Trong các văn kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước ta qua các thời kỳ đều luôn khẳng định giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu”, là “động lực của sự phát triển đất nước”. Giáo dục và đào tạo là điều kiện tiên quyết góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội, nâng cao chỉ số phát triển con người.
Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực cố gắng của Ngành Giáo dục - Đào tạo, sự ủng hộ của toàn xã hội, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng dân tộc thiểu số (DTTS) nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc. Mạng lưới trường chuyên biệt dành cho học sinh DTTS , trong đó có hệ thống trường dự bị đại học được củng cố, mở rộng. Chất lượng giáo dục được nâng lên một bước.
Tuy vậy, chất lượng nguồn nhân lực thấp hiện vẫn đang là một điểm nghẽn ở vùng DTTS và miền núi (MN) nước ta. Khảo sát của TS. Đậu Tuấn Nam - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đối với cán bộ quản lý trong hệ thống chính trị các cấp cho thấy, trong các vấn đề cơ bản, cấp bách ở vùng DTTS và miền núi hiện nay có vấn đề giáo dục đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số.
Ngoài việc khó đạt chỉ tiêu số người DTTS học đại học theo Nghị quyết 52 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030 thì chính việc này cũng ảnh hưởng lớn đến cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS không đồng đều giữa các cấp, các cơ quan Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành. Tỷ lệ cán bộ công chức người DTTS so với dân số còn thấp. Ở cấp càng cao, số lượng, tỷ lệ cán bộ, công chức người DTTS càng giảm. Trong tổng số 48.200 cán bộ DTTS cấp xã thì số người có trình độ cao đẳng, đại học chỉ là 1,9% (nguồn: Tạp chí Cộng sản tháng 4/2018-PV). Hầu hết bộ, ngành và cấp tỉnh chưa đạt tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS theo quy định tại Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao nên vùng DTTS và MN đã khó khăn lại càng khó khăn hơn trong quá trình phát triển đi lên nếu soi vào lý thuyết phát triển và vai trò của giáo dục đào tạo trong sự phát triển.
|
Trường Dự bị đại học dân tộc Trung ương khai giảng năm học mới 2019 - 2020
trong bối cảnh gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh - ảnh: Trần Quỳnh |
Với chức năng nhiệm vụ được giao, các trường dự bị đại học dân tộc là cầu nối rất quan trọng để học sinh DTTS, nhất là học sinh DTTS rất ít người có cơ hội bước chân vào ngưỡng cửa trường đại học. Sau đó, các em dần từng bước trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao nếu trở về vùng DTTS và MN công tác. Chính vì thế, gỡ khó trong công tác tuyển sinh cho các trường dự bị đại học dân tộc không chỉ đơn thuần nhằm tạo việc làm cho đội ngũ giáo viên, tránh lãng phí hệ thống cơ sở vật chất đã được đầu tư đồng bộ của các nhà trường mà lớn hơn là tạo ra lực lượng trí thức, có tâm huyết để bổ sung vào đội ngũ cán bộ của vùng DTTS và MN.
Những giải pháp ở tầm vĩ mô
Trực tiếp gỡ khó cho các trường dự bị đại học dân tộc, ngày 24/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1292/QĐ-TTg phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2021 - 2023, sẽ chuyển các trường dự bị đại học dân tộc từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về trực thuộc Ủy ban Dân tộc, bao gồm: Trường Dự bị đại học dân tộc Trung ương, Trường Dự bị đại học dân tộc Sầm Sơn, Trường Dự bị đại học dân tộc Nha Trang, Trường Dự bị đại học Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Hữu Nghị T78, Trường Hữu Nghị 80, Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc.
Đây là giải pháp ở tầm vĩ mô nhằm tạo điều kiện cho các trường dự bị đại học dân tộc thực hiện tốt hơn chức năng trường chuyên biệt trong giáo dục đào tạo, là bước chuẩn bị cho việc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030 được tổ chức thực hiện bắt đầu từ năm 2021.
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030 có thiết kế Tiểu dự án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào DTTS; đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp”.
