Phát huy vai trò người có uy tín - nhịp cầu nối gữa ý Đảng và lòng dân

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo đến những người có uy tín

Nước ta có 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với gần 13,4 triệu người, chiếm tỷ lệ 14,6% dân số cả nước. Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 xã và cư trú chủ yếu ở vùng miền núi biên giới, khu vực rừng phòng hộ xung yếu, nơi đầu nguồn sinh thủy, nơi có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái.

Trong suốt tiến trình lịch sử cách mạng của dân tộc, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam. Nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng ta là “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển”. Từ đó đề ra nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp lớn nhằm tăng cường sự đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa các dân tộc; ưu tiên nguồn lực đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nhấn mạnh: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, tây duyên hải miền Trung. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc”.

Về phần mình, đồng bào các dân tộc thiểu số luôn ý thức được vị trí vai trò của mình, không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng chung của cả nước, trong đó có vai trò và những đóng góp quan trọng của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số.

Trong tiến trình phát triển, tùy theo phong tục tập quán mà mỗi dân tộc ở các vùng miền khác nhau đều có những người có uy tín, tiêu biểu. Đó là những già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, các vị chức sắc, tôn giáo, nhân sĩ, trí thức người dân tộc thiểu số… được cộng đồng suy tôn. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, những người có uy tín luôn có vị trí, vai trò quan trọng không chỉ đối với gia đình, dòng họ, dòng tộc đông dân cư mà còn ảnh hưởng, tác động, lan tỏa mạnh mẽ tới đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trong nhận thức, tiếp cận chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự tham gia của cộng đồng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

 

 Một buổi xuống cơ sở của cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng huyện Mường Nhé gặp gỡ,
trao đổi với những người có uy tín và đồng bào tại thôn Huổi Hốc, xã Nậm Kè,
huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên để nắm tình hình cơ sở . (Ảnh: Trần Quỳnh)

Theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ “Về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số”, thì người có uy tín là: “Công dân Việt Nam, không phân biệt thành phần dân tộc, cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Là người tiêu biểu, có nhiều công lao, đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết các dân tộc. Hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư. Có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số trong phạm vi nhất định bằng lời nói, qua việc làm, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo”.

Trên thực tế, ở góc độ hẹp, trong mỗi gia đình của các dân tộc thiểu số, mọi sinh hoạt đời sống, quan hệ xã hội và lao động sản xuất luôn được điều hành và chi phối bởi một người có uy tín nhất trong gia đình. Trong từng dòng họ (dù lớn hay nhỏ) của các dân tộc đều có người đứng đầu là trưởng tộc hay trưởng họ để duy trì các hoạt động của dòng họ, nhất là trong sinh hoạt tín ngưỡng nhớ về tổ tiên, cội nguồn, duy trì tôn ty, trật tự và quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của các gia đình đối với dòng họ, làng bản, cộng đồng và đất nước.

Ở mức độ rộng hơn, trong đời sống cộng đồng, người có uy tín có vị trí và vai trò quan trọng không thể thiếu đối với sự phát triển của cộng đồng và tộc người. Trên những bình diện khác nhau, họ đã đóng vai trò là người đầu tàu trong sự vận hành của xã hội: Duy trì phong tục, tập quán, tập tục, ổn định, trật tự an toàn xã hội, phát triển sản xuất, thực hiện giải quyết các mối quan hệ với cộng đồng khác và với hệ thống chính trị, bộ máy Nhà nước ở địa phương.

Nói một cách hình tượng, đội ngũ những người có uy tín chính là những nhịp cầu nối quan trọng giúp gắn kết giữa ý Đảng và lòng dân.

