Nhiều hình thức sáng tạo, điểm mới chỉ kỳ bầu cử này mới có
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ)Việt Nam Ngô Sách Thực.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ)Việt Nam Ngô Sách Thực.

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Ngô Sách Thực khi trao đổi với báo giới về vai trò của Mặt trận đối với việc chuẩn bị bầu cử trong bối cảnh ứng phó phù hợp với những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trong điều kiện chỉ còn 6 ngày nữa cử tri và nhân dân cả nước sẽ cầm lá phiếu của mình để chọn ra những người tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, có tâm, có tầm, xứng đáng đại diện cho nhân dân tham gia vào Quốc hội và HĐND các cấp.

PV: Xin đồng chí cho biết tiến độ triển khai các công tác để chuẩn bị cho ngày bầu cử 23/5 sắp tới đến thời điểm này?

Đồng chí Ngô Sách Thực: Công tác chỉ đạo để chuẩn bị cho cuộc bầu cử kỳ này có một số điểm mới và đã được triển khai sớm nên các địa phương tiến hành rất tích cực. Đến thời điểm này, chúng tôi thấy các công việc liên quan chuẩn bị cho công tác bầu cử đã đạt được tiến độ theo các mục đích đề ra trước ngày 23/5.

Theo đó, việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử các cấp đã được thực hiện đúng thời gian, đúng quy định, với thành phần khá rộng; đồng thời việc tổ chức hiệp thương ba bước đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt dân chủ rất sâu rộng để lựa chọn, giới thiệu người ứng cử. Qua ba vòng hiệp thương đã giới thiệu được những người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng như đại biểu HĐND các cấp với đủ tiêu chuẩn, đủ số dư theo quy định của pháp luật về bầu cử.

Việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác và nơi cư trú đã cho thấy có những người đạt tín nhiệm rất cao, song cũng có những người mức độ tín nhiệm không đạt trên 50%; lại có người được đưa vào danh sách tuy không đạt tín nhiệm 100% nhưng vẫn đạt đầy đủ tiêu chuẩn và các yêu cầu. Những điều đó cho thấy không khí dân chủ trong quá trình lựa chọn các ứng cử viên, qua đó góp phần để cuộc bầu cử đạt kết quả cao nhất.

Bên cạnh đó, chúng ta còn tổ chức cho những người ứng cử vận động bầu cử. Dù trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc vận động bầu cử vẫn được tích cực triển khai bằng hình thức hội nghị và đặc biệt là thông qua các hình thức thông tin đại chúng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, chúng ta đã có nhiều sáng tạo. Đây là những điểm rất mới mà chỉ có mùa này mới có, các kỳ bầu cử khác chưa thực hiện được.

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, danh sách trích ngang của các ứng viên tại các đơn vị bầu cử được gửi đến các hộ gia đình. Đây là cách thức tác động mới để người dân có thể tự do tìm hiểu. Ngoài ra, các bài trả lời phỏng vấn, chương trình hành động của ứng cử viên cũng được đăng tải trên báo, đài địa phương nơi ứng viên ứng cử cùng một số nội dung khác liên quan đến công tác chuẩn bị bầu cử; việc tổ chức tập huấn cho hệ thống Ủy ban bầu cử các cấp, đặc biệt là tập huấn đối với tổ bầu cử.

Hiện nay, các tổ bầu cử trên toàn quốc đã được tập huấn sâu hơn về những nội dung mới liên quan đến tình hình dịch COVID-19 và cách thức triển khai bầu cử phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt là đối với những nơi như khu cách ly, khu tập trung đông người.

Như vậy, trong các tình huống và những địa điểm như bình thường, chúng ta phải thực hiện quy định 5K và có giãn cách. Việc chuẩn bị địa điểm bỏ phiếu, tổ bầu cử và sẵn sàng thay thế người trong tổ bầu cử có thể bị mắc COVID-19 là những tình huống cần được lường trước; có tổ bầu cử lưu động tới từng nhà đối với những hộ đang cách ly tại gia đình; hoặc đối với khu cách ly tập trung đông người hay những địa bàn đang bị phong tỏa do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì ngay tại đó có thể quyết định thành lập tổ bầu cử... Với những sự thay đổi, cử tri phải được chủ động hướng dẫn cách thức bầu cử ngay từ đầu để chúng ta có sự ứng phó linh hoạt.

PV: MTTQ Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng thế nào cho công tác bầu cử, thưa đồng chí?

