(ĐHXIII) – Bằng các hoạt động thiết thực, cán bộ, công chức ngành Năng lượng nguyên tử đang cùng nhân dân cả nước hướng về thành công Đại hội XIII của Đảng với niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng. Với tinh thần đó, toàn ngành đã phát huy sức mạnh tổng hợp, tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, thúc đẩy ứng dụng, sản xuất, dịch vụ, góp phần vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
|
Bệnh viện đa khoa Đồng Nai triển khai ứng dụng công nghệ hạt nhân trong chẩn đoán và phát hiện sớm
di căn ung thư. Ảnh minh họa. Nguồn: Lê Xuân/TTXVN
|
Theo Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử (VINATOM) Trần Ngọc, trên tinh thần đoàn kết, phấn đấu, nỗ lực trong năm qua, toàn Viện đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Số lượng công bố quốc tế của VINATOM đã tiếp tục tăng lên. Toàn Viện có 91 công trình (trong đó 68 bài đăng trên tạp chí quốc tế ISI có chỉ số ảnh hưởng - Impact Factor cao), tăng lên khoảng 28% so với năm 2019 (có 71 công trình quốc tế, 57 công trình ISI), và tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2016.
Doanh thu sản xuất dịch vụ trong toàn Viện năm 2020 tiếp tục tăng lên so với 2019 (liên tục tăng trong suốt thời kỳ 2016-2020), đạt ước tính khoảng 319,86 tỷ đồng, bao gồm các lĩnh vực: sản xuất dược chất phóng xạ, dịch vụ chiếu xạ, dịch vụ an toàn bức xạ, kiểm tra đánh giá không phá huỷ, dịch vụ phân tích, đánh giá môi trường, đào tạo nhân lực..
Cùng với đó, sản xuất dược chất phóng xạ đáp ứng toàn bộ nhu cầu trong nước cho chẩn đoán và điều trị ung thư trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và không nhập khẩu được dược chất từ nước ngoài (do không có các chuyến bay).
TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng VINATOM nhấn mạnh: Thành công nổi bật trong năm 2020 của VINATOM là Lò hạt nhân Đà Lạt đã vận hành gần 4300 giờ, tăng 48% so với năm 2019 (gấp 3 lần so với trung bình trong giai đoạn 2010-2019) để sản xuất dược chất phóng xạ, đáp ứng nhu cầu (80-100%, thời điểm Quý II đáp ứng 100%).
Viện đã cung cấp hơn 1.300 Ci các loại đồng vị phóng xạ, trong đó 977 Ci sản xuất trên lò phản ứng Đà Lạt (tăng gần 2 lần so với giai đoạn 2015-2019) và xuất khẩu được 6,0 Ci sang Campuchia để giúp nước bạn dùng trong các cơ sở y học hạt nhân. Để đạt được kết quả này, đội ngũ cán bộ vận hành lò đã nỗ lực với các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phân tích và tính toán lại, đưa ra các quy trình sản xuất đồng vị mới. Điều này chứng minh Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ các vấn đề về khoa học, kỹ thuật và công nghệ để sản xuất các loại dược chất cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu khi có lò nghiên cứu mới.
Bên cạnh đó, dây chuyền sản xuất dược chất tại lò hạt nhân Đà Lạt đã nâng cấp (với kinh phí tự có) để lần đầu tiên có được chứng chỉ GMP của Bộ Y tế (tháng 6/2020) và visa lưu hành dược chất phóng xạ (trước đây chỉ có giấy phép và xin thủ tục gia hạn hàng năm). Kết quả vận hành lò liên tục để sản xuất dược chất đáp ứng nhu cầu trong nước cũng là kết quả cao nhất từ trước đến nay, kể từ khi bắt đầu vận hành lại lò Đà Lạt ngày 20/03/1984. Đặc biệt, giá thành dược chất từ lò Đà Lạt chỉ khoảng ¼ giá dược chất nhập khẩu, đã thực sự hỗ trợ tốt cho những bệnh nhân bị ung thư. Các hoạt động sản xuất và dịch vụ khác của các đơn vị trực thuộc Viện như đo kiểm soát liều cá nhân, đào tạo cấp chứng chỉ an toàn bức xạ, chuẩn và kiểm tra kiểm định chất lượng thiết bị, kiểm tra và chuẩn liều các máy xạ trị, phân tích mẫu... đã được triển khai tốt và góp phần đưa ứng dụng năng lượng nguyên tử vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động trong thời gian tới, VINATOM tiếp tục xây dựng dự án Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia. Đến nay, Mạng lưới dần được hình thành, đã lắp đặt đưa vào vận hành và quản lý mạng lưới quan trắc phóng xạ bao gồm 11 trạm thuộc khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ và 01 Trung tâm điều hành (tại Hà Nội) thông qua các dự án tăng cường năng lực nghiên cứu, dự án tăng cường trang thiết bị, sản phẩm từ đề tài thuộc Chương trình KC.05, nhiệm vụ môi trường, nhiệm vụ/đề tài cấp Bộ và viện trợ từ các tổ chức quốc tế.
Đặc biệt, Viện sẽ tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn sâu, chuyên nghiệp trong lĩnh vực quan trắc phóng xạ và đánh giá tác động môi trường. Toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động của VINATOM sẽ nỗ lực phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn và tích cực triển khai tốt các ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ vào các lĩnh vực khác nhau để phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước./.
Bích Liên