(ĐHXIII) - Một nội dung quan trọng được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thực hiện tại buổi tiếp xúc cử tri tại Đại học Quy Nhơn, Bình Định là giải đáp các câu hỏi, vướng mắc, kiến nghị của cử tri. Dù chỉ trong một thời gian ngắn nhưng hầu hết các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc trường Đại học Quy Nhơn đã được giải đáp hết sức cặn kẽ, thấu đáo.
Đổi mới cách thức đào tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường
Nhiều câu hỏi được gửi đến Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc như: kiến nghị miễn tiền thuê đất cho Trung tâm Khoa học và Giáo dục liên ngành của giáo sư Trần Thanh Vân; thực hiện danh mục các công trình công nghệ cao theo Quyết định số 38 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách cải cách tiền lương để giáo viên đủ sống bằng tiền lương của mình; tự chủ đại học; đầu tư của nhà nước để nâng cao chất lượng giáo viên…
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói chuyện với sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn bên lề Hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với các ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026. (Ảnh: M.T)
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ trưởng cho biết, liên quan đến việc lập quy hoạch mạng lưới giáo dục, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 209/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục Đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050.
“Vấn đề đặt ra là đưa vào kế hoạch giáo dục những lĩnh vực gì, đây là vấn đề vĩ mô khó, nhưng trường Đại học Quy Nhơn là 1 trong 4 trường lớn của khu vực, đào tạo đa ngành nghề, có 16 khoa và 39 ngành, với gần 45 năm phát triển sẽ là tiền đề rất quan trọng. Trong nền kinh tế thị trường, những sản phẩm đào tạo của chúng ta có được thị trường chấp nhận hay không phụ thuộc vào sự chuyên nghiệp, phục vụ đúng nhu cầu thị trường cần. Đào tạo gì, ai học, học xong có việc làm hay không vẫn là những bài toán cần phải có lời giải”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, mấu chốt vẫn là đào tạo gắn lý thuyết với thực hành và bám sát thực tiễn. Với những ngành nghề thị trường cần thì tăng số lượng đào tạo và ngược lại. Bên cạnh đó, cần đổi mới cách thức đào tạo, như vậy sẽ đào tạo được học sinh giỏi, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Về câu hỏi liên quan đến miễn tiền thuê đất cho Trung tâm Khoa học và Giáo dục liên ngành của giáo sư Trần Thanh Vân, Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đề xuất miễn tiền thuê đất cho dự án Trung tâm này đến năm 2020. Còn trong thời gian tới, cần phải đánh giá lại, đề xuất miễn tiền thuê đất 50 năm là có đủ điều kiện và phù hợp hay không. Nếu có lợi cho đất nước, cho cộng đồng, có đột phá trong tư duy đào tạo, thì sẽ có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ. Do đó, 3 bộ liên quan là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính cần ngồi lại để có đánh giá cụ thể.
Tự chủ đại học, không thể mãi trông chờ vào ngân sách
Liên quan đến Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, để được hỗ trợ kinh phí, các trường đại học phải xây dựng Đề án chi tiết về đào tạo, bồi dưỡng giảng viên để triển khai thực hiện. Trong đó, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng giảng viên thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn, kinh tế số, trong đó nhất là các ngành công nghệ cao theo quyết định này. “Bộ Tài chính trong xây dựng dự toán năm 2022, sẽ đưa vào danh mục chi cho khoa học công nghệ theo quyết định này”, Bộ trưởng cho biết.
Sinh viên Đại học Quy Nhơn đặt câu hỏi với Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc
và các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội tại Hội nghị
Về câu hỏi chính sách cải cách tiền lương để giáo viên đủ sống bằng tiền lương của mình, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Nghị quyết số 27-NQ/TW đã quy định cụ thể về vấn đề này. Dự toán chi lương cho giáo viên năm sau luôn cao hơn năm trước, đến năm 2024 là 120 nghìn tỷ đồng; năm 2025 là khoảng 150 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đồng tình cho rằng, mặc dù ngân sách đã bố trí nguồn chi nhưng lương cho giáo viên không phải là cao, muốn tăng mức sống cho cán bộ giáo viên, cần phải cải cách hành chính, cải cách bộ máy để tiết kiệm có nguồn chi cho người lao động.
“Năm 2022, cải cách tiền lương, xếp bảng lương mới theo chế độ đào tạo, theo chức vụ và vị trí việc làm, để thu nhập tăng lên. Tuy nhiên, cần sự đột phá mạnh mẽ và cần thiết phải có nguồn lực thực hiện”, người đứng đầu ngành Tài chính chia sẻ thêm.
Về tự chủ đại học, theo Bộ trưởng, nếu như trông chờ vào ngân sách thì không thể đổi mới được. Bộ Tài chính đã xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập, để giải quyết những bất cập hiện nay.
Câu chuyện đầu ra cho sinh viên sư phạm, theo người đứng đầu ngành Tài chính, cần xác định đào tạo theo cơ chế đào tạo- đặt hàng; cân đối lại tỷ lệ giáo viên và nhu cầu. Ngoài ra, vấn đề cốt lõi đó là muốn giải quyết việc làm cho sinh viên, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương, thu hút đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, từ đó sẽ giải quyết việc làm cho người lao động.
Đối với câu hỏi về thị trường chứng khoán, theo Bộ trưởng, thời gian qua đã có mức tăng trưởng vượt bậc, lượng giao dịch tăng lên 3 lần, tuy nhiên có giai đoạn bị tắc nghẽn lệnh, đến nay đã được giải quyết. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung giải quyết những vấn đề còn tồn tại, thực hiện theo luật để thị trường đảm bảo công khai, minh bạch và an toàn. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm, tránh thao túng và làm giá trên thị trường chứng khoán; phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế; tiếp tục thực hiện các giải pháp làm lành mạnh hóa thị trường tài chính…/.
Bài, ảnh: M.P - M.T