Một khu du lịch sinh thái của Bình Thuận. (Ảnh: Báo Bình Thuận)
Vượt qua khó khăn
Đồng chí Dương Văn An – Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết, là một tỉnh có 9 ca nhiễm COVID-19, địa phương đã phải thực hiện nhiều biện pháp nghiêm ngặt phòng chống dịch. Nhớ lại những ngày giữa tháng 3 căng thẳng, cao điểm phòng chống dịch, nhiều khách sạn, nhà hàng, dịch vụ… đóng cửa; đường phố, trung tâm thương mại, các khu du lịch yên tĩnh đến lạnh lẽo… Thêm vào đó, nắng hạn kéo dài trong những tháng đầu năm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, làm cho khó khăn càng thêm khó khăn. Mục tiêu “kép” được Chính phủ đặt ra: vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch.
Tỉnh Bình Thuận ngăn chặn được dịch, không để lây lan ra cộng đồng, các bệnh nhân nhiễm COVID-19 đều được chữa khỏi, tạo thêm niềm tin cho người dân. Hoạt động kinh tế trong điều kiện phòng chống dịch sớm ổn định, một số ngành sản xuất, kinh doanh phát triển, trong đó ngành công nghiệp năng lượng tăng trưởng nhanh, góp phần giữ được đà phát triển kinh tế tỉnh; tốc độ tăng trưởng GRDP vì thế không bị giảm sâu và đạt mức 4,54%, cao hơn mức tăng trưởng của cả nước (2,91%).
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng gia tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp trong GRDP. Thu ngân sách (nội địa) của tỉnh vượt kế hoạch đề ra, đạt 8.461 tỷ đồng, gấp 1,88 lần so với năm 2015. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Đời sống nhân dân tiếp tục được nâng lên, GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 66,2 triệu đồng, tương đương 2.865 USD, tăng 123 USD so với năm 2019 và gấp khoảng 1,6 lần so với năm 2015. Năng suất lao động tiếp tục có sự cải thiện, ước đạt 116,1 triệu đồng/người, tăng 5,2% so với năm 2019 và gấp khoảng 1,7 lần so với năm 2015. Các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội cho nhân dân được thực hiện đầy đủ, kịp thời, trong đó có chính sách dành cho người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh căn bản được giữ vững. Đại hội Đảng cấp cơ sở, cấp trên cơ sở và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV thành công tốt đẹp, tạo được khí thế phấn khởi, niềm tin và động lực mới trong cán bộ, đảng viên, nhân dân. Những kết quả trên có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề để tỉnh Bình Thuận tiếp tục phát triển nhanh, bền vững; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Mục tiêu đặt ra
Cũng theo đồng chí Bí thư tỉnh ủy, bước sang năm mới 2021, cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV. Bình Thuận sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, đó là trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Bình Thuận xác định mục tiêu xây dựng trở thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch. Yêu cầu hàng đầu được đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết là phải đổi mới tư duy và tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị, trong nhân dân, từ đó cụ thể hóa trong định hướng, quy hoạch, chiến lược và chính sách phát triển của từng địa phương, đơn vị với nguồn lực và cơ chế phát triển phù hợp. Theo đó, năm 2021 là năm nền tảng, năm tiền đề trong thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025; do vậy cần tổ chức thực hiện các nhiệm vụ ngay từ những ngày, tháng đầu của năm và năm đầu của nhiệm kỳ 5 năm.
Với tinh thần đó, trong năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận sẽ tập trung đánh giá những Nghị quyết đã ban hành trước đây và dự kiến nghiên cứu, xây dựng, ban hành 5 Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội, đó là: Nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; về phát triển du lịch, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và về chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số.
Nhiệm vụ xây dựng Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được ưu tiên bởi đây là một nội dung rất quan trọng.
Vấn đề phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Một trong những ưu tiên là triển khai dự án Khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị Hàm Tân - La Gi ở xã Sơn Mỹ và dự án Khu công nghiệp Tân Đức, ở xã Tân Đức, huyện Hàm Tân. Đề xuất Bộ Công Thương và Chính phủ xem xét đưa vào Quy hoạch điện 8 một số dự án điện gió ngoài khơi, điện khí LNG gắn với hệ thống truyền tải điện. Về giao thông, tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thúc đẩy tiến độ thi công các công trình, dự án của giai đoạn trước như đường bộ cao tốc Bắc - Nam (phía đông) đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây; xây dựng sân bay Phan Thiết; tiếp tục tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và vốn của địa phương để xây dựng tuyến đường ven biển như đường 719 B (Phan Thiết - Kê Gà), Hòn Lan - Tân Hải, mở rộng, nâng cấp đường 719 (Kê Gà - La Gi); chuẩn bị đầu tư cầu Văn Thánh… Về thủy lợi, hoàn thành hồ Sông Lũy, triển khai các thủ tục để xây dựng hồ Ka Pét, phát triển mạng lưới kênh mương thủy lợi để chủ động nguồn nước tưới và nước sinh hoạt trong mùa khô hạn. Các công trình bệnh viện, trường học, văn hóa, thể dục thể thao… trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 sẽ được tính toán xây dựng vào thời điểm thích hợp để phát huy tốt nhất hiệu quả đầu tư.
