Câu chuyện của người “bắt” virus Corona
Thượng tá, PGS.TS Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự. (Ảnh:TH)

Thượng tá, PGS.TS Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự. (Ảnh:TH)

Thượng tá Hồ Anh Sơn chia sẻ, khi bước vào năm 2020, một năm với rất nhiều ngày kỷ niệm lớn của đất nước, lại khởi đầu bằng thách thức đại dịch COVID-19. Cùng với cả nước, những nhà khoa học mặc áo lính của Học viên Quân y đã tham gia chống dịch với quyết tâm cao nhất theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Chính phủ.

Với tinh thần coi COVID-19 là kẻ thù của nhân dân, nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y khi chính thức nhận nhiệm vụ, trong nhóm giao mỗi người mỗi việc. Thiếu tá.TS Hoàng Xuân Sử (Trưởng phòng Vi sinh và Các mầm bệnh sinh học) phụ trách kỹ thuật thiết kế quy trình, mồi, probe, giám sát kết quả, liên hệ đối tác, đặt/xin sinh phẩm, hóa chất nước ngoài; Đại úy.TS Đinh Thị Thu Hằng (nghiên cứu viên Phòng Vi sinh và Các mầm bệnh sinh học) trực tiếp thực hiện kỹ thuật, hướng dẫn học viên, đảm bảo quản lý về hành chính cũng như vật tư, hóa chất; các học viên (8 nữ, thạc sĩ, cao học, đại học) trực tiếp thực hiện các kỹ thuật; vòng ngoài là đội đi lấy mẫu (3-4 kỹ thuật viên), liên hệ công tác với các đơn vị chức năng, chuyên môn, chuyên gia và đối tác.

Đáng chú ý, khi TP. Hồ Chí Minh có ca bệnh đầu tiên ở Bệnh viện Chợ Rẫy, không khí trong viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự bị đốt nóng một cách nhanh khủng khiếp. Mọi người tất bật làm việc. Bệnh dịch đã lan tới Việt Nam mà số lượng KIT test rất ít ỏi. Miền Nam, miền Bắc đều có số lượng test quá hạn chế, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung nước ngoài.

Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho nhóm nghiên cứu nhiệm vụ chỉ có 2 tuần để có KIT thử nghiệm và sau một tháng có sản phẩm sử dụng. Thời gian quá gấp rút, anh em trong nhóm phải tăng hiệu suất làm việc lên gấp 3 lần. Thế là họ làm việc quên cả thời gian, có hôm quên ngủ. Anh em trong nhóm sinh hoạt tại chỗ. Nhiều ngày, 20-21h họ vẫn "nhốt mình" trong viện. Công việc nghiên cứu diễn ra từ trước Tết nên anh em trong nhóm gần như không có Tết. Đây là lần đầu tiên có những chuyện như thế. Nhưng chắc vì là quân y, quen với môi trường quân đội nên trong nhóm chẳng ai nề hà.

Anh em trong nhóm nói vui với nhau rằng đây là cuộc chiến “sinh tử cùng cô Vy” vì nếu sai, họ không đủ thời gian làm lại. Chính vì thế, trong quá trình nghiên cứu, nhóm đã phối hợp chặt chẽ với chuyên gia của công ty Việt Á ngay từ những tuần đầu, tạo ra 6 loại KIT, mang sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE) kiểm định. Ở NIHE họ khuyên nhóm chỉ nên chọn ra 3 mẫu tốt nhất để thử, bởi NIHE cũng bộn bề nhiệm vụ chống dịch. Kết quả cả 3 loại đều thành công. Nhưng vì tính chất sản xuất nên công ty Việt Á tập trung sản xuất một loại tốt nhất để nghiệm thu…

“Trước ngày thử nghiệm trên mẫu bệnh phẩm ở Viện NIHE, Giám đốc Học viện Quân y hỏi tôi: "Nếu thử nghiệm trên mẫu bệnh phẩm mà hỏng thì sao, các anh cần bao nhiêu thời gian để sửa lại". Tôi vừa nghiến răng, vừa nói với anh: "Báo cáo Thủ trưởng, chúng tôi chưa từng nghĩ đến tình huống thất bại vì chúng tôi không có cả thời gian để nghĩ đến điều đó. Chúng tôi chỉ nghĩ duy nhất một việc là phải hoàn thành nhiệm vụ. Nếu không thắng trận này, chúng tôi giống như người lính trên chiến trường trúng đạn, không có cơ hội làm lại" – PGS Sơn nhớ lại.

Mặc dù đối mặt với khó khăn, hiểm nguy, nhưng theo Thượng tá Hồ Anh Sơn suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu bộ kit, Học viện Quân y đã nhận được sự hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo, các bộ, ban, ngành. Rất nhiều thủ tục cần được thông qua với thời gian rút ngắn kỷ lục, nhiều chuyên gia và đơn vị được liên hệ, kết nối để làm việc. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh bùng phát, nhóm nghiên cứu đã nhận được sự hỗ trợ tối đa từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Cục Quân y… Cùng với đó là sự hỗ trợ từ các chuyên gia trong và ngoài nước, từ các đơn vị bạn, người thân và gia đình.

"Điều đó là sự động viên vô cùng lớn lao, nhưng cũng là áp lực nặng nề đòi hỏi nhóm nghiên cứu phải hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn. Bởi chúng tôi hiểu, sau lưng mình là đồng chí, đồng bào và người thân. Thật may mắn, trước hẹn 3 ngày chúng tôi là kịp về đích. Và câu chuyện của Học viện Quân y hay công ty Việt Á chỉ là những đại diện của việc toàn đất nước Việt Nam đã tạo ra bộ KIT “made in Vietnam”. Chúng tôi thường nói vui với nhau rằng: "Điều quan trọng làm nên thành công là phía sau bạn có những ai" - Thượng tá Hồ Anh Sơn bộc bạch.