Đồng chí Ngô Sách Thực: Đến thời điểm này, hệ thống Mặt trận các cấp đã và đang thực hiện tốt 5 trách nhiệm mà pháp luật quy định trong bầu cử. Theo đó, thứ nhất là đã cử các thành viên của mình tham gia vào tổ chức phụ trách bầu cử các cấp, hoạt động với tinh thần trách nhiệm rất cao.

Thứ hai là tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để làm tốt công tác tuyên truyền; đồng thời thông qua các kênh của mình, tức là các thành viên của mình, các tổ chức thành viên của mình, người tiêu biểu của mình từ Trung ương đến khu dân cư thì cũng tham gia thông tin để tuyên truyền, vận động nhân dân để về ngày bầu cử và biết về việc tổ chức cho những người ứng cử.

Quang cảnh Hội nghị hiệp thương lần 3 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Quang cảnh Hội nghị hiệp thương lần 3 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.


Thứ ba nữa là trách nhiệm Mặt trận đã tổ chức tốt và thành công ba Hội nghị hiệp thương: Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, số lượng, thành phần; hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ và hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người có đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

Nội dung thứ tư nữa là chúng tôi tổ chức tốt các hội nghị cử tri. Theo đó, trong khoảng thời gian từ Hội nghị hiệp thương lần thứ hai đến Hội nghị hiệp thương lần thứ ba diễn ra hội nghị cử tri nơi công tác và hội nghị cử tri nơi cư trú. Phải nói đây là đợt sinh hoạt sâu rộng với sự tham gia đông đủ của các cử tri nơi công tác và nơi cư trú. Tại Hội nghị, mỗi người có thể bày tỏ nhận xét và tín nhiệm của mình, với hình thức có nơi bằng hình thức biểu quyết giơ tay, có nơi thì bằng hình thức bỏ phiếu kín. Điều này thể hiện sự dân chủ so với các kỳ trước và việc lựa chọn được những người xứng đáng vào danh sách người ứng cử cũng là hình thức thực hiện thật sự dân chủ trong xã hội.

Đặc biệt, sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, Mặt trận các cấp đã phối hợp để tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người được giới thiệu ứng cử về các đơn vị bầu cử để vận động bầu cử. Tại địa phương, hiện nay, mỗi ứng cử viên đã và đang tích cực triển khai và hoàn thành trước ngày bầu cử 24 giờ.

Nội dung thứ năm mà Mặt trận đã và đang triển khai là thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát công tác bầu cử. Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Bầu cử Quốc gia để thành lập đoàn giám sát đợt 1, đợt 2 và sẽ hoàn thành trước ngày 20/5/2021; đồng thời MTTQ các cấp cũng thực hiện nhiệm vụ giám sát của mình và thông tin báo cáo về Mặt trận trung ương.

Qua giám sát chúng tôi đã có kiến nghị kịp thời ngay với các tổ chức phụ trách bầu cử để khắc phục những vấn đề mà địa phương triển khai chưa đúng theo quy trình và cần khắc phục ngay. Bên cạnh đó, qua công tác giám sát, nhận thấy cần bổ sung hướng dẫn nội dung gì thì chúng tôi cũng đã có kiến nghị kịp thời đến các cấp để có hướng dẫn về bổ sung, đặc biệt là đối với Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

Nhất là trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới việc vận động bầu cử, tổ chức bầu cử tại các điểm bỏ phiếu là những nội dung rất cần hướng dẫn; hoặc nội dung hướng dẫn liên quan đến việc lập danh sách cử tri rồi bỏ phiếu ở nơi khu cách ly tập trung thì như thế nào... Những nội dung này đều được phản ánh và có chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời.

PV: Thưa đồng chí, trong tình hình hiện nay, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã triển khai những giải pháp, công việc như thế nào để vừa ứng phó với dịch COVID-19, vừa đảm bảo và chuẩn bị cho cuộc bầu cử diễn ra thành công, an toàn?

Đồng chí Ngô Sách Thực: Ngày 13/4, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã ban hành văn bản số 234/HĐBCQG-TBVBPLTTTT về hướng dẫn việc lập danh sách cử tri và phương án thực hiện bỏ phiếu đối với các trường hợp đang cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 và tại các địa phương có dịch bệnh, trong đó có hướng dẫn về việc tổ chức bỏ phiếu ở các địa điểm. Những nội dung này đã được các địa phương từng bước triển khai. Cùng với đó, MTTQ và các cơ quan theo thẩm quyền, nhiệm vụ của mình đều có những nội dung hướng dẫn về bầu cử.

