|
Tiến sĩ Đàm Bạch Dương trình bày báo cáo tham luận tại Đại hội thi đua yêu nước do Bộ KH&CN tổ chức vào chiều 27/10. (Ảnh: Bích Liên)
|
Với vai trò là người đứng đầu đơn vị đầu mối của Bộ KH&CN Tiến sĩ Đàm Bạch Dương luôn thấm nhuần và thực hiện lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước là phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Đồng thời, Tiến sĩ Đàm Bạch Dương luôn sát cánh với Vụ công nghệ cao chủ động thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng, tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.
Trong suốt thời gian qua, ông đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Báo cáo chuyên đề về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời tham mưu Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó đưa ra 6 giải pháp lớn gồm: Phát triển hạ tầng, ứng dụng nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông; Cải thiện môi trường kinh doanh thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp; Xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm, lựa chọn phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của quốc gia; Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, đổi mới cơ chế đầu tư, tài chính cho hoạt động khoa học, công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung giáo dục và dạy nghề theo hướng thích ứng với các công nghệ mới; tuyên truyền rộng rãi và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Theo ông, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với đặc điểm là tận dụng một cách triệt để sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin, làn sóng công nghệ mới này đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, nhưng tạo ra tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, dẫn đến việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội.
Việt Nam là quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo ra sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ; tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển; tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số và internet, đồng thời cũng là cơ hội lớn cho sản xuất công nghiệp với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến.
Theo đó, cơ sở hạ tầng viễn thông được tập trung xây dựng; kinh tế số bước đầu được hình thành và có tốc độ phát triển cao, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế; công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, xuyên quốc gia, dựa trên nền tảng công nghệ số và internet; việc xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đặc biệt, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Tiến sĩ Đàm Bạch Dương đã tham mưu Bộ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị Quyết số 50/NQ-CP (ngày 17/4/2020) về Chương trình hành động của Chính phủ.
Ngoài ra, trong thời gian dịch COVID-19 vừa qua, Tiến sĩ Đàm Bạch Dương cùng sát cánh với Vụ công nghệ cao chủ động thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ phục vụ phòng chống dịch; kịp thời triển khai theo quy trình đặc biệt các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ học, chế tạo bộ kít phát hiện virus SARS-CoV-2, kháng thể đơn dòng, phác đồ điều trị; robot hỗ trợ y tế phục vụ tình huống ứng phó với các cấp độ dịch bùng phát.
Đến nay, nhiều nghiên cứu đã có kết quả khả quan, kịp thời phục vụ thiết thực cho việc phòng, chống dịch như: Phát huy nền tảng của Hệ tri thức Việt số hóa trong phòng, chống dịch COVID-19: xây dựng bản đồ vùng dịch sử dụng Vmap, phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm tại các điểm du lịch; xây dựng phần mềm khai báo y tế, các sản phẩm khoa học và công nghệ phục vụ hiệu quả công tác truy vết, kiểm soát các ca bệnh, khoanh vùng, dập dịch, dự báo dịch tễ… đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống dịch; Nghiên cứu, sản xuất thành công bộ kít phát hiện SARS-CoV-2 đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng, Vương Quốc Anh cấp giấy chứng nhận được bán tự do tại thị trường châu Âu số 2020041602179596/1 ngày 20/4/2020; Tổ chức Y tế thế giới cấp Giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm vào ngày 24/4. Bên cạnh đó, bộ kít đã được tặng cho một số nước như Lào, Indonesia, Hungary góp phần tăng tình hữu nghị với các nước; Nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm thành công sản phẩm robot hỗ trợ y tế VIBOT-1a được thử nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội, giúp giảm tải công việc cho đội ngũ y bác sỹ, giảm tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh, người nghi nhiễm bệnh, qua đó giảm lây nhiễm chéo; Nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm thành công robot NaRoVid-1 có tính năng lau khử khuẩn sàn nhà nhằm hỗ trợ, thay thế nhân viên y tế trong các khu vực cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội.
Đăc biệt, Tiến sĩ Đàm Bạch Dương luôn tâm huyết, tập trung phát triển các công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng vào thực tiễn để phát triển các sản phẩm cụ thể, phù hợp với lợi thế cạnh tranh của đất nước, trong từng ngành và các công nghệ chiến lược, nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, có tác động tan tỏa đến các ngành, lĩnh vực như: ông nghệ thông tin và truyền thông, cơ điện tử; công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng; trí tuệ nhân tạo và tự động hóa; công nghệ sinh học, điện tử y sinh...
Vui mừng cho biết về những thành quả đạt được trong thời gian qua Tiến sĩ Đàm Bạch Dương chia sẻ: Vụ Công nghệ cao luôn ý thức được trách nhiệm trong việc tăng cường, thúc đẩy ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế-xã hội, trong đó giải pháp ứng dụng công nghệ số được xem là một trong các nhóm giải pháp chủ đạo như: Hoàn thiện các chính sách tài chính nhằm khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo; Hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ do Việt Nam tạo ra; khuyến khích thương mại hóa và chuyển giao công nghệ; Xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế…Với những gì đã đạt được, Vụ Công nghệ cao sẽ luôn ưu tiên nguồn lực triển khai một số chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4./.
Bích Liên