|
Ảnh minh họa. (Nguồn: Dantri)
|
Câu chuyện “con ông cháu cha” xung quanh công tác cán bộ không phải là mới, nhưng gần đây ồn ào trở lại khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc công bố các quyết định bổ nhiệm, điều động cán bộ giữ các chức vụ quan trọng tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó có bà Trần Huyền Trang, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, được bổ nhiệm giữ chức Phó giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư. Đáng nói ở đây, bà Trần Huyền Trang là con gái của đương kim Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.
Điều này cũng dễ hiểu, bởi lẽ xưa nay, mỗi khi có việc bổ nhiệm cán bộ trẻ là con em của lãnh đạo nào đó, thì búa rìu dư luận lại hình dung ra hàng loạt câu hỏi về năng lực cũng như quy trình bổ nhiệm, liệu người đó có xứng đáng nếu như không có sự nâng đỡ.
Bởi có một thực tế rất đáng suy ngẫm là: Khi cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ trẻ, nhiều người hay đặt câu hỏi: "Đồng chí này là con của đồng chí nào?". Rõ ràng, nhiều người không quan tâm lắm đến đồng chí này là ai, học hành thế nào, phấn đấu ra sao, mà trọng tâm câu hỏi là nhắm vào đồng chí nào? Cũng vì là "con của đồng chí nào" cho nên đồng chí này mới được ưu ái, nâng đỡ kiểu "thần tốc" như vậy.
Câu chuyện ở Vĩnh Phúc cũng khiến người ta liên tưởng đến việc chỉ định Bí thư Thành ủy một thành phố trực thuộc tỉnh cách đây không lâu. Vụ việc này cũng vấp phải phản ứng của dư luận. Trước đó, câu chuyện con cái nhiều vị lãnh đạo địa phương được cất nhắc, bổ nhiệm một cách nhanh chóng, dễ dàng và đúng quy trình như ở Quảng Nam, Hậu Giang… làm dư luận quá quen với cụm từ “con ông cháu cha” hay “bổ nhiệm người nhà hơn là người tài”...
Và có một thực tế đáng buồn, đó là thời gian qua, không ít cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, cùng có xuất phát điểm là “con ông cháu cha”, được kỳ vọng là những “hạt giống đỏ” của đất nước nhưng bị “chín ép” do được đẩy lên quá nhanh, quá thần tốc, quá bất ngờ và quá bất thường khiến sự nghiệp chính trị của họ có khi dang dở. Bên cạnh đó cũng có trường hợp được bổ nhiệm nhưng không đủ tiêu chuẩn, không đúng quy trình, có dấu hiệu “nâng đỡ không trong sáng” được dư luận, báo chí phát hiện và phải nhận kết cục buồn.
Sau những lùm xùm, bê bối về “quan lộ thần tốc” của một số “con ông cháu cha” trong những năm qua, dư luận lại một lần nữa băn khoăn, lo ngại về việc lựa chọn, bổ nhiệm người trẻ là hoàn toàn có lý do với quan niệm “khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”. Đó cũng chính là nguyên do chính khiến mỗi khi có một cán bộ trẻ nào được cất nhắc, bổ nhiệm, nhiều người buột miệng đặt câu hỏi: “Đồng chí này là con của đồng chí nào?”.
Ấy thế nhưng, đâu phải cứ “con quan”, “cán bộ trẻ” thì đều cậy quyền, dựa thế, không có đóng góp cho đất nước? Đâu phải, cứ là nhân tố trẻ thì chỉ có thể thăng tiến thần tốc không trong sáng?
Bởi sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, phát hiện, lựa chọn cán bộ là khâu đầu tiên và rất quan trọng. Đó là “khâu chọn giống” như là người làm vườn chọn giống cây, “nếu giống tốt ắt cây sẽ tốt”. Trong thực tế nhiều hiền tài của đất nước đã phát triển vượt bậc làm nên lịch sử đúng như câu nói: “tài không đợi tuổi”. Đó là các đồng chí Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư năm mới có 26 tuổi; đồng chí Võ Nguyên Giáp là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ở tuổi 35 và được phong hàm Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ở tuổi 37...
Chưa hết, qua 90 năm xây dựng và trưởng thành, trải qua 12 kỳ Đại hội Đảng, nhiều cán bộ trẻ đã được cất nhắc, trọng dụng và trưởng thành. Đơn cử như tại Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, đã có nhiều cuộc luân chuyển, bổ nhiệm, cất nhắc và trong số đó, nhiều kỷ lục đã bị phá vỡ về độ “trẻ hóa” cán bộ.
Nếu như ở Đại hội Đảng trực thuộc Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất được xác định là ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp 42 tuổi thì mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã “mạnh dạn” bổ nhiệm một Thứ trưởng 37 tuổi. Đó là ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng trẻ nhất hiện nay trong Chính phủ. Đây là một người được đào tạo bài bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, có những sản phẩm thực tiễn góp phần hoạch định chính sách trong thời đại 4.0, được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong công tác cán bộ.
Có thể nói, trẻ hóa cán bộ là xu hướng tất yếu, là đòi hỏi của thực tiễn. Trước những diễn biến nhanh chóng, khó lường, những thách thức truyền thống và phi truyền thống, chúng ta đang cần một đội ngũ cán bộ kế cận vừa có tài năng, vừa có bản lĩnh. Dứt khoát, họ phải được đào tạo bài bản, bố trí đúng nơi, đúng chỗ, bắt nhịp nhanh với xu hướng mới, nếu không sẽ lãng phí tài năng.
Đó cũng chính là lý do ở nhiệm kỳ 2020-2025, có 27 bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy thuộc thế hệ 7X, chiếm 43% số cán bộ lãnh đạo cao nhất ở các địa phương. Nhiều người được điều động đến công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đó là môi trường tốt nhất để họ rèn luyện, cống hiến và thể hiện tài năng. Dù không sinh ra và trưởng thành trong thời chiến nhưng Trung ương đã mạnh dạn, tin tưởng họ, trao cho họ cơ hội để rèn luyện trong điều kiện hòa bình mà ở đó, nhiều nhiệm vụ, nhiều thử thách cũng rất cam go, khó nhọc...
Đó cũng là lý do khi đề cập công tác cán bộ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói rằng: Phải làm sao lựa chọn được những cán bộ vừa có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, vừa có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược, có cả đức và tài. Người lãnh đạo cao nhất đất nước cũng nhấn mạnh yếu tố “công tâm, khách quan” khi giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ.
Mạnh dạn sử dụng và trao quyền cho người trẻ nếu họ thực tài. Tuy nhiên, người giới thiệu thực sự công tâm, khách quan, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, lợi ích dòng họ, lợi ích nhóm, thì khi đó, dư luận mới yên tâm về một đội ngũ cán bộ kế cận xứng đáng. Và khi đó, những người trẻ được bổ nhiệm giao quyền sẽ được đặt đúng vị trí, được “cầm cờ” sẽ tạo ra “luồng gió mới”, kích thích khả năng sáng tạo trong công việc, khai mở tư duy dám nghĩ, dám làm, vượt qua những khuôn khổ, giới hạn cứng nhắc vô hình… để đổi mới, tạo những bứt phá… nhằm phục vụ cho sự nghiệp chung, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước./.
Nam Khánh