(ĐHXIII) - Vượt qua những khó khăn, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã bám sát định hướng, chủ trương, chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước để tập trung quyết liệt chỉ đạo thực hiện, cơ bản đạt được các mục tiêu đã đề ra. Đặc biệt là tạo được nền tảng sức mạnh để tiếp tục vững vàng thích ứng với những thách thức của giai đoạn mới.
Đường vành đai 3 trên cao tại Hà Nội.
Cần phát triển tương xứng với tiềm năng
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai và sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ tới kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới và khu vực, tuy còn những tồn tại, hạn chế nhưng công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ GTVT có nhiều đổi mới, linh hoạt và sáng tạo, góp phần quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của đất nước trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức.
Về tổng thể, ngành GTVT vẫn vận hành đúng định hướng, tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu vận tải của toàn xã hội, với chất lượng ngày càng được tốt, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ngay khi bước vào thập kỷ mới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thông tin với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, ngay sau khi nhận được Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, Bộ GTVT đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện tại Quyết định số 39/QĐ-BGTVT với 12 mục tiêu (10 mục tiêu cụ thể), 15 nhiệm vụ tổng thể, 22 nhiệm vụ cụ thể. Các nhiệm vụ được giao cụ thể cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và thời gian thực hiện để đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả trong triển khai thực hiện.
Trong quá trình triển khai, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn lợi đầu tư, Bộ GTVT đã bám sát định hướng, chủ trương, chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước để tập trung, quyết liệt chỉ đạo thực hiện, cơ bản đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Dẫu vậy, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, dịch vụ vận tải, logistics còn tồn tại một số vấn đề. Nổi bật trong đó là vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT), logistics còn thiếu, trong khi nhu cầu vận tải tăng nhanh đã xuất hiện tình trạng thiếu các trung tâm logistics, tắc nghẽn giao thông ở một số điểm nóng.
Việc kết nối giữa các phương thức vận tải để phát huy hiệu quả của toàn hệ thống chưa cao. Quản lý nhà nước về vận tải, logistics vẫn còn nhiều tồn tại như: thiếu cơ chế, chính sách đột phá khuyến khích đầu tư phát triển vận tải đa phương thức, logistics, vận tải thủy nội địa, vận tải đường sắt. Chi phí vận tải, logistics vẫn ở mức cao, tính kết nối giữa các phương thức vận tải còn thấp, vận tải đa phương thức còn chưa phát triển. Dịch vụ logistics còn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Cùng với đó, chất lượng nhân lực, năng suất lao động và hiệu quả công việc còn thấp so với các nước tiên tiến trong khu vực. Việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của doanh nghiệp chưa theo kịp với tốc độ phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên thế giới.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu thời gian qua đã gây ra những tác động không nhỏ đến ngành GTVT, gây ra nhiều khó khăn và làm gián đoạn việc triển khai nhiều dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động vận tải và logistics. Kết cấu hạ tầng giao thông, logistics tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, năng lực của doanh nghiệp nhìn chung còn thấp, gặp nhiều khó khăn trong nhát triển cũng như cung cấp các dịch vụ vận tải, dịch vụ logistics chất lượng cao. Thiếu các doanh nghiệp có vai trò chủ đạo, có năng lực và thế mạnh để thực hiện liên kết, cung cấp các dịch vụ trọn gói. Ngoài ra, việc xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch giao thông vận tải, logistics và các giải pháp, cơ chế chính sách còn thiếu tính đồng bộ và gắn kết.
“Kim chỉ nam” để phát huy thế mạnh
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Ninh Bình).
Cũng theo lãnh độ Bộ GTVT, toàn ngành và các cơ quan, đơn vị trong thời gian tới sẽ phải căn cứ Nghị quyết số 02/NQ-CP và Quyết định số 39/QĐ-BGTVT để nghiêm túc, khẩn trương triển khai thực hiện. Đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch hành động chi tiết thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm đạt được yêu cầu về chất lượng, tiến độ thực hiện, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức về tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Song hành với đó là tiếp tục triển khai Chỉ thị số 37/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa. Theo dõi nhóm chỉ số hạ tầng và chỉ số thành phần, triển khai các nhiệm vụ giải pháp để nâng xếp hạng nhóm chỉ số Hạ tầng. Ưu tiên nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo chiến lược, quy hoạch đã được phê duyệt để nâng cao chất lượng vận tải; ưu tiên tốc độ xây dựng mới các công trình quan trọng, tạo bước phát triển đột phá cho vận tải, các công trình có vai trò kết nối các phương thức vận tải
Đặc biệt là tăng cường quản lý nhà nước, đổi mới và hoàn thiện thể chế chính sách về vận tải, logistics để tạo môi trường pháp lý đầy đủ, có hiệu lực cao. Triển khai các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của toàn ngành trên nền tảng khung Chính phủ điện tử đã được hoàn thiện. Đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý, điều hành và khai thác vận tải.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay là cần hình thành được các doanh nghiệp vận tải có năng lực, khả năng liên kết các chuỗi vận thi và dịch vụ logistics để cung cấp vận tài đa phương thức, vươn ra thị trường quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải, đường sắt, hàng không. Tiếp tục tăng cường kết nối giữa các phương thức để phát triển vận tải đa phương thức; đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu vận tải, đẩy mạnh xã hoá đầu tư kinh doanh vận tải, đặc biệt là trong ngành đường sắt. Xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh lành mạnh, phát huy thế mạnh của từng phương thức vận tải và phát triển vận tải đa phương thức./.
Bài, ảnh: KC