Hằng năm, vào những ngày lễ, Tết, nhất là dịp lễ hội truyền thống của từng dân tộc, Đảng, Nhà nước thông qua các ngành chức năng đều đến thăm hỏi, động viên, tặng quà đối với những người có uy tín. Họ còn được hưởng các chính sách đãi ngộ thỏa đáng, tương xứng đúng với vị trí, vai trò đã được cộng đồng suy tôn, như: Cung cấp thông tin, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần, khen thưởng thỏa đáng và kịp thời. Được tạo điều kiện đi giao lưu, học tập, học hỏi nâng cao kiến thức. Được đến thăm, gặp gỡ, làm việc tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương…

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 05 năm qua, các đơn vị, địa phương đã tổ chức thăm hỏi khi ốm đau, trợ cấp khó khăn cho 11.993 lượt, bố trí công tác xã hội cho 1.547 lượt, khen thưởng 2.672 lượt người người có uy tín; cung cấp 1.087 phương tiện nghe nhìn cho người có uy tín; tổ chức 183 cuộc tham quan, giao lưu học tập kinh nghiệm trong tỉnh cho 7.659 lượt người có uy tín; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc tổ chức tiếp đón 31 Đoàn đại biểu người có uy tín về thăm với tổng số 1.250 lượt người…

Người có uy tín như những cánh chim đầu đàn ở địa phương, cơ sở

Theo Thông báo số 1312/TB-UBDT của Ủy ban Dân tộc, tính đến ngày 07/10/2020, cả nước có 30.247 người có uy tín trong cộng đồng được các thôn bản, buôn làng bình chọn, suy tôn tại 52 tỉnh, thành phố theo các tiêu chí trong Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ “Về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số”. Trong đó có 13/52 tỉnh, thành phố có số lượng người có uy tín trên 1.000 người (cao nhất là Sơn La: 2.495 người).

Đã có rất nhiều cách làm hay, sáng tạo của những người có uy tín. Đối với các bản làng ở vùng trung du và miền núi phía Bắc, trưởng thôn, trưởng bản là những người có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Chẳng hạn, đối với dân tộc Mông, “trưởng dòng họ” và “bà cô” là những người có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mông. Hoặc đối với các dân tộc Dao, Mường, Thái và một số dân tộc thiểu số khác ở các tỉnh miền núi phía Bắc thì những người thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng, cầu cúng cho gia đình,dòng họ hoặc bản, làng (thầy mo thầy cúng…) thường được đồng bào rất coi trọng và có vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh của các dân tộc nơi đây.

Ông Pờ Dần Sinh, 60 tuổi, dân tộc Hà Nhì, là người có uy tín
ở thôn Tả Khố Nhừ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. (Ảnh: Trần Quỳnh)

Ông Pờ Dần Sinh, 60 tuổi, dân tộc Hà Nhì (thôn Tả Khố Nhừ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) là một trong những người có uy tín điển hình ở vùng núi Tây Bắc. Ông Pờ Dần Sinh sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bố ông là cụ Pờ Pố Chừ, là một trong những Đảng viên đầu tiên trên vùng biên viễn xa xôi nhất, cực Tây của Tổ quốc, nơi ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, “một con gà gáy ba nước nghe chung”. Ông Pờ Dần Sinh nguyên là chiến sỹ Công an, rồi phát triển lên làm Chủ tịch UBND, sau đó là Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu trong gần 20 năm. Trên vùng đất xa xôi, khó khăn này, ông Pờ Dần Sinh là người đầu tiên làm nhà mái ngói (năm 1994), là người đầu tiên mua xe máy (năm 2005), người đầu tiên đào ao thả cá (2006), người đầu tiên có con trai tốt nghiệp đại học (năm 2009). Ông Pờ Dần Sinh làm được những điều to tát đó không phải từ chức vụ của ông, mà từ cách ông mạnh dạn, đi đầu làm kinh tế theo mô hình vườn - ao - chuồng - rừng (VACR). Giờ đây, tuy tuổi đã cao, nhưng ông Pờ Dần Sinh vẫn chăn nuôi đàn bò hơn 30 con (có lúc cao điểm lên đến 200 con) và trồng 50 ha rừng kinh tế. Ông Pờ Dần Sinh còn là nghệ nhân dân gian, sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn, phát triển những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Hà Nhì. Khi nghỉ hưu (2015) ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động của Chi bộ và thôn bản, được người dân địa phương suy tôn là người có uy tín tiêu biểu. Chính những cách làm thiết thực, hiệu quả của ông Pờ Dần Sinh đã nối tiếp truyền thống của dòng họ Pờ, truyền ngọn lửa cách mạng cho các thế hệ người dân tộc Hà Nhì nơi vùng cao Tây Bắc.