Tất cả những điều đó đã góp phần giúp Thượng tá Hồ Anh Sơn và các đồng nghiệp thành công, đến đích đúng hẹn khi nghiên cứu, chế tạo thành công bộ kit phát hiện vius SARS-CoV-2 trong vòng một tháng kể từ khi nhận nhiệm vụ. Và sự hết mình của anh và đồng nghiệp đã được đền đáp khi Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE) và giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho bộ kít xét nghiệm nhanh COVID-19 của Việt Nam; tiếp đó là WHO cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm bộ kít… Sản phẩm được kiểm định, đăng ký quốc tế, vươn ra khỏi bờ cõi Việt Nam.

“Với tôi, đó là niềm tự hào rất chung, giống như mọi người dân Việt Nam, khi chúng ta có thành tựu gì đó đạt tầm quốc tế. Nếu chỉ có nhóm nghiên cứu, nếu chỉ có Công ty Việt Á, thì khó có thể có được sản phẩm đạt tầm như vậy. Bộ kít đạt tầm quốc tế là sự hòa quyện một cách tinh tế giữa tri thức và quản lý khoa học” - PGS.TS Hồ Anh Sơn nói.

Hiện nay, bộ sinh phẩm và các quy trình chẩn đoán dựa trên kỹ thuật real-timeRT-PCR đã chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất hàng trăm nghìn test phục vụ xét nghiệm sàng lọc phát hiện SARS-CoV-2 ở 63 trung tâm, bệnh viện lớn trong cả nước. Hơn 20 quốc gia đã đàm phán mua bộ sinh phẩm và đã xuất khẩu hàng chục nghìn test. Như vậy, chúng ta không phải mua những kit chẩn đoán nước ngoài với giá thành cao, giúp giảm giá thành sản phẩm. Điểm quan trọng nữa là giúp chủ động nguồn cung ứng, đáp ứng nhu cầu dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường hiện nay, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, giúp ổn định kinh tế - xã hội.

Đến nay, bộ sinh phẩm là công cụ có giá trị trong sàng lọc, phát hiện nhanh, chính xác SARS-CoV-2, đảm bảo phát hiện, cách ly, theo dõi, quản lý điều trị hiệu quả cũng như góp phần trong công tác dự phòng, kiểm soát COVID-19.

Thượng tá, PGS.TS Hồ Anh Sơn (thứ 2 từ phải sang) đón giấy chứng nhận tại Lễ Công bố Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2020. (Ảnh:TH)

Thượng tá, PGS.TS Hồ Anh Sơn (thứ 2 từ phải sang) đón giấy chứng nhận tại Lễ Công bố Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2020. (Ảnh:TH)

Có thể nói, công trình chế tạo bộ sinh phẩm được đặt ra giữa lúc đại dịch COVID-19 có nguy cơ tràn vào Việt Nam, chúng ta được WHO hỗ trợ số lượng test vô cùng hạn chế. Nhiều quốc gia đóng cửa biên giới, hạn chế trang thiết bị y tế và vật tư sinh phẩm xuất khẩu. Do đó, việc ra đời của bộ sinh phẩm “Made in VietNam” có ý nghĩa xã hội to lớn. Cùng với chiến lược kiểm soát dịch bệnh đúng đắn của Chính phủ, Việt Nam chúng ta chủ động sản xuất ra sinh phẩm tạo sự yên tâm rất lớn trong đội ngũ chuyên gia y tế cũng như toàn xã hội. Bộ sinh phẩm không chỉ củng cố niềm tin của xã hội vào sự chỉ đạo của Chính phủ và các nhà khoa học Việt Nam trong phòng chống COVID-19, mà còn góp phần xây dựng thương hiệu Việt Nam trên bản đồ khoa học công nghệ quốc tế.

Công trình này là lần đầu tiên anh Sơn và các cộng sự của mình thực hiện đề tài sản xuất kít chẩn đoán mầm bệnh và lần đầu “trúng đích” theo nhiều khía cạnh. Tuy nhiên trước đó, anh và các cộng sự từng tham gia một số nghiên cứu về chống ung thư như tỏi đen, nano cucurmin, điều trị đột quỵ não… cũng đã có sản phẩm ra thị trường. Nhưng điều anh trăn trở là số lượng sản phẩm ra thị trường còn ít, đến người tiêu dùng còn chưa nhiều. Đây cũng là vấn đề mà anh cùng các đồng nghiệp mong muốn được hỗ trợ nghiên cứu đến sản phẩm cuối cùng đưa ra thị trường.

Hôm nay, khi nhìn lại chặng đường đã qua, Thượng tá Hồ Anh Sơn thấy đó là chặng đường dài và chỉ muốn nói về sự cảm phục tinh thần làm việc quyết liệt của các đơn vị. Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Hồ Anh Sơn cũng bày tỏ trân trọng cảm ơn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan phối hợp đã kịp thời tuyển chọn và vinh danh công trình, giải pháp khoa học - công nghệ tiêu biểu phòng chống dịch COVID-19 trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2020. Thượng tá Hồ Anh Sơn cho rằng đây là niềm vinh dự, sự cổ vũ song cũng là trách nhiệm lớn lao để nhóm phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa, mà trước mắt là cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chiến thắng và đẩy lùi đại dịch COVID-19./.

Phản hồi

Các tin khác