(ĐHXIII) – Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đưa Đà Bắc phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo hướng nông nghiệp, dịch vụ như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV đề ra, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) quyết tâm thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ.
Đà Bắc là huyện có tiềm năng phát triển du lịch. (Ảnh: Báo Hòa Bình)
Đà Bắc là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Hòa Bình. Với địa hình chủ yếu là núi cao, chia cắt mạnh, nên điều kiện về giao thông, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện Đà Bắc gặp rất nhiều khó khăn. Trong suốt hơn 30 năm qua, về hạ tầng giao thông, Đà Bắc vẫn chỉ có duy nhất một tuyến tỉnh lộ 433 nối từ thành phố Hòa Bình lên điểm cuối là xã Nánh Nghê. Sau nhiều năm, tuyến đường này hầu như chưa có sự cải tạo, nâng cấp đáng kể nào. Phần kết nối giữa huyện với các xã vẫn là con đường nhỏ hẹp, quanh co khó đi, thông thương hạn chế.
Ngay khi bắt đầu giai đoạn phát triển mới, huyện Đà Bắc đã xác định những khâu, mũi nhọn đột phá toàn diện trên các mặt kinh tế - xã hội. Trong đó, huyện xác định du lịch là một trong những mũi nhọn. Là địa phương có nhiều xã tiếp giáp với lòng hồ Hòa Bình - được công nhận là khu du lịch quốc gia, huyện Đà Bắc có lợi thế lớn để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Huyện đã chủ động tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư để thu hút các nhà đầu tư có năng lực. Qua đó, đã ký kết biên bản ghi nhớ với 9 nhà đầu tư. Thành lập Ban chỉ đạo phát triển du lịch để làm cầu nối giữa các nhà đầu tư với huyện, cũng như giúp hoạch định những bước đi phù hợp trong phát triển du lịch. Từ đó, tập trung làm tốt quy hoạch đầu tư hạ tầng, tour, tuyến. Với những bước đi đó, huyện đã hình thành và có một số mô hình, sản phẩm du lịch gắn với gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương.
Chia sẻ với phóng viên, đồng chí Bùi Văn Luyến, Bí thư Huyện ủy Đà Bắc cho biết, bên cạnh việc tập trung phát triển về du lịch, huyện còn tập trung phát huy lợi thế phát triển ngành nông nghiệp. Trong nông nghiệp lấy chăn nuôi là một mũi nhọn đột phá. Điều này được chứng minh qua thực tế, khi huyện ban hành, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/HU về phát triển chăn nuôi đại gia súc. Đây là một hướng đi phù hợp với địa phương, khai thác được lợi thế, phù hợp khả năng đầu tư của người dân. Do vậy, huyện xác định tiếp tục chủ trương đẩy mạnh thực hiện nghị quyết. Từ định hướng này, trên địa bàn huyện hiện có một số mô hình chăn nuôi gia súc cho hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời phát huy lợi thế mặt nước lòng hồ, huyện mở rộng mô hình nuôi cá lồng, đã thu hút được một số doanh nghiệp vào đầu tư. Người dân tham gia liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để nuôi cá lồng ở một số xã vùng hồ. Các mô hình này đã góp phần tăng tỷ trọng trong cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân”.
Tuy vậy, theo Bí thư Huyện ủy Đà Bắc Bùi Văn Luyến, để thực hiện được mục tiêu đưa huyện "Phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo hướng nông nghiệp, dịch vụ” như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đà Bắc vẫn còn một số rào cản. Đó là phải xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân. Để thay đổi tư duy trông chờ, ỷ lại, không có cách nào khác là phải huy động cả hệ thống chính trị đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân. Mặt khác, Nhà nước cũng phải thay đổi về chính sách để làm sao có sự hỗ trợ về điều kiện, chứ không phải hỗ trợ trực tiếp cho người dân như hiện nay. Đó là hỗ trợ về sinh kế, đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông, cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó tạo ra một cuộc cách mạng về nhận thức, tư duy phát triển mới cho huyện.
Chia sẻ quan điểm với Bí thư Huyện ủy Đà Bắc Bùi Văn Luyến, ông Đinh Công Báo - nguyên Bí thư Huyện ủy Đà Bắc cho rằng, tất cả những định hướng, mục tiêu đưa Đà Bắc "Phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo hướng nông nghiệp, dịch vụ” sẽ rất khó thực hiện nếu như hạ tầng giao thông không được quan tâm đầu tư. Đó chính là điều huyện mong chờ trong suốt quá trình đổi mới, phát triển. "Để Đà Bắc khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, phát triển nhanh, bền vững thì giao thông phải đi trước một bước. Mong muốn của huyện là được quan tâm đầu tư về hạ tầng giao thông để tạo sự thông thương, kết nối”, ông Đinh Công Báo nói.
Các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy Đà Bắc trao đổi, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo,
chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH. (Báo: Hòa Bình)
Thực tế, do giao thông khó khăn, nhiều vùng trước đây được ví như những "vựa” sản xuất nông nghiệp lớn của huyện Đà Bắc như: Mường Tuổng, Đồng Chum, Yên Hòa, Cao Sơn có diện tích trồng ngô rất lớn nhưng không phát huy được hiệu quả. Người dân chỉ sản xuất cầm chừng, đủ cho sinh hoạt chứ không tăng gia đẩy mạnh sản xuất, đưa cây ngô trở thành nông sản thế mạnh. Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng giao thông khó khăn, không thuận lợi cho việc kết nối giao thông giữa Đà Bắc với các địa phương khác.
"Cái Đà Bắc cần là một con đường thông thương, kết nối. Đây cũng là khó khăn, thách thức đặt ra cho tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đà Bắc nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết những khó khăn, tạo sức bật cho Đà Bắc. Đảng bộ huyện Đà Bắc xác định tinh thần chỉ đạo xuyên suốt là thường xuyên nắm bắt tình hình cơ sở, sâu sát đời sống Nhân dân, tận dụng mọi cơ hội cho sự phát triển của huyện trong thời gian tới” Bí thư Huyện ủy Đà Bắc Bùi Văn Luyến khẳng định./.
Khánh Lan