Xây dựng Yên Khánh trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu

Diện mạo nông thôn mới ở Yên Khánh. (Ảnh: nongnghiep.vn)

 

Diện mạo nông thôn nhiều đổi mới

Với những nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở, đến nay, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Yên Khánh đã đạt được những kết quả tương đối toàn diện, nổi bật; diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của Yên Khánh năm 2011 là 14,95 triệu đồng/người đến năm 2020 đạt gần 50 triệu đồng/người. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của các xã đã cơ bản được đầu tư, xây dựng tương đối đồng bộ và ngày càng được hoàn thiện, hệ thống giao thông các xã được 100% bê tông hóa, nhựa hóa, đến nay toàn huyện đã nhựa hoá, bê tông hoá làm mới được 1.520 tuyến đường với 224,7 km; nâng cấp 1.676 tuyến đường với 166km. Trong 10 năm qua, toàn huyện đã huy động được 4.713 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM, trong đó ngân sách nhà nước 1.347 đồng, nhân dân đóng góp với tổng giá trị khoảng 1.318 tỷ đồng, còn lại là huy động từ con em quê hương và các đơn vị tổ chức; nhân dân hiến 200ha đất làm đường giao thông và chỉnh trang đồng ruộng.

Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp được quan tâm đổi mới theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập người dân, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh và bền vững, đến nay còn dưới 2%.

Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, an sinh xã hội, môi trường ngày càng được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và ngày càng phát triển. Cơ sở vật chất trường học được tập trung đầu tư đồng bộ, có 18 trường được đầu tư xây dựng mới, 41 trường được nâng cấp, trường THCS thị trấn Yên Ninh được đầu tư xây dựng theo hướng chất lượng cao với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng. Toàn huyện có 2/3 trường THPT, 61/61 trường Mầm non, Tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia, trong đó 34 trường đạt chuẩn mức độ 2. Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Khánh nhiều năm liền đứng tốp đầu trong phong trào thi đua khối các phòng giáo dục của tỉnh.

Kết quả sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện Yên Khánh: Năm 2013 Yên khánh là huyện đầu tiên của tỉnh có 3 xã: Khánh Thiện, Khánh Thành, Khánh Phú được công nhận đạt chuẩn NTM; năm 2017 huyện đã có 18/18 xã đạt chuẩn NTM; năm 2018 huyện Yên Khánh được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM (hoàn thành trước 02 năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII đề ra), được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Ba trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, giai đoạn 2016-2020. Khi về đích huyện Nông thôn mới huyện không có nợ Xây dựng cơ bản.

Với tinh thần xác định xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Khánh tiếp tục bắt tay vào xây dựng NTM kiểu mẫu, năm 2019 xã Khánh Thiện là một trong 3 xã đầu tiên của tỉnh đạt NTM kiểu mẫu, đặc biệt năm 2020 xã Khánh Thành là xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu toàn diện với 100% số thôn, xóm đạt khu dân cư kiểu mẫu. Những kết quả đạt được trong phong trào xây dựng NTM đã làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, đời sống vật chất tinh thần nhân dân ngày càng được nâng lên rõ rệt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

         Trình diễn phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay

không người lái tại xã Khánh Cường (Yên khánh). Ảnh: baoninhbinh.org.vn

Xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, giàu mạnh, văn minh

Mục tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 của huyện Yên Khánh là xây dựng huyện Yên Khánh theo hướng NTM kiểu mẫu, giàu mạnh, văn minh. Huyện Yên Khánh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát huy sự tham gia tích cực, chủ động của nhân dân và sự quan tâm của toàn xã hội trong xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn: với tiêu chí “sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”, xây dựng mỗi xã ít nhất 50% tuyến đường giao thông nông thôn kiểu mẫu (đường đạt chuẩn, trồng cây xanh, điện thắp sáng, không rác thải).

Rà soát xây dựng cải tạo hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi theo định hướng phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, đáp ứng được yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Tiếp tục vận động nhân dân thực hiện dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, mở rộng và nâng cao hiệu quả cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất giống lúa chất lượng cao; phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao theo hướng sản xuất hữu cơ gắn với an toàn thực phẩm; rà soát lại quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển của các xã để hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh. Phát động phong trào mỗi địa phương một sản phẩm (OCOP), xây dựng một số thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của huyện đáp ứng được những tiêu chuẩn của thị trường trong và ngoài nước.

Cùng với đó, đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, phát huy và bảo tồn những di tích lịch sử, những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, phát triển du lịch gắn với xây dựng Nông thôn mới như: Du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái kết hợp với ẩm thực địa phương... Tiếp tục đầu tư tăng cường bổ sung cơ sở vật chất trường học để các trường đủ điều kiện công nhận và công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia. Tập trung nguồn lực để xây dựng 01 trường Tiểu học, 01 trường mầm non đạt trường chất lượng cao của huyện; tiếp tục đầu tư nâng cấp trạm y tế các xã đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân; vận động nhân dân tham gia giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp, thu gom, phân loại và xử lý rác thải tập trung ở các xóm, nhất là đường làng ngõ xóm; vệ sinh đồng ruộng không còn vỏ chai, bao bì thuốc BVTV gây ô nhiễm môi trường. Xây dựng đảng bộ, chính quyền đạt tiêu chuẩn “Trong sạch vững mạnh”. Các tổ chức đoàn thể chính trị đạt danh hiệu vững mạnh. Trật tự an ninh nông thôn được giữ vững...

Quan tâm đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, các ngành công nghiệp dịch vụ, làng nghề truyền thống và lao động xuất khẩu. Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện chương trình. Chủ động áp dụng linh hoạt cơ chế chính sách huy động vốn cho phù hợp với từng thời kỳ, không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản. Huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp, thực hiện xã hội hóa đầu tư các công trình cấp nước sạch, chợ nông thôn, công trình thu gom, xử lý rác thải và một số công trình công ích khác./.

         

 

Phản hồi

Các tin khác