Còn đối với các buôn làng vùng rừng núi Trường Sơn - Tây Nguyên, các già làng là những trụ cột quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển cuộc sống mới trong cộng đồng. “Già làng nói - dân làng nghe, già làng hô - dân làng hưởng ứng, già làng làm - dân làng làm theo”. Già làng chính là “cây sồi” cổ thụ tỏa bóng mát cho các thế hệ trong buôn làng, là chỗ dựa tinh thần cho cả cộng đồng.

Già làng A Biêng, 72 tuổi, người dân tộc Bana (thôn Kon Lung, xã Đăk Tờ Lung, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) là một ví dụ. Khi được hỏi thì cả đồng chí Bí thư Chi bộ Đảng của thôn và ông Trưởng thôn, cùng rất nhiều đồng bào dân tộc Bana ở thôn Kon Lung đều có chung nhận xét rất kính trọng và tin tưởng đối với Già làng A Biêng vì ông là người có uy tín được dân làng suy tôn. Ngoài những buổi lễ hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng đều không thể thiếu vắng vai trò chủ lễ của Già làng A Biêng, thì trong việc thực hiện những phong trào xây dựng nông thôn mới qua những việc làm cụ thể, cả Bí thư Chi bộ và Trưởng thôn đều tham vấn ý kiến của Già làng A Biêng và cùng với Già làng A Biêng đi tuyên truyền, vận động bà con trong thôn chung tay, chung sức thực hiện đạt hiệu quả cao. Nhờ vậy đã góp phần đưa thôn Kon Lung và xã Đăk Tờ Lung sớm về đích hoàn thành đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới vào tháng 3/2020. Bản thân Già làng A Biêng cũng tâm sự, vì đã từng tham gia bộ đội từ thời chống Mỹ và tham gia công tác ở thôn, xã, nên ông có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết đủ để răn dạy con cháu trong thôn thực hiện theo những điều hay, lẽ phải. Con cháu đều nghe và làm theo nên Già làng A Biêng rất vui mừng, phấn khởi, tích cực thực hiện tốt vai trò của mình.

Già làng A Biêng trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tại nhà Rông,
nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của thôn Kon Lung, xã Đăk Tờ Lung, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. (Ảnh: TH)

  Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các vị sư sãi thuộc Phật giáo Nam Tông tại các chùa Khmer có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống dân cư của vùng đồng bào dân tộc Khmer. Các chức sắc tôn giáo thuộc đạo Hồi và đạo Bàlamôn cũng có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Chăm.

Điển hình như tỉnh Trà Vinh hiện có 370 cơ sở tôn giáo, trong đó có 143 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer với 3.371 chư tăng; cùng với đó là 27 cơ sở tôn giáo trong đồng bào Hoa và 01 nhánh đường Hồi giáo của đồng bào Chăm. Các tôn giáo này có nhiều chi phối đến đời sống tinh thần, phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc nơi đây. Hay ở tỉnh Sóc Trăng, hiện có 130 cơ sở thờ tự của Phật giáo Nam Tông Khmer, trong đó có 92 chùa và 38 Salatel với 13 vị hòa thượng, 13 vị thượng tọa, 66 đại đức, 1.873 vị sư sãi. Chính các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức, sư sãi này đã đóng vai trò là người có uy tín ở địa phương, vừa thuyết pháp hướng thiện, vừa răn dạy các phật tử (cũng chính là đông đảo đồng bào các dân tộc ở địa phương) sống tốt đời, đẹp đạo, đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng quốc gia, dân tộc, xây dựng quê hương, đất nước…

Mỗi ngành tùy theo chức năng, nhiệm vụ sẽ hợp tác, cộng tác với đội ngũ những người có uy tín theo cách khác nhau. 

