Si Ma Cai: Tập trung hướng dẫn người dân tăng thu nhập

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ huyện Si Ma Cai chọn phong trào thi đua phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nội dung trọng tâm, làm nền tảng để thực hiện các tiêu chí khác của Chương trình. 

Như phần lớn các hộ gia đình khác trong thôn Bản Giáng, xã Sín Chéng, chị Lèng Thị Làn, dân tộc Nùng chọn vịt là vật nuôi để tăng thu nhập cho gia đình. Ưu điểm của giống vịt Sín Chéng là trọng lượng lớn, ngọt thịt, trứng to, thơm, ngon. Từ năm 2013, vịt Sín Chéng đã được công nhận thương hiệu và trở thành đặc sản của địa phương.

“Với giá bán ổn định 250.000 đồng/con và 7.000 đồng một quả trứng, đàn vịt gần 100 con là nguồn thu nhập chính giúp trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày và gửi tiền cho con đang ăn học ở Hà Nội” - chị Làn nói

Hiện ở xã Sín Chéng có khoảng 300 hộ chọn vịt là vật nuôi tăng thu nhập, hộ nhiều nuôi cả trăm con, hộ ít nuôi hai, ba chục con. 

Mô hình nuôi vịt đàn vừa lấy thịt, vừa lấy trứng đang giúp gia đình chị Lèng Thị Làn
và nhiều gia đình khác ở địa phương thoát nghèo - Ảnh: TQ

Nằm trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, khí hậu xã Quan Hồ Thẩn mát mẻ quanh năm. Một số hộ dân nơi đây đã thức thời nhanh chóng chuyển sang trồng cây dược liệu. Thấm thoắt đã 3 năm gia đình ông Giàng Seo Châu trồng cây Tam thất, cũng đến lúc nhà ông Châu có thể thu hoạch hoa, củ, lá để bán cho khách đặt mua. Bình quân mỗi kg củ Tam thất 3 năm tuổi có giá khoảng 400.000 đồng.

Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Trương Văn Tiến cho biết, để thích ứng với đặc thù của huyện là vùng cao, đất đai bạc màu, độ dốc lớn, thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất nên Đảng bộ địa phương đã bắt đầu quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, Đảng bộ huyện đang tập trung lãnh đạo phát triển diện tích trồng cây dược liệu gồm: cây Tam thất 27,2ha, cây Đương quy 3ha, cây Ý dĩ 11ha; sản xuất cây ăn quả ôn đới áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt 78,75 ha; quy hoạch vùng trồng cây ăn quả ôn đới trên 795 ha, với các loại cây chính là Mận, Lê xanh, Lê tai nung, Sơn tra, Đào Pháp. Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao có thể cho doanh thu đạt 120 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt 80 triệu đồng/ha/năm.

Ngoài trồng trọt, Huyện uỷ Si Ma Cai cũng tập trung lãnh đạo phát triển chăn nuôi đại gia súc. Nhờ vậy, tổng đàn trâu tăng qua các năm tăng trưởng bình quân năm 17,5% đối với đàn trâu, 18% đối với đàn bò.

Do tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp nên hiện nay, toàn huyện đã có 5/13 xã (Sín Chéng; Mản Thẩn; Si Ma Cai; Cán Cấu; Bản Mế) đạt tiêu chí về thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo theo Bộ tiêu chí nông thôn mới.

Trong xu thế  phát triển, Đại hội Đảng bộ huyện Si Ma Cai nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu phấn đấu đến 2025 thoát khỏi danh sách huyện nghèo. Để thực hiện được mục tiêu này cần phải lựa chọn đúng các tiêu chí có tính quyết định, lan tỏa. Đối với địa phương thì phát triển sản xuất, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân sẽ là những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, từ huyện cho đến cơ sở. Vì vậy, ngay sau Đại hội, huyện đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trong Chương trình hành động đặt vấn đề phải đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, gắn với tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị sản xuất, xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu giá trị sản xuất trên 01 ha đất canh tác đạt 60 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 48 triệu đồng.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Si Ma Cai Thào Lừ cho biết, để đưa nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện vào cuộc sống, Phòng sẽ tập trung tham mưu cho Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện từng bước chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng thức ăn chăn nuôi đại gia súc và các loại cây trồng lâm nghiệp khác. Phát triển vùng sản xuất ngô hàng hóa tập trung 700 ha, rau trái vụ an toàn 110 ha, cây dược liệu 200ha, cây ăn quả ôn đới 800 ha tại các xã có thế mạnh.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Si MA Cai
kiểm tra một vườn trồng cây Sâm đất cho giá trị kinh tế cao - Ảnh: TQ

Tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất đảm bảo đồng bộ để cải tạo đàn gia súc, nhằm nâng cao tầm vóc…; tiếp tục chú trọng phát triển gia súc, gia cầm địa phương tăng về số lượng, đảm bảo về chất lượng để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tham gia thị trường. Phát triển vùng chăn nuôi hàng hóa: trâu 9.800 con, bò 4.550 con, lợn bản địa 15.500 con, gia cầm bản địa 165.000 con. 

Nói chung, với các địa bàn miền núi cao như Si Ma Cai, bài toán thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân vẫn phải gắn chặt với sản xuất nông nghiệp. Việc này vừa là cơ hội để cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá mức độ đúng đắn, tính phù hợp của các giải pháp lãnh đạo tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, quy hoạch lại đồng ruộng, khả năng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp… vừa giúp người nông dân thay đổi tập quán canh tác, nâng cao trình độ.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn nước ta tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của người dân đô thị, tăng tới 2,78 lần, từ mức 12,8 triệu đồng năm 2010 lên 35,88 triệu đồng năm 2018. Khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị cũng giảm từ 2,1 lần năm 2010 xuống còn 1,8 lần năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh, bình quân khoảng 1,5%/năm.

Những kết quả này cho thấy dư địa phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn nói chung, nông thôn vùng núi cao còn lớn và nông nghiệp vẫn là sinh kế chủ yếu, là con đường giúp người dân thoát nghèo bền vững./.

                                                                                                    

Phản hồi

Các tin khác