Cùng với đó, ngày 8/5/2021, thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến ký ban hành công văn số 2343/MTTW-BTT về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó nêu rõ, Mặt trận các cấp chủ động phối hợp để tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp phù hợp với tình hình thực tế. Địa phương nào có dịch phải thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Chính phủ và ngành y tế; vận động cử tri thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch khi đi bầu cử đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, giữ khoảng cách an toàn, tránh đi bầu cử tập trung vào cùng một thời điểm dẫn đến đông người làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Ngày 15/5/2021, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng bầu cử Quốc gia cũng ban hành công văn số 684/HĐBCQG-TBVBPLTTTT đề cập đến một số nội dung tiếp tục lưu ý trong quá trình tổ chức bầu cử. Công văn cũng nêu rõ việc thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội, cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19 tại một số địa phương thời gian qua đã dẫn đến biến động khá lớn về danh sách cử tri của một số khu vực bỏ phiếu. Đối với các khu vực bỏ phiếu có số lượng cử tri tăng thêm lớn, đề nghị địa phương thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản số 225/VPHĐBCQG-PL ngày 11/5/2021 của Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia.

Đối với các khu vực bỏ phiếu có số lượng cử tri giảm nhiều so với thời điểm lập danh sách cử tri đến mức ít hơn số lượng cử tri tối thiểu để thành lập khu vực bỏ phiếu theo quy định thì căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế của địa phương, UBND cấp xã quyết định vẫn tiếp tục duy trì khu vực bỏ phiếu đó để tiến hành việc bỏ phiếu bình thường (dự phòng trường hợp cử tri đã đăng ký trong danh sách cử tri quay trở lại khu vực bỏ phiếu trước ngày bầu cử) hoặc quyết định giải thể khu vực bỏ phiếu và Tổ bầu cử ở khu vực bỏ phiếu đó để ghép chung vào khu vực bỏ phiếu khác liền kề trong cùng đơn vị bầu cử, bảo đảm thuận tiện cho cử tri và phù hợp với năng lực của tổ chức phụ trách bầu cử trên địa bàn...

Công văn cũng nêu rõ, căn cứ vào quy mô, số lượng cử tri ở từng khu vực bỏ phiếu và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ở địa phương, UBND cấp xã và Tổ bầu cử xây dựng kế hoạch, lịch trình bỏ phiếu để chủ động điều tiết, phân chia thời gian bỏ phiếu của cử tri ở từng thôn, tổ dân phố, cụm dân cư, nhóm hộ gia đình... và thông báo rộng rãi cho cử tri thuộc khu vực bỏ phiếu biết, bảo đảm tại cùng một thời điểm trong ngày bầu cử không tập trung quá đông người ở phòng bỏ phiếu.

Nội dung các công văn cũng quy định rõ, ở những địa phương có trạng thái bình thường thì nơi bỏ phiếu vẫn phải thực hiện quy định 5K, đảm bảo các yêu cầu về khẩu trang, khử khuẩn, giãn cách..., đồng thời có sự hướng dẫn của ngành Y tế trên địa bàn. Ủy ban bầu cử các cấp đã có bổ sung phương án ứng phó cụ thể về các tình huống khi có dịch vào kế hoạch, còn trong trạng thái bình thường, chúng ta vẫn phải thực hiện giãn cách.

Ở mỗi điểm bầu cử cần sắp xếp lối ra, lối vào khác nhau và có cán bộ y tế kiểm tra, đo thân nhiệt. Bàn để ghi phiếu cũng phải có khoảng cách và cử tri sẽ được thông báo, hướng dẫn về giờ giấc đến bầu cử để tránh tập trung quá đông người cùng lúc. Như vậy là chúng ta sẽ đảm bảo thực hiện được các biện pháp phòng, chống dịch trong trạng thái bình thường mới.

Phương án thứ hai là sẽ hình thành tổ bầu cử lưu động để tạo điều kiện cho những người đang cách ly tại nhà thực hiện quyền cử tri. Tổ bầu cử lưu động sẽ đem hòm phiếu riêng đến từng hộ gia đình, hộ gia đình đó thả phiếu vào thùng phiếu, vẫn bảo đảm được công tác phòng, chống dịch. Phiếu và hòm phiếu sẽ được phun khử khuẩn và kiểm phiếu theo quy trình về phòng, chống dịch.

Đối với những cơ sở cách ly tập trung đông người và các bệnh viện đang cách ly, Ủy ban bầu cử cấp thì có thể thành lập thêm tổ bầu cử, có hòm phiếu và thực hiện quy trình bầu cử đầy đủ như đã hướng dẫn. Việc kiểm phiếu cũng tiến hành luôn trong khu cách ly tập trung, việc này cũng đã có hướng dẫn.