Mục tiêu hướng tới của Tiểu dự án là nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng DTTS và MN, các dân tộc rất ít người và những dân tộc trình độ phát triển thấp, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS đảm bảo tỷ lệ hợp lý tham gia vào các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến cơ sở theo Nghị quyết 52 của Chính phủ và các chỉ tiêu về tỷ lệ cán bộ người DTTS trong hệ thống chính trị theo Đề án “Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới” tại Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ tiêu mà Ủy ban Dân tộc phấn đấu với sự đồng thuận cao của các Bộ, ngành Trung ương, đó là đến năm 2025, đào tạo hệ dự bị đại học cho 3.347 học sinh, định mức 30 triệu đồng/học sinh. Hỗ trợ các cơ sở giáo dục chuyên biệt và trường đại học tổ chức bồi dưỡng hệ dự bị đại học cho học sinh vùng DTTS và MN đảm bảo quy mô 200 học sinh/1 vạn dân là người DTTS thuộc nhóm dân tộc rất ít người và DTTS có chất lượng nguồn nhân lực thấp.
Theo nghiên cứu của PGS.TS Trần Trung - Quyền Giám đốc Học viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc thì hiện còn 17 DTTS chưa có người được đào tạo trình độ thạc sĩ, 38 dân tộc chưa có người hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ, đòi hỏi cần phải chú trọng bồi dưỡng tạo nguồn từ các bậc học thấp hơn thông qua những chính sách riêng phù hợp.
Vì vậy, với nhà quản lý, tập trung phát triển hệ dự bị đại học không chỉ giúp học sinh bước chân vào ngưỡng cửa trường đại học - bước khởi đầu cần thiết, mà còn nhằm mở ra cơ hội cho học sinh DTTS thuộc nhóm dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực thấp được đào tạo ở các bậc học cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa các DTTS với trình độ chung của quốc gia.
Tuy vậy, một vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để cân bằng giữa mục đích của nhà quản lý thông qua chỉ tiêu đào tạo phấn đấu hàng năm với nhu cầu nhập học thực tế của học sinh các dân tộc đối với loại hình trường dự bị đại học dân tộc lại là một bài toán khó.
Rõ ràng, với nhà quản lý, việc đảm bảo chỉ tiêu hệ dự bị đại dân tộc học hàng năm mang ý nghĩa cả về sách lược và chiến lược trong công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của vùng DTTS. Tuy nhiên, nhu cầu của học sinh đối với loại hình dự bị đại học đang ngày càng giảm sút do những chịu ảnh hưởng về khoảng cách địa lý, điều kiện kinh tế gia đình, sự thay đổi trong thị trường lao động cần thợ hơn cần thầy lại là một thực tế hiện hữu…
Không khó để nhận ra 4 trường dự bị đại học dân tộc được thành lập đã đảm bảo yếu tố vùng, miền; có bộ máy tổ chức tương đồng với bộ máy tổ chức của hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú; ngân sách nhà nước cấp để thực hiện nhiệm vụ đào tạo hệ dự bị đại học và nội trú là như nhau; cơ sở vật chất đã được đầu tư không sử dụng hết rất lãng phí, có thể dẫn đến việc sử dụng sai mục đích; kinh nghiệm, trình độ của đội ngũ giáo viên bảo đảm … Vậy thì tại sao cơ quan quản lý không xem xét đến việc cho phép các trường dự bị đại học dân tộc được đào tạo thêm hệ phổ thông dân tộc nội trú chất lượng cao theo khu vực trường đóng chân hoặc thậm chí là trên phạm vi tuyển sinh cả nước? Trong đó, quyền tự chủ về quy mô tuyển sinh giữa hai hệ phổ thông dân tộc nội trú chất lượng cao và dự bị đại học nên giao cho các trường chủ động tự tính toán, đảm bảo phù hợp với công suất thiết kế của trường và nhấn mạnh yêu cầu cần đặc biệt ưu tiên tuyển sinh những DTTS rất ít người có chất lượng nguồn nhân lực đang quá thấp.
Hiện nay, ¾ trường dự bị đại học không tuyển đủ chỉ tiêu, trong đó có những trường chỉ tuyển được 50% học sinh. Trước thực tế này, thiết nghĩ việc chuyển các trường dự bị đại học dân tộc từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ủy ban Dân tộc mới chỉ là bước đầu của quá trình tái cơ cấu các trường này trong giai đoạn 2021 - 2023.
