(ĐHXIII) – Hưởng ứng các phong trào thi đua, những người nông dân tỉnh Ninh Bình đã nỗ lực, cố gắng vượt mọi khó khăn làm giàu chính đáng. Không chỉ vậy, họ còn hướng dẫn, giúp đỡ những người nông dân khác thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Trịnh Văn Tiến - Chủ trang trại nuôi con đặc sản tại xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp. Gia đình ông nổi tiếng với trang trại với hơn hàng trăm con hươu, nai; đàn dê, đàn ngựa. Trang trại của ông còn nuôi và cung cấp những loại thực phẩm khác như nhím, lợn, gia cầm và thủy sản. Đây là nguồn cung cấp thực phẩm cho một nhà hàng ăn uống, một cửa hàng nông sản an toàn của riêng gia đình ông.
|
Ông Trịnh Văn Tiến chăm sóc dê trong trang trại của gia đình.
|
Ông kể, trước đây gia đình cũng rất nghèo, nhưng với quyết tâm thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương, gia đình ông vay 50 triệu đồng của Hội Nông dân, cùng với sức người, gia đình ông đã biến khu đồi hoang hóa thành trang trại rộng lớn, trù phú. Để có kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, ông tham gia các lớp tập huấn của Hội, rồi đi tìm hiểu ở những hộ gia đình có vật nuôi, dần dần, đàn gia súc gia cầm nhiều lên, mang lại thu nhập cho gia đình và công ăn việc làm cho nhiều người lao động. Đến nay, doanh thu mỗi năm của trang trại đạt khoảng 10 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 24 lao động với mức lương dao động từ 6 đến 10 triệu đồng/tháng.
Không chỉ nghĩ cho bản thân, người nông dân ấy còn tìm cách giúp đỡ những người xung quanh bằng việc hỗ trợ con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và bao tiêu đầu ra cho những gia đình muốn phát triển sản xuất. Gia đình ông cũng là một trong những hộ nông dân đi đầu trong công tác đóng góp ủng hộ từ thiện và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Tổng số tiền gia đình ông hỗ trợ sản xuất, ủng hộ làm đường giao thông, kéo điện cho thôn, xóm lên tới gần 300 triệu đồng…. Ông cũng là hội viên hội nông dân được nhiều người yêu mến và kính trọng với lòng thiện tâm với cuộc sống và những đóng góp có ý nghĩa cho xã hội. Vừa qua, được đi dự Đại hội thi đua yêu nước tỉnh giai đoạn 2015-2020, ông vô cùng xúc động và tự hào. Ông hứa sẽ tiếp tục cố gắng phấn đấu, để thi đua không phải chỉ cho bản thân, mà còn cho con cháu noi theo.
Anh Đinh Ngọc Đại là một nông dân ở phố Phúc Thịnh, phường Bích Đào, TP Ninh Bình. Việc anh xây dựng kinh tế gia đình và giải quyết việc làm cho 9 lao động với mức thu nhập ổn định từ 9 - 11 triệu đồng/người/tháng cũng khiến chúng tôi vô cùng khâm phục.
Khởi nghiệp bằng 1 cái máy hàn, máy khoan trị giá khoảng 40 triệu đồng và nhà xưởng, anh Đại phải vay thêm tiền từ Quỹ hội nông dân và người thân, bạn bè để đầu tư mua thêm một số máy móc, thiết bị phát triển nghề cơ khí. Không chỉ chịu khó học nghề, anh còn mày mò tìm hiểu thị trường và kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản phẩm. Nhờ vậy, khách hàng đến với anh ngày một đông hơn, đến nay, doanh thu hàng năm đạt khoảng 2,5 tỷ đồng, sau khi trừ mọi chi phí gia đình anh có thu nhập trên 500 triệu đồng/năm.
Anh nói, làm giàu, nhưng quan trọng nhất, mình là người con của mảnh đất này, nên sống phải có tâm với làng xóm, láng giềng, phải có đóng góp cho xã hội. Anh luôn đi đầu trong mọi phong trào từ thiện nhân đạo, phong trào như: Đóng góp xây dựng đường giao thông khu phố; cột cờ nghĩa trang liệt sỹ của phường; hỗ trợ hộ nghèo xây nhà, xây dựng Qũy HTND… Hiện, anh là Tổ trưởng tổ Hội nghề nghiệp cơ khí Bích Đào gồm 6 thành viên đều là chủ các xưởng cơ khí trên địa bàn phường. Các thành viên đều tích cực trao đổi kinh nghiệm, công nghệ để cùng nhau phát triển. Các cơ sở thành viên của Hội đã tạo việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương có thu nhập ổn định.
|
Nhiều người tìm hiểu, học tập công nghệ trồng trọt tại Công ty của chị Dung. Ảnh: Trường Giang
|
Còn người nông dân 4.0 Lê Thị Dung xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh lại có một hướng đi khác. Ấp ủ một dự án trồng rau chất lượng cao, năm 2013, chị thành lập Công ty cổ phần Đầu tư công nghệ xanh với hàng tỷ đồng vay mượn. Chị nói, không phải mình mạo hiểm với tiền vốn bỏ ra, mà mình đã có ý tưởng và kế hoạch rõ ràng và sử dụng rau sạch, rau an toàn là xu thế của nền kinh tế phát triển. Khoảng 2 năm đầu chị hầu như chưa thu lãi từ trang trại, nhưng đã tạo nên thương hiệu, sản phẩm nhà chị từ trang trại đã đến được với các chuỗi thực phẩm an toàn, tạo niềm tin với thị trường tiêu thụ. Đến nay, Công ty của chị đang có 6 ha sản xuất rau và 5 ha trồng cây ăn quả, trong đó có 6.000 m2 nhà kính, nhà lưới với hệ thống tưới tiêu tự động công nghệ cao. Ngoài ra, Công ty còn đầu tư một hệ thống sơ chế, bảo quản bài bản, bao gồm: máy sục rửa, tủ sấy, tủ lạnh, tủ đông, máy hút chân không… Vào những lúc cao điểm của mùa vụ, ở đây thu hút tới 30-40 lao động địa phương với mức lương khoảng hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Nông sản của trang trại được thương lái đặt hàng trước cả tháng và thường xuyên có mặt ở các cửa hàng nông sản sạch tại nhiều thành phố lớn. Rau quả tươi như dưa chuột, xà lách, cà chua của trang trại có thể ăn ngay mà không cần rửa và chưa sơ chế. Đến giờ, chị đã có thể tự tin gia nhập hội “Những nông dân hữu cơ”. Sắp tới chị sẽ đưa vào sử dụng nhà điều hành với hệ thống tưới tự động thông minh, điều khiển việc chăm sóc rau quả bằng smartphone… trị giá gần 2 tỷ đồng. Trang trại của chị đã tạo công việc ổn định cho hàng chục lao động, và chị luôn sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật cho những hộ gia đình muốn phát triển sản xuất.
Chính những tấm gương nông dân như thế đã dẫn đầu phong trào thi đua trở thành động lực, đòn bẩy thúc đẩy những người nông dân khác dám vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Họ đã chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn; thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Họ là số ít trong số 27 nghìn hộ nông dân tỉnh Ninh Bình đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp tỉnh Ninh Bình đã trực tiếp giúp đỡ 4.593 hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Những đóng góp đó đã giúp tỉnh Ninh Bình tiến gần hơn đến mục tiêu xây dựng tỉnh Ninh Bình đạt chuẩn nông thôn mới./.
T. Huyền