Đặc biệt, trong công tác chuẩn bị tổ chức cho ngày bầu cử và thực hiện phòng, chống dịch, yếu tố quan trọng nhất hiện nay là tổ bầu cử, làm thế nào để kiện toàn, tập huấn cho tổ bầu cử một cách tốt nhất. Hiện nay rất nhiều địa phương đã tổ chức tập huấn cho các tổ bầu cử, ở nhiều nơi thậm chí đã tập huấn được hai lần. Nhưng theo tôi việc tập huấn cho những tình huống phòng, chống dịch vẫn cần được tiếp tục quan tâm hơn. Một số địa phương hiện nay có tổ chức những nội dung tập huấn này bằng hình thức trực tuyến rất tốt, đạt được mục đích giúp tổ bầu cử hiểu được đúng nhiệm vụ của mình và tích cực thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm phục vụ tốt nhất cho cử tri yên tâm đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử.

PV: MTTQ các cấp đã phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để tuyên truyền, thực hiện công tác bầu cử ở những nơi xa xôi như biên giới, hải đảo như thế nào để đạt được kết quả là 100% cử tri đi bỏ phiếu, thưa đồng chí?

Đồng chí Ngô Sách Thực: Biên giới, hải đảo và những địa bàn xa xôi là những nơi rất khó khăn trong công tác bầu cử. Công tác tuyên truyền là trách nhiệm chung, nhưng đối với MTTQ, chúng tôi có hai kênh rất quan trọng: thông qua đội ngũ cán bộ Mặt trận và thông qua các tổ chức thành viên của mình. Mỗi Ban Công tác Mặt trận khu dân cư đều có Trưởng ban và các thành viên gồm từ 7 đến 15 người. Thông qua hệ thống này, thông tin sẽ đến được trực tiếp với người dân, đặc biệt là với những vùng biên giới, hải đảo, việc tuyên truyền, thông tin trực tiếp này rất được chú trọng. Đồng thời, Mặt trận các cấp cũng phối hợp với các cơ quan để thông tin qua các kênh thông tin đại chúng, thông tin điện tử.

Công tác kiểm tra bầu cử đang được các địa phương trên cả nước triển khai nghiêm túc, đúng trách nhiệm, thành phần...

Công tác kiểm tra bầu cử đang được các địa phương trên cả nước triển khai nghiêm túc, đúng trách nhiệm, thành phần...


Nội dung tuyên truyền này càng được quan tâm thực hiện hơn ở những nơi bỏ phiếu sớm. Theo đề nghị của 15 tỉnh và Ủy ban bầu cử cấp tỉnh tại các địa phương đó, chúng ta có một số điểm bỏ phiếu sớm, như đối với Bà Rịa - Vũng Tàu có 5 điểm bỏ phiếu sớm; Trường Sa có 20 điểm bỏ phiếu sớm; một số điểm của Cà Mau, Kiên Giang đều bỏ phiếu trước 2 ngày; hoặc đối với huyện đảo Bạch Long Vĩ của thành phố Hải Phòng là trước 1 ngày... Các địa phương này đều có cán bộ Mặt trận. Cán bộ Mặt trận và đại diện các tổ chức thành viên của Mặt trận sẽ có sự phối hợp với các cơ quan; gắn bó chặt chẽ với người dân, thông tin đến người dân để người dân tích cực thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ tham gia bầu cử.

PV: Đồng chí có kỳ vọng gì vào đội ngũ cũng như chất lượng ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp kỳ này?

Đồng chí Ngô Sách Thực: Tôi tin tưởng rằng qua các vòng hiệp thương, qua sự lựa chọn, giới thiệu cũng như việc tự ứng cử và tôn trọng quyền ứng cử của công dân, những người được bầu làm ĐBQH và đại biểu HĐND kỳ này sẽ là những người có đủ tiêu chuẩn, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao hiện nay, góp phần vào việc thực hiện yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Chất lượng đại biểu chính là yếu tố quyết định cho vấn đề này. Với sự sáng suốt lựa chọn qua các quy trình bầu cử công khai, dân chủ, qua ngày bầu cử cuối cùng vào ngày 23/5, nhân dân sẽ là người quyết định những ai trúng cử trong đợt bầu cử lần này.

Tôi tin tưởng những người trúng cử sẽ phát huy vai trò, niềm tin của người dân, tiếp tục phấn đấu, thể hiện và làm tròn trách nhiệm, nhiệm vụ của người đại biểu gắn bó với cử tri; đồng thời tiêu biểu cho tâm tư, nguyện vọng, trí tuệ, khát vọng vươn lên của dân tộc để góp phần đưa đất nước phát triển theo mục tiêu đã đặt ra trong thời gian tới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Phản hồi

Các tin khác