Với tầm nhìn đúng hướng và chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, nhiệm kỳ qua, tỉnh Cao Bằng đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế của tỉnh liên tục phát triển năm sau cao hơn năm trước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt bình quân trên 7,0%/năm, đạt 100% mục tiêu Nghị quyết Đại hội; cơ cấu kinh tế dịch vụ - nông nghiệp - công nghiệp, xây dựng tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng: tăng dần tỉ trọng công nghiệp, xây dựng, giảm dần tỉ trọng nông nghiệp (công nghiệp, xây dựng chiếm tỉ trọng 26%, tăng 7,73%; dịch vụ chiếm tỉ trọng 49,7%, tăng 1,75%; nông nghiệp chiếm tỉ trọng 21,5%, giảm 7,74%); GRDP bình quân đầu người đạt 37,2 triệu đồng/người/năm, vượt 11% mục tiêu Nghị quyết Đại hội.
|
Thác Bản Giốc thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Hà Linh/Báo Tin tức
|
Đặc biệt, 17/17 chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đạt và vượt kế hoạch, trong đó 4 năm liên tiếp (từ năm 2017 - 2020) đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đã đề ra, bình quân hằng năm có 11 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Ba đột phá về: Phát triển du lịch - dịch vụ bền vững; phát triển nông nghiệp thông minh và nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến; phát triển kinh tế cửa khẩu được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tăng trưởng du lịch trung bình 26%/năm
Cao Bằng được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh thắng đẹp nổi tiếng trong nước và quốc tế. Trong đó có 3 Khu di tích Quốc gia đặc biệt: Pác Bó - nơi vinh dự thay mặt cả nước đón Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước trở về lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam; rừng Trần Hưng Đạo - nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam; Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An. Khu du lịch sinh thái Phja Oắc - Phja Đén, hồ Thang Hen, núi Mắt Thần, động Ngườm Ngao, thác Bản Giốc - một trong những thác nước đẹp nhất Đông Nam Á… Những danh thắng này là cơ hội, điều kiện để Cao Bằng phát triển lợi thế du lịch theo hướng bền vững.
Phát huy lợi thế về giá trị văn hóa, lịch sử và điều kiện tự nhiên, Cao Bằng đã ban hành và triển khai thực hiện Đề án tổng thể về phát triển du lịch, dịch vụ; chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng mang đậm bản sắc Cao Bằng, là thương hiệu du lịch miền núi cho cả nước. Trong đó, đẩy mạnh phát triển đa dạng sản phẩm du lịch như: du lịch lịch sử-văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm… khai thác trên sự tương tác bền vững với văn hóa bản địa độc đáo; gắn du lịch với đặc sản và ẩm thực đặc sắc từng địa phương…
Tỉnh cũng thực hiện nhiều biện pháp để khai thác danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng phục vụ phát triển du lịch. Kể từ khi Cao Bằng được UNESCO công nhận danh hiệu Công viên địa toàn cầu, lượng khách quốc tế đến Cao Bằng tăng mạnh. Riêng năm 2019, lượng khách quốc tế đã tăng 54,5% so với năm trước.
Cùng với đó thu hút, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc trở thành khu du lịch trọng điểm, kiểu mẫu về du lịch qua biên giới, du lịch xanh, du lịch thông minh. Gắn với tuyên truyền, quảng bá Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng để du khách trong, ngoài nước biết tới và chiêm ngưỡng di sản đặc biệt này.
Nhờ đó, du khách đến với Cao Bằng ngày càng tăng. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đón 5 triệu lượt du khách, tăng 98% so với giai đoạn 2011-2015, trong đó, khách quốc tế đạt trên 420 nghìn lượt người, tăng 213% so với nhiệm kỳ trước. Doanh thu du lịch đạt trên 1.200 tỉ đồng, tăng 192% so với giai đoạn 2011-2015.
Phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp
Xác định nông nghiệp là “trụ đỡ” của nền kinh tế, trong đó thúc đẩy, phát triển chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là mục tiêu phát triển lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM giai đoạn 2016 - 2020 là chương trình trọng tâm của tỉnh, với mục tiêu "Phát triển nông nghiệp nông thôn toàn diện trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực thu hút đầu tư, hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai dự án, mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp. Ban hành Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, theo đó các sở, ngành chuyên môn xây dựng một số đề án để cụ thể hóa các nội dung triển khai như: Đề án phát triển vùng rau an toàn giai đoạn 2017 - 2020; Đề án nghiên cứu một số mô hình phát triển kinh tế rừng gắn với trồng rừng và bảo vệ môi trường giai đoạn 2017 - 2020; Đề án phát triển chăn nuôi tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2018 - 2020. 34 dự án được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đăng ký 6.165 tỷ đồng, trong đó một số dự án mang tính chiến lược, lâu dài, tạo tiền đề tốt cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025...
|
Nông nghiệp được xác định là trụ đỡ của nền kinh tế. Ảnh: Trường Hà - Lệ Hằng
|
Trên cơ sở tập trung khai thác thế mạnh các loại giống cây trồng, vật nuôi đặc hữu bản địa và các loại cây dược liệu là lợi thế lớn nhất của Cao Bằng mà các tỉnh khác không có được. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh định hướng phát triển nông nghiệp dựa trên ba trụ cột gồm: Sản xuất theo mô hình hữu cơ, sạch, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến và liên kết chuỗi giá trị, liên kết cụm ngành. Cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp chuyển dịch tích cực, giảm dần tỉ trọng ngành trồng trọt, tăng dần tỉ trọng ngành chăn nuôi. Giá trị sản lượng ngành chăn nuôi tăng trên 6%/năm…
Phát triển trồng rừng và các nghề dưới rừng, trong đó chú trọng chế biến gỗ xuất khẩu, phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp về chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất các mặt hàng đồ gỗ gia dụng phục vụ xuất khẩu. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường, tỉ lệ độ che phủ rừng đạt 55,68%, vượt 5% mục tiêu Nghị quyết Đại hội…
Việc tái cơ cấu trong nông, lâm nghiệp đem lại hiệu quả rõ rệt; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2,6%/năm; cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển đổi theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng sản xuất trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi... bám sát theo các mục tiêu, định hướng của Đại hội Đảng bộ tỉnh. Đến hết năm 2019, có 20 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 11,3% trên tổng số xã, đạt 100% mục tiêu 5 năm (2016 - 2020) theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Dự kiến đến hết năm 2020 có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 25 xã.
Đưa kinh tế cửa khẩu thành mũi nhọn
Với 4 cửa khẩu chính và nhiều cặp cửa khẩu phụ, khi khu kinh tế cửa khẩu đi vào hoạt động đã thu hút các nguồn vốn đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ sản xuất hàng hóa, du lịch, liên kết với các địa bàn trong tỉnh và vùng để khai thác các thế mạnh về nguồn nguyên liệu địa phương. Đồng thời, phát triển mô hình hợp tác kinh tế cửa khẩu theo các chính sách mở, đồng bộ, phát huy cao nhất tiềm năng, liên kết chặt chẽ với các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, khu kinh tế cửa khẩu đã thu hút được 74 dự án đầu tư trong và ngoài nước, trong đó: Có 9 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký 36,8 triệu USD và 65 dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 14.000 tỉ đồng; có 35 dự án đi vào hoạt động tạo nhiều công ăn việc làm, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế cửa khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,2 tỉ USD, tăng 174,5% so với giai đoạn 2011 - 2015; bình quân tăng 13%/năm, bằng 130% mục tiêu Nghị quyết Đại hội. Thu ngân sách từ thuế xuất nhập khẩu và phí sử dụng hạ tầng cửa khẩu trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 2.400 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng khá trong tổng thu ngân sách của tỉnh.
Đặc biệt, trong đó có 2 dự án trung tâm Logistics, khu trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực Cửa khẩu Trà Lĩnh đăng ký đầu tư trên 6.000 tỷ đồng; Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại Quảng Hòa đăng ký đầu tư 4.300 tỷ đồng.
Các dự án đi vào hoạt động góp phần hoàn thiện hạ tầng phục vụ hoạt động thương mại biên giới, trao đổi, xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh, tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, giao lưu thương mại, phát triển kinh tế cho tỉnh. Giai đoạn 2010 - 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn đạt trên 16,3 tỷ USD, bình quân tăng 25,5%/năm. Tổng thu ngân sách trên 3,8 nghìn tỷ đồng, bình quân tăng 9,3%/năm, góp cho tổng dự toán thu ngân sách trên địa bàn tỉnh khoảng 30 - 35%/năm.
Với những kết quả nổi bật mà 3 chương trình đột phá đạt được trong nhiệm kỳ 2016-2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cao Bằng tin tưởng rằng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX sẽ là một dấu mốc mới để xây dựng Cao Bằng trở thành tỉnh năng động, phát triển nhanh và bền vững./.
M.Lan