(ĐHXIII) – Những người được giới thiệu vào danh sách ứng cử viên là những người đã trải qua quy trình khá kỹ lưỡng, đã đạt tiêu chuẩn pháp luật đề ra.
Tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân là rõ ràng và theo quy định có tính định tính nhưng khi lựa chọn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân lại là định lượng chỉ có số ứng cử viên cụ thể được lựa chọn làm người đại diện cho dân trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Vậy làm thế nào để cử tri lựa chọn được người xứng đáng nhất trong những người xứng đáng?
Về vấn đề này, chia sẻ tại Tọa đàm với chủ đề "Ngày hội toàn dân- Bầu cử an toàn, dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật" do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 18/5, TS Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, tiêu chuẩn đề ra cho ứng cử viên đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân là quy định mà quy trình Hiệp thương lựa chọn từ các cơ quan tổ chức được quyền giới thiệu, đối chiếu với các tiêu chuẩn. Sau khi giới thiệu sẽ lấy phiếu tín nhiệm ở cơ quan nơi làm việc, nơi cư trú, tiếp đó qua hai vòng hiệp thương. Căn cứ vào các tiêu chuẩn, trong quá trình Hiệp thương lựa chọn để lựa chọn người vào danh sách ứng cử viên. Do đó, những người được giới thiệu vào danh sách ứng cử viên là những người đã trải qua quy trình khá kỹ lưỡng, đã đạt tiêu chuẩn pháp luật đề ra.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ tại tọa đàm
|
Trên cơ sở đó, cử tri cần tìm hiểu thêm thông tin, giữa các ứng cử viên mà tiêu chuẩn đã được xem xét, giới thiệu để chọn ứng cử viên giỏi hơn, tốt hơn, đức độ hơn.
Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, điều quan trọng là lựa chọn thông tin. Ông nêu rõ, có 2 cách lựa chọn, thứ nhất lựa chọn cảm tính, nhìn mặt mà bắt hình dong, nhìn cư xử, cảm giác đầu tiên nhìn thấy đó là con người tử tế. “Nhiều khi lựa chọn như vậy cũng khá chính xác, là một cách” – ông nói.
Cách thứ hai là tìm hiểu thông tin cho đầy đủ. Thiên vào cách thứ 2, ông nói thêm cảm tính thì mắc sai lầm nhiều hơn là khi có được thông tin. Muốn có thông tin, tốt nhất là tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri. Đây là nguồn thông tin quan trọng nhất, nhưng thực tế không phải người nào cũng có điều kiện tham gia. Hiện tại có các cuộc tiếp xúc cử tri trực tuyến, nếu mình kết nối được, nghe ứng cử viên nói, cảm nhận nhiều hơn, bằng các kinh nghiệm, có thể xác lập được thông tin nhiều hơn.
Ngoài ra, cử tri có thể tìm hiểu thông tin về ứng cử viên trên mạng, nhiều phương tiện truyền thông đưa chương trình hành động. Cách thể hiện, cách diễn đạt ở đó thể hiện nhiều nhiều điều về các ứng cử viên. Qua nguồn tin này, chúng ta cũng có khá nhiều thông tin về ứng cử viên.
Cùng với đó, theo ông, cử tri có thể tìm hiểu ứng cử viên qua tiểu sử tóm tắt. Ông ví dụ, “tôi ở Hà Nội, tiểu sử tóm tắt được gửi tới từng gia đình, tiểu sử của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, ứng cử viên HĐND thành phố, ứng cử viên HĐND quận. Đấy cũng là nguồn thông tin dễ tiếp cận nhất”.
Còn nếu ở những địa phương không gửi đến như vậy, thì ở khu vực bầu cử luôn có dán tiểu sử của ứng cử viên, cử tri có thể tìm hiểu để có thêm thông tin.
“Cử tri càng có nhiều thông tin thì càng có sự lựa chọn chính xác nhất trong khả năng của mình” – ông nhấn mạnh./.
Minh Thư