Mặt trận Tổ quốc thông qua những người có uy tín để phát động, triển khai thực hiện các phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng đời sống mới, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Ngành Dân vận thông qua những người có uy tín để nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, vận động nhân dân thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng, chích sách, pháp luật của Nhà nước. Ngành Dân tộc thông qua đội ngũ những người có uy tín để nắm bắt, triển khai thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo.

Các ngành Công an, Quân đội, Biên phòng thông qua đội ngũ những người có uy tín để nắm bắt tình hình cơ sở, phát động và triển khai các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, quốc phòng. Ví dụ điển hình, trong 2 năm 2011 và 2012, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh đã giúp Công an tỉnh vận động người dân giao nộp hơn 760 khẩu súng các loại, gần 1.000 viên đạn, hơn 700 kg thuốc nổ, 150 kg pháo các loại; cùng các ngành chức năng tham gia: phát hiện, đấu tranh 17 vụ truyền đạo trái pháp luật, cung cấp cho các ngành chức năng nhiều nguồn tin có giá trị phục vụ phát hiện, xử lý 378 vụ phạm pháp hình sự, 50 vụ liên quan đến hoạt động tệ nạn xã hội, xử lý 132 đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; bắt 24 vụ, 47 đối tượng mua bán phụ nữ, trẻ em; giải cứu 89 nạn nhân (68 phụ nữ, 21 trẻ em) bị lừa bán sang Trung Quốc…

Thực tế đã cho thấy, những người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số không chỉ được ví như những nhịp cầu nối quan trọng giúp gắn kết ý Đảng và lòng dân, mà họ còn như những cánh chim đầu đàn dẫn dắt mọi người dân trong thôn bản, buôn làng nơi vùng miền núi và dân tộc luôn vững tin đi theo Đảng, Nhà nước, tích cực hủng hộ và góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Các nhà sư - người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Khmer cùng người dân
xây dựng đường giao thông nông thôn ở xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. (Ảnh: TL)

Cần tháo gỡ một số khó khăn để phát huy tốt hơn vị trí, vai trò của người có uy tín

Mặc dù hoạt động rất hiệu quả, được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương hết sức coi trọng, nhưng hoạt động của đội ngũ những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang gặp một số khó khăn. Đó là:

Độ tuổi trung bình của người có uy tín đang bị già hóa, điều này dẫn đến tình trạng nhiều người chủ yếu dùng những kinh nghiệm và hiểu biết đã cũ, ngại cập nhật thông tin mới nên khó tiếp cận được với lớp người trẻ.

Cũng vì độ tuổi trung bình bị già hóa nên nhiều người có uy tín ngại tham gia vào các tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương dẫn đến khó khăn trong việc phối hợp hành động giữa Bí thư Chi bộ Đảng ở thôn, Trưởng thôn và các tổ chức đoàn thể với già làng, trưởng bản, người có uy tín.

Việc già hóa độ tuổi làm cho đội ngũ người có uy tín có nhiều biến động hằng năm (số lượng người ra khỏi danh sách nhiều hơn số lượng bổ sung) dẫn đến thiếu ổn định, người mới phải mất nhiều công sức thâm nhập với quần chúng.

Hiện nay, trên vai mỗi người có uy tín đang gánh khá nhiều trách nhiệm và kỳ vọng, vì họ là đầu mối của nhiều ngành, tổ chức đoàn thể, trong khi những chế độ chính sách đãi ngộ đối với họ tuy đã rất được quan tâm, nhưng vẫn còn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Nếu khắc phục được những khó khăn trên, hy vọng sẽ phát huy được tốt hơn nữa vị trí, vai trò của đội ngũ những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đó, góp phần thực hiện tốt công cuộc phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội vùng địa bàn chiến lược này./.

 

Phản hồi

Các tin khác