Ngày 27/4, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Vận dụng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị và báo chí-truyền thông ở Việt Nam hiện nay”.
Với 106 tham luận của các nhà khoa học ở trong và ngoài Học viện, Hội thảo gồm 3 phiên: Những vấn đề chung; Vận dụng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị ở Việt Nam hiện nay; Vận dụng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào nghiên cứu, giảng dạy báo chí-truyền thông ở Việt Nam hiện nay.
|
Quang cảnh hội thảo |
Tại hội thảo, các tham luận tập trung làm rõ những vấn đề cơ bản và quan trọng, đánh giá, phân tích làm rõ những vấn đề lớn, ở tầm vĩ mô mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề cập, như: chủ đề Đại hội; những điểm mới phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; dự báo tình hình thế giới, khu vực và trong nước thời gian tới...
Đề dẫn Hội thảo khoa học, PGS,TS Phạm Minh Sơn, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, Học viện Báo chí và Tuyên truyền là trường Đảng, trường đại học trọng điểm quốc gia thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; có chức năng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, cán bộ tuyên giáo, nghiệp vụ công tác Đảng và cán bộ báo chí- truyền thông cho cả nước. Vì vậy, nhiệm vụ đầu tiên của cán bộ, giảng viên Học viện là nghiên cứu hệ thống, bài bản, sâu sắc mọi quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để giảng dạy, truyền cảm hứng cho sinh viên, học viên các hệ lớp đại học, sau đại học, các lớp bồi dưỡng.
PGS,TS Nguyễn Viết Thảo, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, Đại hội XIII - kết tinh trí tuệ và bản lĩnh của hơn 5 triệu đảng viên và gần 100 triệu nhân dân Việt Nam đã đưa ra một hệ thống tư duy, quan điểm mới mẻ, đúng đắn liên quan đến các vấn đề hệ trọng nhất của quốc gia dân tộc trong thời kỳ mới. Là trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý và nghiên cứu lý luận, các cơ sở trong toàn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần kịp thời cập nhật, quán triệt các tư duy, quan điểm mới của Đại hội XIII.
Chọn chủ đề “Đấu tranh phòng chống cơ hội chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII”, PGS,TS Lương Khắc Hiếu, nguyên Quyền Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phân tích, tình trạng này xuất hiện ở bất kỳ ai, dù họ không có địa vị nhưng sống vụ lợi, nặng đầu óc cá nhân chủ nghĩa, không có chính kiến, quan điểm rạch ròi... Những người này luôn khai thác triệt để, lợi dụng những vấn đề xã hội để phục vụ lợi ích cá nhân, bất chấp hậu quả đối với xã hội. “Cơ hội chính trị” ở nước ta gồm nhóm cơ hội chính trị trong cán bộ, đảng viên và nhóm cơ hội chính trị cộm cán.
|
Các nhà khoa học trao đổi những vấn đề quan tâm tại hội thảo |
PGS,TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, không phải 100% những người làm trong lĩnh vực báo chí - truyền thông đều trong sạch. Một bộ phận không nhỏ nhà báo 'đức không trong, tâm không sáng', quên trách nhiệm khách quan, không tôn trọng sự thật, tự bẻ cong ngòi bút, vì ân nghĩa, yêu ghét cá nhân, vì tiền, quyền... để 'đánh hội đồng' và 'cứu hội đồng'; nhiều nhà báo dùng báo chí để quảng cáo, PR... hòng trục lợi cá nhân.
Tại Hội thảo, một số đại biểu đề nghị, trong bối cảnh khung chương trình có hạn, thời lượng để giảng dạy lý luận chính trị và báo chí truyền thông hạn chế, giảng viên cần có phương pháp chuyển tải đến người học phù hợp, qua đó, học viên tiếp thu tối đa kiến thức, hiểu biết về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó có những nội dung cốt lõi của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Bên cạnh việc nâng cao nghiệp vụ, trang bị máy móc, thiết bị... để người học có thể làm nghề chuyên nghiệp, các ý kiến đề xuất cần tăng cường giáo dục cho đội ngũ người làm báo khắc phục hiện tượng lười học nghị quyết, “nhà báo hai mặt” của một bộ phận phóng viên, biên tập viên, nhà báo.../.