Tạo đột phá trong cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành
Chị Nguyễn Thị Mai Hương trình bày tham luận: “Nghiên cứu đề xuất giải pháp cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN” tại Đại hội Thi đua yêu nước. (Ảnh: BL)

Chị Nguyễn Thị Mai Hương trình bày tham luận: “Nghiên cứu đề xuất giải pháp cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN” tại Đại hội Thi đua yêu nước. (Ảnh: BL)

Chia sẻ về những thành công của mình trong thời gian qua, chị Nguyễn Thị Mai Hương, Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) thuộc Bộ KH&CN cho biết: Bằng sự nỗ lực của bản thân và các đồng nghiệp, thời gian qua chị đã phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ KH&CN và Tổng cục nghiên cứu, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao cho Bộ KH&CN tại Nghị quyết số 19/NQ-CP các năm 2017, năm 2018 và Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2019 về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 liên quan đến đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành, công bố hợp quy.

Để đạt hiệu quả công việc cao, chị Nguyễn Thị Mai Hương đã chủ động rà soát các Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành và đề xuất các giải pháp cần cải cách đối với hoạt động này, cụ thể đã nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải cách hoạt động này theo hướng giảm, bỏ tiền kiểm không cần thiết, tăng cường hậu kiểm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn phải đảm bảo tuân thủ quy định Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Hải quan.

Đặc biệt, đối với hoạt động kiểm tra chất lượng hàng hóa nhóm 2 của Bộ KH&CN, chị cũng đã nghiên cứu, rà soát các nội dung quy định về thủ tục hành chính, căn cứ vào mức độ rủi ro của hàng hóa nhóm 2 và mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp đã đề xuất 03 giải pháp cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành này của Bộ KH&CN theo hướng: Xác định rõ hàng hóa nhập khẩu phải tiền kiểm (kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu trước thông quan) là xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); Xác định rõ hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu được chuyển sang hậu kiểm, theo nguyên tắc căn cứ vào mức độ rủi ro của hàng hóa để phân tiếp thành 02 loại kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức đánh giá sự phù hợp đã đăng ký thực hiện và kết quả đánh giá sự phù hợp do chính doanh nghiệp tự thực hiện.

Trên cơ sở nguyên tắc này, đã đề xuất nhóm hàng hóa thiết bị điện - điện tử, đồ chơi trẻ em, mũ bảo hiểm, thép cốt bê tông, thép không gỉ được đánh giá giá sự phù hợp trên cơ sở kết quả của tổ chức đánh giá sự phù hợp đã đăng ký thực hiện; nhóm hàng thép được đánh giá giá sự phù hợp trên cơ sở do chính doanh nghiệp tự thực hiện. Đồng thời, đề xuất chỉ trong thời gian 01 ngày, cơ quan kiểm tra xác nhận trên đơn đăng ký hàng nhập khẩu của doanh nghiệp là đã được thông quan hàng hóa; sau 15 ngày kể từ ngày thông quan thì doanh nghiệp mới phải nộp cho cơ quan kiểm tra kết quả đánh giá sự phù hợp để phục vụ công tác hậu kiểm…

Chia sẻ về hiệu quả của của giải pháp trên, chị Nguyễn Thị Mai Hương cho hay: Với giải pháp được đề xuất nêu trên, sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra trước thông quan thuộc trách nhiệm của Bộ KH&CN sẽ được cắt giảm từ 100% (24 nhóm sản phẩm, hàng hóa) xuống còn 9% (02 nhóm sản phẩm, hàng hóa). Như vậy, 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ KH&CN quản lý đã được chuyển sang cơ chế hậu kiểm; số lô hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu phải thực hiện kiểm tra tại giai đoạn thông quan (kiểm tra trước thông quan) sẽ giảm đi khoảng 96%. Với các giải pháp này cũng sẽ giảm thời gian kiểm tra chất lượng nhập khẩu từ 23 ngày trước đây xuống còn 01 ngày, vượt hơn yêu cầu về thời gian của ASEAN +4 (là 90 giờ).

Trên cơ sở các giải pháp đề xuất nêu trên, chị Hương cũng đã phối hợp với Vụ Pháp chế (Bộ KH&CN) rà soát các điều kiện kinh doanh trong các Nghị định thuộc lĩnh vực của Bộ KH&CN. Ngày 09/11/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 154/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành (Nghị định số 154/2018/NĐ-CP). Nghị định đã cắt giảm, đơn giản hóa 48/85 (56,5%) điều kiện đầu tư, kinh doanh tại 04 Nghị định (trong đó cắt giảm 37 điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa 11 điều kiện kinh doanh)

Như vậy, bằng nỗ lực và cố gắng của bản thân cũng như sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đồng nghiệp, việc triển khai chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 19NNQ-CP năm 2017, năm 2018 và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 về hoạt động kiểm tra chuyên ngành đã được cải cách thực chất, các giải pháp về cải cách kiểm tra chuyên ngành được tôi nghiên cứu, đề xuất đã được quy định trong các VBQPPL sửa đổi, bổ sung và đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý.

Hoạt động kiểm tra chuyên ngành tại Bộ KH&CN đã được cải cách toàn diện thông qua việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; cải cách, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành; đổi mới phương thức quản lý từ chủ yếu tiền kiểm sang áp dụng phương thức quản lý hậu kiểm, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp đối với sản phẩm, hàng hóa do mình sản xuất, kinh doanh./.

Phản hồi

Các tin khác