Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng...
đã giúp cho Lạc Dương luôn duy trì và tăng diện tích phủ xanh đồi trọc.. (Ảnh: K.V)
Huyện Lạc Dương có diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch lớn so với tổng diện tích tự nhiên (116.292 ha/131.136 ha), do đó, việc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Để góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Ban Thường vụ Huyện ủy Lạc Dương đã ban hành Nghị quyết số 02 của Huyện ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn”. Công tác nêu trên được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.
Theo Huyện ủy Lạc Dương, để góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành chuyên môn tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân các văn bản, quy định của Đảng và Nhà nước về hoạt động lâm nghiệp bằng nhiều hình thức tuyên truyền, nội dung cụ thể, dễ hiểu, tần suất thường xuyên, liên tục. Đồng thời, triển khai cho các hộ dân quản lý bảo vệ rừng cam kết không vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Do đó, duy trì tốt tỷ lệ che phủ rừng tại huyện đạt 85% trên tổng diện tích tự nhiên (tăng 1% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 02 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra).
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên chỉ đạo việc triển khai các giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Hàng tuần, lãnh đạo từ cấp huyện đến cấp xã đều có lịch phân công và thực hiện đi tuần tra, kiểm tra rừng định kỳ, đều đặn, có báo cáo kết quả định kỳ hàng tháng với UBND tỉnh. Việc ký giáp ranh giữa đất đang sản xuất nông nghiệp với đất lâm nghiệp được mạnh dạn đưa vào tiên phong thí điểm thực hiện trên địa bàn huyện đối với diện tích trong lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim đã đạt hiệu quả tốt; từ đó, nhân rộng ra các đơn vị chủ rừng khác trên địa bàn, góp phần hạn chế việc lấn chiếm thêm tại các hộ giáp ranh đã ký cam kết. Việc giao khoán quản lý, bảo vệ rừng được ký tới từng hộ nhận khoán và các hộ thành lập các tổ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng để cùng nhau phối hợp trong công tác tuần tra, quản lý bảo vệ cũng như phòng cháy chữa cháy rừng. Đồng thời, kiên quyết trừ tiền nhận khoán hay thanh lý hợp đồng nhận khoán đối các hộ nhận khoán vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã tạo được sự đồng thuận, tính răn đe, giáo dục cao.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn huyện xảy ra 370 vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, giảm 494 vụ so với giai đoạn 2011 - 2015; diện tích rừng bị thiệt hại 23,978 ha, giảm 92,805 ha so với giai đoạn 2011 - 2015. Tỷ lệ giảm số vụ vi phạm bình quân trong 5 năm đạt 14,75%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết 02 đề ra (10%/năm). Công tác giải tỏa lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép đã thực hiện được 179,43 ha, diện tích sau giải tỏa giao chủ rừng quản lý, sử dụng đúng quy định và tiến hành trồng rừng trên đất đã giải tỏa với diện tích 36,28 ha. Công tác trồng mới, phục hồi sau giải tỏa được quan tâm chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả với diện tích 357,81 ha và trồng 16.903 cây các loại, đạt 100% kế hoạch đề ra, tỷ lệ cây sống đạt yêu cầu so với quy trình kỹ thuật. Công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng với diện tích, số tiền giao khoán cho người dân và các đơn vị tập thể tiếp tục tăng. Đến năm 2020, tổng diện tích giao khoán quản lý, bảo vệ rừng 107.542 ha, hiện đang giao khoán cho 3.133 hộ dân và 12 đơn vị tập thể (so với năm 2016, diện tích giao khoán tăng 9.731 ha và số hộ được nhận khoán tăng 190 hộ). Số tiền, đơn giá khoán bảo vệ rừng tiếp tục tăng, từ 450 ngàn đồng/ha (năm 2016) tăng lên 600 ngàn đồng/ha (năm 2020), bình quân mỗi hộ dân được nhận khoán từ 25-30 ha, thu nhập của mỗi hộ nhận khoán bảo vệ rừng từ 18 triệu đồng trở lên/năm. Công tác đấu tranh, ngăn chặn và xử lý tình trạng di dân tự do được thực hiện thường xuyên, không để xảy ra điểm nóng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn huyện hiện có 40 dự án/39 doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng, với tổng diện tích gần 4.193 ha để thực hiện dự án đầu tư quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng kinh tế, sản xuất nông nghiệp, du lịch sinh thái, nuôi cá nước lạnh… đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đối với công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trong giai đoạn 2016 - 2020 đã tiến hành 80 đợt kiểm tra, giải tỏa các điểm khai thác khoáng sản trái pháp luật, xử lý tại chỗ nhiều tang vật, phương tiện dùng để khai thác khoáng sản. Đồng thời, thực hiện 23 đợt kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản. Qua đó, xử phạt vi phạm hành chính đối với 26 vụ vi phạm với số tiền xử phạt hơn 200 triệu đồng. Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Lạc Dương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Do đó, Huyện ủy Lạc Dương cho biết trong thời gian tới sẽ ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 02, tiếp tục triển khai tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn huyện./..
Việt Hùng