(ĐHXIII) - Trong những năm qua, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng làm động lực quan trọng cho sự phát triển của huyện.
Các trường THCS trên địa bàn huyện Đồng Phú tham gia cuộc thi “Hành trình di sản văn hóa” tỉnh Bình Phước lần thứ II.
(Ảnh: Báo Bình Phước)
Nhằm cụ thể hóa chủ trương của Tỉnh ủy và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Huyện ủy Đồng Phú đã chỉ đạo thực hiện việc biên soạn Lịch sử Đảng bộ huyện, các xã anh hùng lực lượng vũ trang và nhiều công trình lịch sử khác. Tiêu biểu như: Lịch sử Đảng bộ xã Tân Lập (1975-2015); Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Đồng Phú (1945-2015); Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Đồng Tâm (1945-2010); tài liệu giảng dạy lịch sử địa phương (1930-2009)… Huyện cũng đang tiến hành biên soạn các công trình lịch sử: Tái bản, bổ sung tài liệu giảng dạy lịch sử địa phương (1930-2020); Lịch sử Đảng bộ huyện Đồng Phú (1975-2020); biên soạn và xuất bản Lịch sử Đảng bộ thị trấn Tân Phú (1975-2020); biên soạn và xuất bản Lịch sử Đảng bộ xã Tân Hòa (1975-2020). Nhìn chung, các công trình lịch sử được biên soạn, xuất bản đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, nội dung đảm bảo tính thống nhất chung với lịch sử toàn Đảng, đồng thời thể hiện rõ những nét đặc thù, độc đáo riêng của từng địa phương, đơn vị, góp phần làm rõ thêm Lịch sử Đảng bộ huyện.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng được Đồng Phú xác định là một trong những nhiệm vụ, có ý nghĩa quan trọng trong công tác tuyên giáo và xây dựng Đảng, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự nghiệp cách mạng. Đồng Phú hiện có 15 trường THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, có 31 cán bộ làm công tác và giảng dạy lịch sử Đảng, lịch sử địa phương. Số tiết lịch sử địa phương được đưa vào giảng dạy chính khóa theo phân phối chương trình của Bộ GD&ĐT ở trường THCS là 7 tiết, trường THPT là 4 tiết; Ban Tuyên giáo Huyện ủy khi tổ chức các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đối tượng kết nạp Đảng, đảng viên mới đều có chuyên đề Lịch sử Đảng bộ địa phương. Trong các hội nghị giao ban với đội ngũ báo cáo viên, Ban Tuyên giáo Huyện ủy thông tin, định hướng để đội ngũ này tăng cường công tác tuyên truyền lịch sử cách mạng đến đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng. Phòng GD&ĐT thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, tổng phụ trách đội, đặc biệt là giáo viên môn Lịch sử, Giáo dục công dân về lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng của huyện. Nhiều trường đã có đổi mới trong công tác giáo dục lịch sử cho học sinh bằng hình ảnh trực quan sinh động, đi thực tế tại các địa điểm di tích lịch sử, bảo tàng, nhà truyền thống… giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn và tự hào về những trang sử vẻ vang của quê hương, đất nước.
Tại các xã, thị trấn, Câu lạc bộ “Ông kể cháu nghe” duy trì hoạt động. Định kỳ mỗi tháng hoặc dịp lễ, ngày kỷ niệm truyền thống, các hội viên câu lạc bộ lại được trường tiểu học, THCS trên địa bàn các xã, thị trấn mời đến kể những mẩu chuyện về Bác Hồ, về cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do cho đất nước mà họ từng tham gia, các câu chuyện liên quan đến địa danh, di tích lịch sử của địa phương... cho học sinh nghe. Đây là hoạt động thiết thực góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ sau.
Thời gian tới, Đồng Phú tiếp tục cụ thể hóa quan điểm của Đảng phù hợp với đặc điểm địa phương; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử hằng năm, dài hạn để nâng cao chất lượng; thu hút nguồn xã hội hóa tham gia vào nghiên cứu, xuất bản, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Đồng thời, đổi mới tuyên truyền, giáo dục, chú trọng đối tượng là thế hệ trẻ để làm tốt công tác giáo dục, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào về truyền thống lịch sử dân tộc./.
Minh Hiền