Ninh Bình: Lan tỏa phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"
Ảnh

Ảnh minh họa. (Ảnh:XD)

Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình, sau 20 năm thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (2000-2020), số lượng và chất lượng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh được nâng lên hàng năm, từ 38,26% năm 2001 tăng lên 89% năm 2020. Năm 2001, có 17,51% làng, thôn, xóm, phố đạt danh hiệu văn hóa, đến nay tăng lên 90,6%. Tính đến cuối năm 2020, số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên đạt 31,2%; tỷ lệ gia đình thể thao đạt 28%; có trên 650 câu lạc bộ TDTT cơ sở.

Đồng thời, hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm đầu tư và có sự phát triển vượt trội. Đến cuối năm 2019, có 141/143 xã, phường, thị trấn có Trung tâm văn hóa và thể thao; 136 xã, phường, thị trấn có khu thể thao; có 1.633 thôn, xóm, phố có địa điểm sinh hoạt văn hóa và 431 công trình thể thao của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh... Nhờ những thiết chế văn hóa được xây dựng rộng khắp trên các xã, phường trong tỉnh mà bà con có điều kiện để giao lưu, tình làng nghĩa xóm được củng cố và ngày càng gắn bó bền vững.

Đánh giá về phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở Ninh Bình, đồng chí Tống Quang Thìn, Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phong trào tỉnh cho biết, 20 năm qua, Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn tỉnh trở thành phong trào rộng lớn, có sức lan tỏa và thu hút toàn xã hội tham gia; góp phần làm lành mạnh môi trường văn hóa ở các khu dân cư, các cơ quan, doanh nghiệp; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, từ đó hăng hái thi đua lao động sản xuất, học tập, công tác, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, hướng tới thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đồng chí Tống Quang Thìn cũng cho biết, trong thời gian tới, để Phong trào tiếp tục phát triển sâu rộng, bền vững trong toàn tỉnh, cần chú trọng nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, gắn thực hiện Phong trào với Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Bên cạnh đó cần tiếp tục hoàn thiện xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao. Khai thác tối đa công năng của các công trình văn hóa, thể thao; đẩy mạnh tổ chức hoạt động và tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận, tham gia văn hóa, văn nghệ, TDTT, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Phản hồi

Các tin khác