Những dấu ấn của giáo dục nghề nghiệp

5 năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo có nhiều đổi mới với phương châm xuyên suốt là “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hiệu quả” cùng với sự quyết liệt trong việc chỉ đạo các cấp ủy, lãnh đạo đơn vị, thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chương trình, kế hoạch công tác, đề án đã đề ra; ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo...đã mang lại nhiều kết quả quan trọng và hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. (Nguồn: DT)

Thể chế, chính sách được hoàn thiện

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng như các văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục nghề nghiệp và các quy định có liên quan đến nay đã được ban hành, đảm bảo đủ cơ sở pháp lý để Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), cơ quan quản lý các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước thực hiện quản lý mục tiêu, chương trình, kế hoạch, chất lượng đào tạo....

Các chương trình hành động, chương trình mục tiêu, đề án, dự án, kế hoạch, cơ chế chính sách được cụ thể hóa từ Luật GDNN đã được các bộ, ngành và địa phương triển khai có hiệu quả đem lại lợi ích thực sự cho người học và ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của công tác đào tạo nghề nghiệp đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Trong nhiệm kỳ, Tổng cục đã trình Ban Cán sự Đảng Bộ ban hành Nghị quyết số 617-NQ/BCSĐ ngày 28/12/2018 về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2021 và định hướng đến năm 2030.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2016-2020, bộ máy quản lý nhà nước về GDNN được tổ chức và từng bước kiện toàn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực GDNN từ Trung ương đến các địa phương. Với cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý nhà nước được phân định rõ ràng đã tạo ra được hệ thống thể chế đồng bộ tạo sự thống nhất, xuyên suốt công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực thi quyền hạn và trách nhiệm được giao trong quản lý nhà nước về GDNN. Với kết quả đã đạt được và sự ghi nhận của xã hội, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019, trong đó giao Bộ LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Đổi mới công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo

Một trong những dấu ấn trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị nhiệm kỳ qua là việc đổi mới và đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyên truyền. Bên cạnh đó, các quy định về đào tạo liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân, quy định về liên kết đào tạo với doanh nghiệp (doanh nghiệp có thể đảm nhận đến 40% chương trình đào tạo) đã được ban hành góp phần tạo điều kiện cho mọi học sinh, sinh viên có cơ hội học tiếp lên các trình độ cao hơn và sự tham gia của doanh nghiệp trong đào tạo thiết thực hơn.

Hơn nữa, việc mở rộng các hình thức đào tạo (vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn) đã tạo điều kiện cho người học, từng bước xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt đáp ứng yêu cầu người học và thị trường lao động. Việc tổ chức hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các đối tượng chính sách được quan tâm, bình quân hằng năm đào tạo cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, chương trình và giáo trình được đổi mới và giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý tiếp tục được đào tạo và bồi dưỡng ở trong và ngoài nước để đạt chuẩn theo quy định. Cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề của các cơ sở GDNN được hỗ trợ đầu tư từ nhiều nguồn, trong đó từ nguồn ngân sách nhà nước là chủ yếu.

Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch ngành, nghề trọng điểm, trường chất lượng cao

Thí sinh tham gia kỳ thi tay nghề quốc gia năm 2020. (Ảnh: MN)

Nhiệm kỳ qua, Tổng cục đã tiếp tục hoàn thiện cơ chế tự chủ và mở rộng tự chủ tai các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ điều kiện. Hoàn thành thực hiện thí điểm tự chủ tại 3 trường cao đẳng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ

Theo đó, triển khai thực hiện Nghị quyết 19 của Đảng và Nghị định số 16, nhiều bộ, ngành và địa phương đã thực hiện giao tự chủ chi thường xuyên cho các cơ sở GDNN có đủ điều kiện (chủ yếu các cơ sở GDNN đào tạo các nhóm ngành, nghề trong lĩnh vực y tế, du lịch) thuộc phạm vi quản lý góp phần giảm dần chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

Quy hoạch ngành, nghề trọng điểm, trường chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao cũng tiếp tục được hoàn thiện. Kết quả đạt được là đến cuối năm 2019, cả nước có 1.907 cơ sở GDNN. Như vậy so với năm 2018, giảm 42 cơ sở GDNN công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII, Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW). Đáng chú ý, tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng; đã lựa chọn, phê duyệt danh mục ngành, nghề trọng điểm các cấp độ (quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế) và trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.

Đồng thời lựa chọn một số trường cao đẳng có năng lực đào tạo tốt để ưu tiên hỗ trợ đầu tư tập trung, đồng bộ nhằm đáp ứng tiêu chí trường chất lượng cao; hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở GDNN chuyên biệt để đào tạo cho một số nghề trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế biển, các đối tượng là người dân tộc thiểu số nội trú, người khuyết tật và một số trường đào tạo các ngành năng khiếu (văn hóa, nghệ thuật...).

Ngoài những kết quả trên, nhận thức của các cơ sở GDNN về vai trò của công tác xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng được nâng lên, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã bước đầu vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng hiệu quả, góp phần vào nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; đã thành lập 2 tổ chức kiểm định chất lượng GDNN. Công tác học sinh, sinh viên, nghiên cứu khoa học, có nhiều chuyển biến tích cực và hiệu quả…/.

Phản hồi

Các tin khác