(ĐHXIII) - Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” đã khơi dậy trong nhân dân tinh thần, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường thuỷ, xây dựng nếp sống văn hoá khi tham gia giao thông.
Quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; 03 năm thực hiện Chỉ thị số 04/CT-BCA, ngày 19/5/2018 của Bộ Công an về “Đổi mới nâng cao chất lượng phong trào Công an nhân dân (CAND) học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy trong tình hình mới” và 04 năm Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, Đảng uỷ, lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông đã tổ chức triển khai, quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện, chú trọng chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông các địa phương bám sát tình hình thực tiễn bằng những hành động, việc làm cụ thể để tham mưu, phối hợp với cấp uỷ, chính quyền xây dựng các phong trào thi đua, các cuộc vận động hiệu quả về thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy. Trong đó, nổi bật là phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2016 – 2020 góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về người Cảnh sát giao thông trong giai đoạn hiện nay.
Đã xây dựng hơn 1.600 mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy”
Theo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), sau 05 năm (giai đoạn 2016-2020) triển khai thực hiện cuộc vận động toàn quốc xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” đã xây dựng 1.618 mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy”.
Bên cạnh đó, lực lượng CSGT Công an các địa phương đã bám sát chương trình, kế hoạch và chỉ đạo của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, Cục CSGT chủ động tham mưu Giám đốc Công an tỉnh phối hợp với Ban An toàn giao thông, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành và các ban, ngành, UBND các cấp duy trì hoạt động của 1.457 mô hình “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” và loại bỏ 423 mô hình không đạt chuẩn.
Trong giai đoạn 2016-2020, lực lượng Cảnh sát đường thủy đã tổ chức 1.185.578 đợt tuyên truyền cho ngư dân về Luật thủy sản, Luật giao thông đường thủy nội địa, các quy định về đánh bắt thủy, hải sản và bảo vệ môi trường; tuyên truyền đến các đối tượng bà con làng chài lưu canh, lưu cư tại các tuyến sông ít có điều kiện tiếp xúc với các phương tiện thông tin đại chúng thông qua các hoạt động tình nghĩa, hoạt động của các tổ chức Đoàn, Hội; tuyên truyền về phòng chống đuối nước cho người dân sống hai bên sông cho bà con, đặc biệt học sinh các trường học gần khu vực sông, hồ…nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm và sự quan tâm của cộng đồng đối với an toàn cho trẻ em, cũng như tăng cường kiến thức và kỹ năng, xử lý tình huống bơi, cấp cứu đuối nước cho các em; tổ chức lớp bồi dưỡng pháp luật giao thông đường thủy nội địa cho các chủ phương tiện, người lái phương tiện, cán bộ làm công tác quản lý giao thông đường thủy nội địa; phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cho người tham gia giao thông đường thủy. Phối hợp với Công an địa phương, Cảng vụ đường thủy, Thanh tra giao thông và các lực lượng chức năng tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành nhằm tuyên truyền cho các chủ bến, cảng, doanh nghiệp, bến đò, chủ phương tiện khách thủy trên địa bàn các văn bản pháp luật có liên quan trên lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, tổ chức ký cam kết quyết tâm xây dựng môi trường giao thông đường thủy văn hóa, an toàn.
|
Lực lượng CSGT tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định phương tiện giao thông đường thủy.
(Ảnh: Cục CSGT).
|
Thực hiện hiệu quả các đợt cao điểm bảo đảm TTATGT
Trước tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thuỷ vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng “ba không”: phương tiện không đăng ký, không đăng kiểm, người điều khiển không có bằng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn; nhiều bến thủy nội địa hoạt động không có giấy phép theo quy định của pháp luật; phương tiện chở quá vạch dấu mớn nước an toàn; các phương tiện chở khách du lịch, tàu cao tốc tiềm ẩn cao nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT); tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, sai phép vẫn diễn biến phức tạp ở hầu khắp các địa phương…Ban chỉ đạo cuộc vận động các địa phương đã tổ chức nhiều đợt ra quân liên ngành kiểm tra, chấn chỉnh tình hình hoạt động giao thông đường thủy, thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm bảo đảm TTATGT, giữ gìn TTXH trên đường thủy nội địa.
Thông qua đó, tai nạn giao thông đường thủy nội địa được kiềm chế, năm sau giảm hơn năm trước về cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, song kết quả chưa ổn định, các nguy cơ xảy ra tai nạn còn rất lớn, vẫn còn tỷ lệ các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết nhiều người, thiệt hại lớn về tài sản, hàng hóa của Nhà nước và nhân dân.
Thiếu tướng Trần Quốc Trung, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục CSGT khẳng định: Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” đã khơi dậy trong nhân dân tinh thần, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường thuỷ, xây dựng nếp sống văn hoá khi tham gia giao thông. Qua đó lực lượng Cảnh sát giao thông cũng tự soi, tự sửa, bám sát Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, bằng những việc làm cụ thể, gương mẫu, tự giác rèn luyện, phấn đấu về phẩm chất đạo đức, năng lực công tác thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”, Chỉ thị số 04/CT-BCA ngày 19/5/2018 của Bộ Công an về “Đổi mới nâng cao chất lượng phong trào CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy trong tình hình mới” và Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của lực lượng Cảnh sát giao thông trong tình hình hiện nay./.
Vy Thảo