Vấn đề cải cách hành chính, cải thiện môi trường thu hút đầu tư sẽ được ưu tiên với quyết tâm cao hơn nữa trong năm 2021 và các năm tiếp theo. Thời gian qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) của tỉnh không cao, thậm chí có chỉ số thuộc nhóm thấp nhất nước.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nữa là xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Quá trình này, Tỉnh ủy sẽ tập trung chỉ đạo cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp tăng cường hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, triển khai học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của Đảng bộ, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Bên cạnh đó, Đảng bộ tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (khóa XV) và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026; bầu chọn được những đại biểu thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
Để thực hiện tốt các nội dung công việc trên, yếu tố quan trọng là con người. Sắp tới, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh sẽ tiếp tục công tác kiện toàn đội ngũ cán bộ; bố trí, phân công cán bộ phù hợp, nhằm phát huy tốt nhất năng lực, sở trường của đội ngũ cán bộ và đảm bảo sự kế thừa, phát triển. Phải xây dựng cho được đội ngũ cán bộ các cấp có chuyên môn cao, có năng lực thực tiễn, phẩm chất đạo đức trong sáng; gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với nhân dân; đồng thời sẵn sàng thay thế cán bộ yếu kém, thiếu trách nhiệm đối với công việc.
Chung sức đồng lòng
Đồng chí Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết thêm: Nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh là một chặng đường mới, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng có nhiều thuận lợi, thời cơ hơn trước. Trước đây, chúng ta mong ước có cao tốc, sân bay thì đường bộ cao tốc đoạn qua địa bàn tỉnh đã được khởi công, dự kiến cuối năm 2022 sẽ hoàn thành; sân bay Phan Thiết đang hoàn thiện một số thủ tục để triển khai xây dựng trong năm nay. Những vấn đề chúng ta từng xem là khó khăn, thách thức, bất lợi như nắng nóng, gió nhiều, giờ đang trở thành tiềm năng, lợi thế khi chúng ta tận dụng bức xạ mặt trời, năng lượng gió để phát triển điện mặt trời, điện gió. Những khó khăn của sản xuất nông nghiệp như thiếu nước sản xuất từng bước được tháo gỡ; hệ thống hồ đập, kênh thủy lợi đang được đầu tư xây dựng sẽ nâng cao khả năng đáp ứng nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt lên nhiều lần. Bình Thuận đang trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư trên các lĩnh vực: công nghiệp (nhất là công nghiệp năng lượng), du lịch, nông nghiệp, bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp, dịch vụ... Tuy nhiên, trên thực tế, việc cụ thể hóa, triển khai thực hiện vẫn là khâu yếu. Kỷ luật, kỷ cương ở nhiều nơi chưa nghiêm. Một bộ phận cán bộ, đảng viên còn quan liêu, xa dân, chưa tự coi mình là “công bộc” của nhân dân, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong thực thi công vụ, thậm chí còn có tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, tư tưởng “dễ làm, khó bỏ”; nhiều công việc, thủ tục hành chính, giải quyết còn chậm, gây bức xúc cho nhân dân và doanh nghiệp.
Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, bên cạnh tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân tỉnh nhà, đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, các ngành, các địa phương cần nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa. Mỗi cán bộ, công chức phải luôn suy nghĩ, trăn trở với công việc, với những điều chưa làm được. Phải tích cực đổi mới, sáng tạo, tìm hướng đi, giải pháp mới, không theo lối mòn trì trệ. Phải mạnh mẽ dám nghĩ, dám làm, dám quyết định, dám đột phá và dám chịu trách nhiệm. Tất cả cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt hơn nữa; đoàn kết, gắn bó, cộng đồng trách nhiệm để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2021 và của cả nhiệm kỳ để đến năm 2025, tỉnh Bình Thuận thực sự là một tỉnh mạnh về kinh tế biển, năng lượng, du lịch, phát triển bền vững./..
Khôi Nguyên