Sau thời gian trên, nếu tình hình hoạt động của các trường vẫn khó khăn thì nên mạnh dạn sáp nhập giảm đầu mối để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
|
Dù khó khăn, nhưng các trường dự bị đại học dân tộc cần có giải pháp vĩ mô và vi mô
để góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vùng DTTS và MN ngày càng phát triển
ảnh: Trần Quỳnh |
Những giải pháp mang tính vi mô của chính các trường
Trong thời gian chờ các cơ chế, chính sách vĩ mô đi vào cuộc sống, các trường dự bị đại học dân tộc cần chủ động thực hiện các giải pháp vi mô trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Như TS. Lê Trọng Tuấn - Hiệu trưởng Trường Dự bị đại học dân tộc Trung ương cho biết, đó là tăng cường mối liên hệ trao đổi thông tin hai chiều giữa nhà trường với các địa phương trong địa bàn tuyển sinh thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo. Các trường dự bị đại học dân tộc cung cấp cho địa phương thông tin về số lượng học sinh trúng tuyển, kết quả học tập tại trường, kết quả phân phối học sinh vào học tiếp tại các trường đại học sau thời gian học dự bị.
Ngược lại, vào cuối năm học, các địa phương cung cấp thông tin cho trường về nhu cầu nguồn cán bộ các ngành nghề còn thiếu của địa phương, số lượng học sinh người DTTS tốt nghiệp trung học phổ thông, đặc biệt là các học sinh người DTTS ít người, có hộ khẩu thường trú tại vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… làm cơ sở cho các trường lên phương án tuyển sinh phù hợp.
Chính quyền, ngành Giáo dục - Đào tạo các địa phương cũng cần quan tâm phổ biến rộng rãi thông tin tuyển sinh tới các trường trung học phổ thông để học sinh và phụ huynh nắm bắt có sự lựa chọn tốt nhất cho tương lai của con em mình.
Thay cho lời kết
Sau 45 năm thành lập, Trường Dự bị đại học dân tộc Trung ương có một di sản rất đỗi tự hào. Nhà trường đã góp phần đào tạo, bồi dưỡng gần 22 nghìn học sinh để cung cấp nguồn cho các trường đại học trên rất nhiều nhóm ngành: Sức khỏe, Kinh tế, Khoa học kỹ thuật, Sư phạm, Nông, Lâm… tạo nguồn cán bộ cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Cựu học sinh của Trường hiện có 02 đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII đang giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy, 03 đồng chí là Chủ tịch UBND tỉnh; nhiều đồng chí tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đảm nhận chức vụ Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Hàng trăm học sinh trưởng thành được giao trọng trách lãnh đạo các sở, ban, ngành và tương đương ở Trung ương và địa phương…
Chúng tôi không có điều kiện khảo sát hết các trường dự bị đại học dân tộc còn lại nhưng có thể chủ quan mà nói rằng ít nhiều các trường đó đều có một bề dày thành tích trong đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn đội ngũ cán bộ DTTS cho đất nước.
Nhưng… vẫn là một chữ nhưng ấy...!
Thành lập, phát triển đỉnh cao và có thể gặp khó khăn, rồi thoái trào là quy luật khách quan của bất kỳ loại hình đào tạo nào chứ không riêng gì hệ thống trường dự bị đại học dân tộc. Khi xã hội chưa phát triển, sự phân hóa nguồn nhân lực chưa cao, đòi hỏi của xã hội chưa mạnh mẽ, học sinh DTTS và gia đình các em chưa đứng trước sự lựa chọn khó khăn giữa học đại học với cơ hội việc làm thực tế có một khoảng cách rất xa như bây giờ thì đó là thời “hoàng kim” của các trường dự bị đại học. Quãng thời gian đó, các trường dự bị đại học dân tộc đã hoàn thành rất tốt sứ mệnh của mình, đạt được nhiều thành tích rất vinh quang.
Song trước sự chuyển biến của thời cuộc, các trường đang bước sang một giai đoạn mới, mà ở đó đòi hỏi phải tái cơ cấu lại rất mạnh mẽ. Bên cạnh sự tháo gỡ về cơ chế, chính sách từ cấp có thẩm quyền, bản thân mỗi trường phải tự tìm ra những cách thức đổi mới riêng có để tồn tại và phát triển.
Quá trình đó rất khó khăn, nan giải nhưng không thể không tiến hành, bởi sứ mệnh cao cả của hệ thống trường dự bị đại học dân tộc là: “Trường chuyên biệt thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta”. /.
Trần Quỳnh - Phương Liên