(ĐHXIII) - Từ những kết quả đạt được và kinh nghiệm bước đầu trong xây dựng sản phẩm OCOP, phường Nghi Hải (Cửa Lò - Nghệ An) tiếp tục đề ra một số giải pháp để tập trung chỉ đạo trong thời gian sắp tới. Ngay từ đầu năm 2021, Đảng ủy phường Nghi Hải đã có chương trình làm việc với UBND, Hội Nông dân phường về định hướng tập trung xây dựng các sản phẩm OCOP năm 2021 và định hướng cho các năm tiếp theo.
Theo Hội Nông dân phường Nghi Hải (thị xã Cửa Lò - Nghệ An), làng nghề Hải Giang 1 chủ yếu phát triển kinh tế dựa vào ngành sản xuất nước mắm truyền thống (75% cơ cấu kinh tế của khối). Nghề sản xuất nước mắm được nhân dân đúc rút kinh nghiệm từ khi còn tham gia làm công nhân các xí nghiệp chế biến nước mắm trước đây hoạt động trên địa bàn (Xí nghiệp nước mắm Cửa Hội, Xí nghiệp Đông Lạnh...) cũng như được thừa hưởng kinh nghiệm truyền thống của các thế hệ gia đình để lại.
|
Sản phẩm của làng nghề nước mắm Hải Giang 1 (Nguồn: tieudung.vn)
|
Năm 2010, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 6138/QĐ-UBND về việc công nhận làng nghề nước mắm Hải Giang 1 và được Cục sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền kiểu dánh công nghiệp. Để tiếp tục xây dựng thương hiệu và phát triển làng nghề có hiệu quả, năm 2016, phường Nghi Hải đã xây dựng Đề án xây dựng thương hiệu và phát triển nước mắm Hải Giang 1, thuộc làng nghề khối Hải Giang 1, phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò giai đoạn 2016-2020. Trong thời gian qua, UBND phường đã phối hợp cùng Hội Nông dân đã tập trung chỉ đạo, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho làng nghề, các hộ sản xuất kinh doanh hoạt động, đặc biệt là việc tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho nông dân (hàng năm có 3-4 cuộc tập huấn, đã tổ chức 3 lớp học nghề cho nông dân về quy trình chế biến nước mắm).
Một điều kiện quan trọng khác, đó là sự hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân cho các thành viên làng nghề vay vốn Quỹ hỗ trợ Nông dân. Năm 2015, các hộ vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân (HTND) Trung ương 500 triệu đồng cho 30 thành viên; năm 2018, 6 thành viên được vay 300 triệu đồng từ Quỹ HTND thị xã Cửa Lò. Ngoài ra, Hội Nông dân phường Nghi Hải cũng đã nhận uỷ thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội số tiền 28 tỷ đồng cho các hội viên nông dân làng nghề vay đầu tư sản xuất.
Đến nay, sau 5 năm thực hiện dự án, nước mắm làng nghề Hải Giang 1 đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Hàng năm đều được Sở Công Thương Nghệ An công nhận là sản phẩm công nghiệp tiêu biểu. Năm 2020, làng nghề được UBND tỉnh chọn làm điểm đến trong Đề án xây dựng các điểm đến nông thôn trải nghiệm trên địa bàn tỉnh. Hàng năm làng nghề nước mắm Hải Giang 1 sản xuất đưa ra thị trường từ 900.000 đến 1.000.000 lít nước mắm, thu hút trên 350 lao động, thu nhập bình quân dao động hàng năm từ 70-72 triệu đồng.
Nhìn chung, làng nghề đang hoạt động có hiệu quả, giá trị sản xuất không ngừng tăng lên, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương. Chất lượng các sản phẩm làng nghề ngày càng được nâng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được các ngành đánh giá cao và cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Hiện tại sản phẩm ngoài việc được tiêu thụ ở Nghệ An, đã vươn ra ngoài tỉnh. Đặc biệt, Hội Nông dân đã vận động các hộ hội viên nông dân trong làng nghề thành lập được Hợp tác xã làng nghề Hải Giang 1.
Ngay khi UBND thị xã Cửa Lò ban hành kế hoạch xây dựng chương trình "Mỗi xã phường một sản phẩm" (OCOP) - chương trình xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP trên địa bàn thị xã Cửa Lò; Đảng ủy phường đã tập trung chỉ đạo UBND phường phối hợp với Hội nông dân triển khai kế hoạch và xác định tập trung xây dựng các sản phẩm thế mạnh của phường thành sản phẩm OCOP, đặc biệt là sản phẩm nước mắm làng nghề nước mắm Hải Giang 1.
Khi tổ chức triển khai xây dựng sản phẩm OCOP, bước đầu địa phương cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền (mà nòng cốt là UBND và Hội Nông dân phường) đã tạo ra những bước chuyển biển trong nhận thức của các thành viên làng nghề. Cùng với đó là sự quan tâm chỉ đạo của UBND thị xã Cửa Lò, mà trực tiếp là Phòng Kinh tế thị xã đã hỗ trợ địa phương trong việc triển khai quy trình, việc xây dựng các hồ sơ pháp lý có liên quan đến việc thành lập hợp tác xã và xây dựng sản phẩm OCOP. Đến nay, trên địa bàn phường đã xây dựng thành công hợp tác xã làng nghề và 3 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh (nước mắm Hợp tác xã làng nghề Hải Giang 1 đạt chuẩn 3 sao, nước mắm Ngư Hải đạt 3 sao, nước mắm Tân Hội đạt 4 sao). Hầu hết các sản phẩm sau khi đạt chuẩn sản phẩm OCOP, đã từng bước khẳng định được thương hiệu, ngày càng được thị truờng quan tâm.
Từ những kết quả đạt được và kinh nghiệm bước đầu trong xây dựng sản phẩm OCOP, Đảng uỷ phường Nghi Hải tiếp tục đề ra một số giải pháp để tập trung chỉ đạo trong thời gian sắp tới. Ngay đầu năm 2021, Đảng ủy phường đã có chương trình làm việc với UBND, Hội Nông dân phường về định hướng tập trung xây dựng các sản phẩm OCOP năm 2021 và định hướng cho các năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, Đảng ủy đã giao cho UBND, Hội Nông dân phường tiếp tục tập trung nâng xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề Hải Giang 1 (giai đoạn 2021-2025), trên cơ sở nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã làng nghề, khắc phục những khó khăn để nâng sản phẩm OCOP của hợp tác xã lên chuẩn 4 sao.
Song song với đó, địa phương cũng tập trung rà soát các sản phẩm thế mạnh đã có nhãn hiệu, cơ bản đầy đủ các điều kiện để xây dựng sản phẩm OCOP năm 2021 (sản phẩm cá thu nướng của Tổ hợp tác cá thu nướng Nghi Hải); triển khai phối hợp với Phòng Kinh tế thị xã Cửa Lò và các doanh nghiệp, các hộ sản xuất trên địa bàn. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhãn hiệu, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; công bố tiêu chuẩn chất lượng, mã số mã vạch; dán tem truy xuất nguồn gốc... đối với các sản phẩm chế biến hải sản trên địa bàn đảm bảo theo quy định để đảm bảo đủ điều kiện cho việc xây dựng sản phẩm OCOP năm 2022 và các năm tiếp theo (cố gắng trong năm 2021 sẽ xây dựng để đầu năm 2022 có thể được công nhận nhãn hiệu của 2-3 sản phẩm)./.
H.V