Nơi gìn giữ, tôn vinh và phát triển di sản âm nhạc dân tộc

Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam (trực thuộc Hội Nhạc sỹ Việt Nam) thành lập năm 2005 do GS.TS Phạm Minh Khang và nhạc sỹ Thao Giang dẫn dắt, với phương châm sưu tầm nghiên cứu, biểu diễn giới thiệu và đào tạo các loại hình nghệ thuật âm nhạc dân gian truyền thống. Trải qua 15 năm hoạt động, mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn kinh phí, nhưng bằng tình yêu dành cho âm nhạc dân tộc, tập thể lãnh đạo, diễn viên của Trung tâm đã khẳng định vị thế của mình trên con đường phát triển nghệ thuật âm nhạc dân tộc đích thực. Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đã trở thành một địa chỉ văn hóa, nơi giao lưu và sinh hoạt nghệ thuật độc đáo của những người yêu âm nhạc truyền thống. Cũng bằng tài năng và tâm huyết, các nghệ sĩ, nhạc sĩ Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đã đưa âm nhạc truyền thống đến gần hơn với công chúng.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam tập trung đi sâu vào hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng một số loại hình nghệ thuật dân gian có nguy cơ thất truyền. Các nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, nghệ sĩ của Trung tâm đã hệ thống hóa toàn bộ tài liệu về nghệ thuật Hát Xẩm, Trống quân và một phần nghệ thuật Hát Văn, bao gồm các làn điệu, nhạc khí, văn học và môi trường diễn xướng. Các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc đã được giới thiệu trên các sân khấu, thu thanh, ghi hình để quảng bá tới khán thính giả. Từ năm 2010, chương trình nghệ thuật dân gian mang tên “Hà thành 36 phố phường” được biểu diễn nhân rộng tại các tuyến phố đi bộ Hàng Đào, Đồng Xuân với 12 buổi diễn/tháng, trung bình có trên 100 buổi diễn/năm, thu hút không chỉ khán giả Thủ đô mà còn có sức hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam là nơi gìn giữ, tôn vinh và phát triển di sản âm nhạc dân tộc

Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam là nơi gìn giữ, tôn vinh và phát triển di sản âm nhạc dân tộc

Nhiều năm qua, Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đã có đóng góp to lớn trong việc khôi phục và giới thiệu, quảng bá rộng rãi nghệ thuật hát Xẩm tới công chúng, đặc biệt là phục dựng và tổ chức ngày giỗ Tổ nghề hát Xẩm vào các ngày 22/2 và 22/8 âm lịch hàng năm bắt đầu từ năm 2008 và đưa hát Xẩm trở thành chuyên ngành được đào tạo tại Học viện Âm nhạc Huế…

Từ nhiều năm nay, rất nhiều người đã tìm các lớp học đàn và hát dân ca của Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam để tìm hiểu, học hỏi về âm nhạc truyền thống, đặc biệt là thế hệ trẻ. Những lớp học nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn nhị, sáo, trống và hát ca trù, hát xẩm, hát văn, hát quan họ… của Trung tâm thu hút nhiều học viên ở mọi lứa tuổi. Tại đây, người học có thể tiếp cận với các loại hình nghệ thuật truyền thống theo cách tự nhiên nhất, gần gũi và dễ hiểu nhất. Đến nay, Trung tâm đã có hơn 40 câu lạc bộ văn nghệ dân gian hoạt động hiệu quả. Bên cạnh các lớp học quần chúng, Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam cũng mở các lớp đào đạo chính quy, liên kết với Học viện Âm nhạc Huế đào tạo nghiên cứu viên chuyên ngành “Đàn và Hát dân ca” ở bậc Đại học và Cao học.

Với các hoạt động sưu tầm nghiên cứu, khôi phục, biểu diễn cũng như đào tạo giảng dạy, Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần vào việc bảo tồn, phát triển và tôn vinh những tinh hoa di sản âm nhạc dân tộc. quảng bá vị thế, nghệ thuật âm nhạc dân gian Việt Nam với thế giới.

Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hoạt động của Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam cũng không tránh khỏi tình trạng khó khăn chung của cả nước, nhưng Trung tâm đã cố gắng tìm mọi cách để duy trì hoạt động và tranh thủ thời gian nghỉ dịch để hoạt động nghiên cứu, dàn dựng, sáng tác, xây dựng các tiết mục mới... Sau khi đại dịch COVID-19 tạm lắng xuống, tháng 7/2020, Trung tâm diễn trở lại sân khấu Chợ đêm Đồng Xuân, ngoài ra còn biểu diễn tại Phú Thọ, Hưng Yên, Quảng Ninh... và một số địa điểm tại Hà Nội.

Về xây dựng chuyên môn, Trung tâm đã xây dựng được một tiết mục mới kịch hát “Kiều” với thời lượng 20 phút, được dàn dựng công phu trên cơ sở Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ của Nguyễn Du được lồng điệu vào các làn điệu Xẩm, Trống quân, Ca trù... kết hợp múa, tạo nên một nét mới độc đáo trong kịch hát dân tộc. Chuyển thể, lồng điệu và thu thanh được 10 bài thơ của nhà thơ Ngọc Ninh Lê sang các làn điệu hát Ca trù, hát Xẩm, Trống quân, Chèo...; dàn dựng tiết mục hát Xẩm, hát Văn cho Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam; giới thiệu, quảng bá nghệ thuật dân gian trên các Đài Truyền hình địa phương và Trung ương; các lớp học đàn, hát được duy trì như lớp đàn nhị, lớp học nhạc cụ dành cho thiếu nhi, lớp học hát dân ca 3 miền được nhiều lứa tuổi tham gia...

Trong năm 2021, Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện công việc sưu tầm bộ môn nghệ thuật Ca trù tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... theo kế hoạch; mở văn phòng đại diện tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh để mở rộng địa bàn hoạt động biểu diễn phục vụ bộ đội, chiến sĩ, nhân dân vùng biển đảo, và biểu diễn thường xuyên phục vụ khách du lịch Việt Nam và quốc tế; xây dựng chương trình, tiết mục mới thường xuyên; biểu diễn tại các vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo...; xúc tiến thành lập Quỹ phát triển nghệ thuật Âm nhạc dân gian.../.

Phản hồi

Các tin khác