Nhân rộng các điển hình tiên tiến ngành NN&PTNT
Bộ NN&PTNT đề nghị triển khai phong trào thi đua yêu nước của ngành cần gắn với việc xây dựng và nhân rộng các tấm gương điển hình tiến tiến (Ảnh minh họa: BT)

Bộ NN&PTNT đề nghị triển khai phong trào thi đua yêu nước của ngành cần gắn với việc xây dựng và nhân rộng các tấm gương điển hình tiến tiến (Ảnh minh họa: BT)

Với truyền thống 75 năm xây dựng và phát triển, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương, đổi mới, hội nhập, đồng thời quán triệt sâu sắc Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) triển khai Kế hoạch thực hiện phong trào thi đua yêu nước “Toàn ngành NN&PTNT chung sức xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có, nông thôn văn minh” giai đoạn 2021-2025 với một số nội dung trọng tâm.

Cụ thể, phong trào thi đua nhằm khuyến khích, động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành NN&PTNT thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, nông dân giàu có, nông thôn văn minh.

Bên cạnh đó, tạo khí thế thi đua sôi nổi giữa các tập thể cá nhân trong toàn ngành thực hiện về đích trước thời hạn nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành hàng năm và giai đoạn 5 năm (2021-2025). Ghi nhận, vinh danh tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc là những tấm gương điển hình tiên tiến tích cực tham gia phong trào thi đua, đóng góp vào sự nghiệp phát triển NN&PTNT Việt Nam.

Theo Bộ NN&PTNT, phong trào thi đua hướng tới đạt được các mục tiêu: tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,8-3,2%; tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới ít nhất 80% đến năm 2025; 50% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, ít nhất 15 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đồng thời, phấn đấu giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 52,27 tỷ USD (năm 2025); thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn năm 2025 tăng ít nhất 1,6 lần so với năm 2020.

Triển khai phong trào thi đua, Bộ NN&PTNT đề nghị các cơ quan, đơn vị và các Khối thi đua trong Bộ, ngành bám sát các mục tiêu thi đua để cụ thể hóa nội dung thi đua theo từng lĩnh vực chuyên ngành gắn với thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Trong đó, với Khối cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ, Bộ NN&PTNT đề nghị thi đua hoàn thành có chất lượng, đúng thời hạn việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách, chỉ đạo sản xuất NN&PTNT. Chủ động, tích cực nghiên cứu, rà soát, tích hợp sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách về NN&PTNT. Thi đua thực hiện cải cách hành chính, thực thi công vụ, xây dựng công sở văn minh, hiện đại.

Với Khối các đơn vị sự nghiệp, nghiên cứu khoa học thuộc Bộ, thi đua nghiên cứu khoa học, lao động sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, có nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học, đề tài đi vào thực tiễn. Đẩy mạnh triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tăng tỷ trọng nguồn thu ngoài ngân sách, nâng cao thu nhập cho công chức, viên chức và người lao động.

Với Khối các Sở, ngành, Hội, Hiệp hội thi đua trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện các chính sách trong sản xuất nông nghiệp, tích cực tham gia xây dựng chính sách, phản biện xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được quy định. Đồng thời, thi đua trong công tác quy hoạch phát triển các sản phẩm hàng hóa tập trung, theo chuỗi, xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị, phong trào thi đua cần gắn với phong trào thi đua yêu nước đã được Thủ tướng Chính phủ phát động và các phong trào thi đua chuyên đề đã và đang phát huy hiệu quả ở các cơ quan, đơn vị.

Trong triển khai phong trào thi đua yêu nước cần gắn với việc nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, xây dựng, nhân rộng tấm gương điển hình tiến tiến ở cơ quan, đơn vị. Đồng thời, quan tâm thường xuyên công tác khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực tiếp, người nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp điển hình tiên tiến trong ngành./.

Phản hồi

Các tin khác