Ba Vì cho thấy, thành tựu nổi bật trong 5 năm qua của huyện Ba Vì dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện là tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 9,8%; cơ cấu kinh tế phát triển đúng định hướng: Dịch vụ chiếm 56,5%, nông nghiệp 25,9%, công nghiệp - xây dựng 17,6%; thu nhập bình quân đạt 53 triệu đồng/ người/năm. Huyện cũng chú trọng công tác tuyên truyền quảng bá giới thiệu du lịch trên địa bàn. Nhờ đó, du lịch đang là điểm sáng của huyện.
Đặc biệt, công tác thu ngân sách của huyện tăng trưởng qua các năm, với tổng thu trong 5 năm qua đạt 1.359 tỷ đồng, bằng 179% mục tiêu đề ra. Từ năm 2015 đến năm 2020, Ba Vì đã huy động hơn 31.500 tỷ đồng tập trung đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, huyện Ba Vì đã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết về xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Đến năm 2020, toàn huyện có 23/30 xã về đích chương trình xây dựng nông thôn mới, đạt mục tiêu Đại hội đề ra. Quan tâm công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội; công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện quyết liệt. Diện mạo nông thôn, các khu trung tâm Huyện khởi sắc, ngày càng khang trang hơn.
Văn hóa - xã hội đạt được kết quả tích cực; giáo dục - đào tạo có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo. Văn hóa phát triển, chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn (dân tộc Mường, Dao). Trong 5 năm qua, huyện đã tạo việc làm mới cho 18.890 lao động (đạt 107,9% chỉ tiêu đặt ra). Ngoài ra, Ba Vì đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nguồn vốn, xây dựng nhà xuống cấp cho các hộ nghèo, dự kiến cuối năm 2020, huyện chỉ còn 0,96% hộ nghèo, vượt mục tiêu Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ huyện đã đề ra. Đặc biệt, thực hiện tốt Nghị quyết số 06 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, xây dựng mới nhiều trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, tổ chức các mô hình sản xuất, tạo điều kiện để đồng bào vay vốn phát triển kinh tế…
Đảng bộ huyện Ba Vì đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên; phát triển đảng viên mới. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Ba Vì đã phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức 104 lớp học tập các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng... cho 10.569 lượt đảng viên; kết nạp 2.386 đảng viên mới. Trong nhiệm kỳ, Huyện ủy Ba Vì đã tổ chức 13 cuộc kiểm tra chuyên đề với 27 tổ chức Đảng và 26 đảng viên, 9 cuộc giám sát chuyên đề đối với 31 tổ chức cơ sở Đảng và 19 đảng viên thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý. Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy kiểm tra 37 đảng viên và 16 tổ chức cơ sở Đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm... Trên cơ sở đó, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã xử lý kỷ luật 3 tổ chức cơ sở Đảng và 566 đảng viên vi phạm các quy định của Đảng. Đến nay, 6/6 tổ chức cơ sở đảng yếu kém đã được củng cố, kiện toàn.
|
Đoàn MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội của huyện chúc mừng Đại hội.
|
Với chủ đề “Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh thu hút đầu tư; khai thác tiềm năng, xây dựng huyện phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu đưa Ba Vì trở thành huyện nông thôn mới trước năm 2025”, Đại hội đã đề ra các mục tiêu, 16 nhóm chỉ tiêu, 05 nhiệm vụ chủ yếu, 12 nhóm giải pháp, đặc biệt là 03 khâu đột phá.
Theo đó, Ba Vì tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn sinh học; hình thành các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, chế biến chè, vùng trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả, dược liệu... Bên cạnh đó, huyện tiếp tục khai thác thế mạnh chăn nuôi, tập trung phát triển đàn bò sữa, bò thịt, đà điểu giống, đà điểu thịt... theo hướng an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường. Tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; giảm dần khoảng cách về phát triển kinh tế giữa các vùng trong huyện; phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới trước năm 2025.
Đảng bộ huyện tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; thực hiện nghiêm túc công tác quán triệt, triển khai học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chú trọng thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Huyện tiếp tục triển khai các giải pháp phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị các cấp; tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị; tiếp tục thực hiện tốt công tác giám sát, kiểm tra, kỷ luật và phát triển Đảng…
Chú trọng phát triển dịch vụ-du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực
|
Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu chỉ đạo Đại hội
|
Phát biểu chỉ đại Đại hội, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trân trọng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Huyện Ba Vì đã đạt được trong nhiệm kỳ qua; đồng thời đề nghị Đại hội tập trung thảo luận kỹ, phân tích sâu sắc nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm và đề ra các giải pháp khắc phục hiệu quả những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra. Đó là: Kinh tế, xã hội của huyện còn khó khăn. Sản xuất nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng về điều kiện tự nhiên phong phú của huyện. Đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân còn thấp, nhất là ở các xã khu vực miền núi. Công tác xây dựng nông thôn mới còn 7 xã chưa đạt chuẩn. Công tác quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng còn để xảy ra vi phạm nghiêm trọng, phải xử lý kỷ luật một số cán bộ....
Nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong thời gian tới, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị Ba Vì chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp. Thực hiện tốt, đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ, trong đó, quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động thực tiễn, đặc biệt là nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
“Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt và hoạt động của chi bộ; chú trọng công tác phát triển Đảng theo tinh thần Chỉ thị 28 của Ban Bí thư, đặc biệt là, những nơi khó khăn trong công tác phát triển Đảng. Làm tốt công tác dân vận, chủ động nắm chắc tình hình Nhân dân; tăng cường đối thoại, phát huy dân chủ ở cơ sở. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát, nhất là đối với những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực để phòng ngừa sai phạm, thường xuyên đôn đốc, giám sát thực hiện các kết luận sau thanh tra, kiểm tra; quan tâm công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” – đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng chỉ đạo. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền huyện, xã, thị trấn. Phát huy vai trò MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, giáo dục, vận động Nhân dân (quan tâm vùng đồng bào dân tộc thiểu số) và vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp phần củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tổ chức các phong trào thi đua sâu rộng..
Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện nhằm phát triển kinh tế nhanh, bền vững: ưu tiên các ngành, lĩnh vực là thế mạnh của huyện (nông nghiệp, du lịch, …). Phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nông dân, nhất là đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và toàn thể Nhân dân trên địa bàn. Đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi mạnh các mô hình sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp; phát triển các vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch, ứng dụng công nghệ cao, các mô hình nông nghiệp hữu cơ, xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…
|
Các đồng chí lãnh đạo Thành phố Hà Nội tặng hoa chúc mừng Đại hội.
|
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nêu rõ, chú trọng phát triển dịch vụ-du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực; khai thác tiềm năng, lợi thế các điểm du lịch trên địa bàn; xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái kết hợp với tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, liên kết các tuyến, điểm du lịch của Huyện với các điểm du lịch của Thành phố; xây dựng Ba Vì trở thành điểm đến hấp dẫn đối với người dân Thủ đô và du khách trong nước, quốc tế.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tốt việc giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di sản văn hoá, nhất là đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc Mường, dân tộc Dao; tạo chuyển biến mạnh về xây dựng, phát triển văn hoá, giáo dục, y tế. Quan tâm đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Tập trung huy động sức mạnh tổng hợp, thực hiện đồng bộ, quyết liệt chương trình giảm nghèo, phấn đấu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo.
Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị Đảng bộ Huyện tập trung tổ chức triển khai, lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị từ Huyện đến cơ sở thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, vừa phòng, chống dịch hiệu quả theo tinh thần Chỉ thị số 31 của Ban Thường vụ Thành ủy và các chỉ đạo Trung ương, Thành phố trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp.
Thực hiện tốt khâu đột phá về công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội; quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường. Chú trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và làm tốt công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, triển khai quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án; tạo niềm tin, thu hút các nhà đầu tư, các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 15, Chỉ thị 15 của Thành ủy về củng cố các cơ sở Đảng yếu kém, giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, không để kéo dài, phát sinh phức tạp, trở thành điểm nóng về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội….
Trong buổi sáng 29/7, các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 41 đồng chí. Chiều nay, Đại hội lấy phiếu giới thiệu chức danh Bí thư Huyện ủy khóa XXIII; Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXIII họp phiên đầu tiên bầu Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, nhiệm kỳ 2020-2025.
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Ba Vì diễn ra từ ngày 28-30/7./.
Những mục tiêu đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 10,3% trở lên; trong đó, ngành nông nghiệp tăng 6,5%, dịch vụ tăng 11,6%, công nghiệp - xây dựng tăng 11,5%.
- Cơ cấu kinh tế: Dịch vụ 59,2%, nông nghiệp 22,4%, công nghiệp - xây dựng 18,4%.
- Thu nhập bình quân đạt 72 triệu đồng/người/năm.
- Tốc độ tăng năng suất lao động 7%/năm.
- Tỷ lệ các xã đạt chuẩn nông thôn mới: 100%; huyện Ba Vì đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025; 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
- Có thêm 11 làng đạt danh hiệu "Làng văn hóa"; 90% gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa".
- Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia: 80%.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%; lao động có chứng chỉ, bằng cấp đạt 55%.
- Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1% (theo chuẩn mới).
- Tỷ lệ đô thị hóa 0,6% (250ha đô thị); tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu: 100%.
- Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch đạt 100%.
- Tỷ lệ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt đạt 100%; tỷ lệ cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải đạt 100%.
- Số đảng viên mới được kết nạp hằng năm từ 300 đảng viên trở lên. Hằng năm có từ 80% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
- Phấn đấu hằng năm Đảng bộ huyện đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; 80% tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
|
Tin, ảnh: Trung Anh