Bình Thuận vượt 15 xã nông thôn mới so với chỉ tiêu

Trồng thanh long theo công nghệ nông nghiệp sạch ở Bình Thuận cho hiệu quả kinh tế cao
(Ảnh: K.V)

Đồng thời vượt 17 xã của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIII, nhiệm kỳ (2015 – 2020); vượt 15 xã so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao đến năm 2020 và vượt xa so với vùng duyên hải Nam Trung bộ (45,82% số xã đạt chuẩn). Đây là thành quả đáng khích lệ của cả hệ thống chính trị và người dân tỉnh Bình Thuận sau chặng đường dài nỗ lực xây dựng nông thôn mới.

Được biết, sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận với sự chủ động, cách làm phù hợp tạo sự đồng lòng của nhân dân làm nên những đổi thay khác biệt.

Nhiều địa phương ở Bình Thuận đã kết hợp xây dựng nông thôn mới với phát triển kinh tế nông nghiệp, điển hình như xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam từ một vùng sản xuất chuyên canh cây lúa, hoa màu cho hiệu quả kinh tế thấp, nông dân nơi đây đã chuyển đổi sang trồng thanh long.

Thanh long từ cây xóa đói giảm nghèo đã trở thành cây làm giàu của nông dân ở Hàm Cường nói riêng và rộng ra là toàn tỉnh Bình Thuận. Đến nay, toàn xã có khoảng 1.400 ha thanh long, với nhiều diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Những trang trại trồng thanh long quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao hình thành. Nông dân sản xuất thanh long phần lớn đều áp dụng công nghệ tưới Israel tiết kiệm nước. Cơ cấu cây trồng cũng đa dạng khi một số cây trồng mới đưa vào trồng cho hiệu quả kinh tế như dưa lưới.

Đồng chí Đỗ Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hàm Cường cho biết, hiện xã không còn lao động thất nghiệp, số hộ nghèo cũng giảm mạnh chiếm 0,85%, hộ cận nghèo chỉ còn khoảng hơn 30 hộ; thu nhập bình quân đầu người tăng lên 46,7 triệu đồng vào năm 2019. Năm 2020, xã sẽ phấn đấu đưa mức thu nhập này lên 49 triệu đồng.

Các xã nông thôn trong toàn tỉnh Bình Thuận rất chú trọng đến các tiêu chí về cảnh quan môi trường nông thôn mới. Trên những con đường bê tông rộng mở, sạch đẹp, ánh sáng an ninh phủ khắp nơi; hình ảnh 2 bên đường làng trải dài thảm hoa đủ sắc màu... đã thành quen thuộc, nối dài trên những nẻo đường quê của tỉnh Bình Thuận.

Xây dựng làng quê sạch, đẹp, đáng sống kết quả có được đó là không phải ngày một ngày hai mà là cả một quá trình để người dân dần nâng cao về nhận thức, ý thức của mình, xóa đi hình ảnh con đường cỏ mọc, rác thải vương vãi. Để làm được điều này phải bắt nguồn từ chính sự gương mẫu, tâm huyết của đội ngũ cán bộ xã, thôn đi trước, làm trước, đã xây dựng nên phong trào thi đua và trở thành nền nếp của khắp các xóm làng, khu dân cư. Chính lực lượng nòng cốt là đoàn thể Hội Phụ nữ, Cựu Chiến binh, Đoàn thanh niên… đã kéo người dân vào các phong trào thi đua của địa phương làm đường hoa nông thôn, ánh sáng an ninh...

Hiện, ở những vùng nông thôn của Bình Thuận đang đổi thay từng ngày. Có thể nói, dấu ấn rõ nét nhất chặng đường hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới ở Bình Thuận chính là những thành tựu về xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ và đầu tư các công trình hạ tầng cơ bản. Với tổng nguồn vốn huy động hàng chục nghìn tỷ đồng, Bình Thuận đã đầu tư xây mới, nâng cấp gần hàng trăm km đường bê tông xi măng, thực hiện được nhiều tuyến đường ánh sáng nông thôn. Hàng chục km kênh mương nội đồng cũng được kiên cố hóa, phong trào làm thủy lợi nhỏ tiếp tục phát huy hiệu quả, cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu.

Bên cạnh đó, trên 2 nghìn công trình trường học được xây dựng và sửa chữa khang trang hơn. Mạng lưới y tế cơ sở, trang thiết bị y tế được ưu tiên đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân khu vực nông thôn…

Nếu ở giai đoạn 2010 - 2015, việc chỉ đạo xây dựng nông thôn mới còn nặng về xây dựng cơ bản thì đến giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện theo yêu cầu và bám sát định hướng xây dựng nông thôn mới của Trung ương, Bình Thuận đã tập trung đi sâu vào các nội dung trọng tâm, tác động trực tiếp đến sinh hoạt và sản xuất của người dân như: Đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Theo đó, các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa đối với các nhóm sản phẩm chủ lực tiếp tục được khuyến khích phát triển. Toàn tỉnh đã thực hiện sản xuất hàng nghìn ha lúa theo chương trình liên kết “4 nhà”; mô hình liên kết sản xuất lúa nếp tại huyện Đức Linh; lúa chất lượng cao tại huyện Tánh Linh.

Nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền nông nghiệp, tiến tới xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung vào 3 nội dung chính: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất thanh long; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất giống thủy sản và vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các cây trồng.

Để chương trình xây dựng nông thôn mới phát triển nông thôn toàn diện và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu các địa phương tiếp tục tập trung nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, lấy phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển du lịch nông thôn làm nền tảng cơ bản.

Bên cạnh đó, các huyện, thị, thành phố đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng từng bước hiện đại, phát triển nhanh việc ứng dụng quy trình sản xuất VietGAP, nông nghiệp hữu cơ…/..

Phản hồi

Các tin khác