Hiệu quả trong xây dựng phần mềm tra cứu nhãn hiệu, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính nhà nước
Anh Nguyễn Quang Hưng chia sẻ với phóng viên về hiệu quả, ứng dụng phần mềm tra cứu IP-Search. (Ảnh: Bích Liên)

Anh Nguyễn Quang Hưng chia sẻ với phóng viên về hiệu quả, ứng dụng phần mềm tra cứu IP-Search. (Ảnh: Bích Liên)

Là một trong những cá nhân điển hình tiên tiến được vinh dự nhận bằng khen của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V do Bộ KH&CN vừa tổ chức, anh Nguyễn Quang Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Cục Sở hữu trí tuệ) thuộc Bộ KH&CN cho biết: Trong công cuộc đổi mới hiện nay ở nước ta, Đảng đã xác định đường lối và chủ trương về cải cách, trong đó luôn coi cải cách hành chính là một nội dung quan trọng nhằm phát triển đất nước.

Nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 phê duyệt kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020, trong đó có mục tiêu “nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công”, “nâng cao chất lượng, hiệu quả của cải cách hành chính để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2020” và đảm bảo một phần yêu cầu “bảo đảm chất lượng, hiệu quả trên cơ sở thực hiện đầy đủ các nhóm giải pháp quy định tại Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ”.

Để đạt được mục tiêu trên, việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quá trình xử lý đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho đối tượng nhãn hiệu là vấn đề rất cấp thiết đối với cung cấp dịch vụ công hiện nay. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, anh Hưng đã nỗ lực phối hợp với các đồng nghiệp nghiên cứu các nội dung liên quan đến phát triển và triển khai nhiều ứng dụng phần mềm trong các quy trình nghiệp vụ.

Trong quá trình triển khai có đã những phần mềm cụ thể như: Phần mềm cấp số đơn sở hữu công nghiệp, Bộ phần mềm hỗ trợ Hệ quản trị đơn IPAS... Sau nhiều năm đưa vào sử dụng thực tế, các phần mềm nói trên đều đã chứng minh được tính hiệu quả rõ rệt, tăng sự đồng bộ giữa các khâu xử lý đơn, dần hoàn thiện Hệ sinh thái công nghệ thông tin trong cơ quan.

"Hiện các phần mềm tra cứu phục vụ công tác thẩm định đơn sở hữu công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ và các tổ chức quốc tế đã có từ lâu. Tuy nhiên, việc ứng dụng một phần mềm tra cứu phục vụ công tác thẩm định không phải là một việc mới. Vấn đề được đặt ra khi tác giả có ý tưởng xây dựng một phần mềm tra cứu mới phải là phần mềm có những tính năng mới thực sự hữu dụng để có thể thuyết phục người dùng chuyển sang sử dụng", anh Hưng cho biết.

Anh Nguyễn Quang Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Cục Sở hữu trí tuệ). (Ảnh: Bích Liên)

Anh Nguyễn Quang Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Cục Sở hữu trí tuệ). (Ảnh: Bích Liên)

Theo anh Nguyễn Quang Hưng, với những tính năng mới, phần mềm tra cứu IP-Search của anh đã nhanh chóng chứng minh được tính hiệu quả, thể hiện ở các điểm chính như: Tốc độ xử lý nhanh; kết quả tra cứu chính xác; giao diện được thiết kế tỉ mỉ và chú trọng đến công thái học; nhiều tiện ích hữu dụng …

“Tất cả những ưu điểm này đều đi đến mục đích cuối cùng là: Tiết kiệm thời gian xử lý của thẩm định viên, tăng năng suất và chất lượng thẩm định đơn nhãn hiệu. Qua 6 tháng sử dụng, IP-Search đã ghi nhận được hơn 450.000 lệnh tra cứu; lấy được gần 360.000 đối chứng vào các hệ thống quản trị IPAS/Madrid. Phần mềm IP- Search cũng đã được chuyên gia công nghệ thông tin của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO)tìm hiểu, khảo sát kỹ; một số tính năng mới của IP-Search được chuyên gia ghi nhận và có thể sẽ được đưa vào hệ thống tra cứu trong phiên bản mới của hệ thống WIPO”, anh Hưng chia sẻ.

Như vậy, bằng nỗ lực và cố gắng của bản thân cũng như sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đồng nghiệp, phần mềm tra cứu thẩm định IP-Search - Nhãn hiệu của a Hưng được đưa vào sử dụng chính thức bằng Quyết định số 2320/QĐ-SHTT ngày 13/05/2019 của Cục Sở hữu trí tuệ.

Những nghiên cứu của anh đã góp phần vào việc xây dựng Phần mềm tra cứu mới cho nhãn hiệu là cung cấp một công cụ hữu ích hơn, có các tính năng ưu việt hơn, thuận tiện hơn nhằm đến mục đích cuối cùng là tăng được sản lượng và chất lượng thẩm định đơn, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công, phát triển dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của xã hội và đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển.

“Với kết quả đạt được, tôi thấy rằng mục tiêu “Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động” là nhiệm vụ đã từng bước hoàn thành trong lĩnh vực then chốt của nền kinh tế hiện đại. Đồng thời, việc áp dụng các sáng kiến đề xuất, tôi tự nhận thấy đã góp phần công sức đối với kết quả thẩm định nhãn hiệu năm 2019 tăng 67 % so với năm 2018”, anh Hưng cho biết./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác