Cao Bằng: Biểu dương các điển hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2016 - 2020

Trong năm vừa qua phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Cao Bằng đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Các cấp ủy, chính quyền trong toàn tỉnh nghiêm túc thực hiện công tác dân vận, công tác thi đua khen thưởng ngành Dân vận, phong trào thi đua “Dân vận khéo” do Ban Dân vận Trung ương phát động.

Tính đến nay, 1.005 cơ quan, ban, ngành, đoàn thể duy trì thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; 10/10 huyện, Thành ủy tổ chức quán triệt, triển khai và ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị cấp huyện, Thành phố; 140/161 xã, phường, thị trấn có quy chế, kế hoạch thực hiện Quy chế công tác dân vận. 10/10 huyện, Thành ủy; 161/161 xã, phường, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”; trên 89,4% xóm, tổ dân phố thành lập tổ dân vận và đăng ký thực hiện “Dân vận khéo”.

Hiện toàn tỉnh có 4.086 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó, có 1.202 mô hình thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế, 968 mô hình thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội, 825 mô hình thuộc lĩnh vực quốc phòng - an ninh, 582 mô hình thuộc lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, 509 mô hình thuộc lĩnh vực xây dựng nông thôn mới. Các mô hình “Dân vận khéo” tập trung vào nhiệm vụ cấp bách mà cơ quan, đơn vị, nhân dân quan tâm nhằm tạo không khí thi đua phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Qua đó, chất lượng đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 42,53% (năm 2016) xuống còn 22,07% (năm 2020).

Nhân dân xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc san nền nhà văn hóa xã. Ảnh: baocaobang.vn

Điển hình như huyện Bảo Lạc, hiện có 184 mô hình "Dân vận khéo", trong đó, cá nhân đăng ký 96 mô hình, tập thể 88 mô hình trên tất cả các lĩnh vực là kết quả nổi bật của phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn.

Chị Tô Thị Kiều - Trưởng Ban Dân vận huyện Bảo Lạc cho biết: Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được phát động và triển khai sâu rộng trên địa bàn huyện, nội dung các mô hình “Dân vận khéo” tập trung vào vào giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, những vấn đề nhạy cảm, phát sinh như: Tranh chấp đất đai, nguồn nước, những vấn đề phát sinh trong công tác dân tộc, tôn giáo gắn với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Qua đó, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng với những cách làm phong phú, hiệu quả.

 

Hội viên Chi hội Phụ nữ xóm Hạnh Phúc, xã Hoàng Tung (Hòa An) phát triển nuôi ong mật
Ảnh: baocaobang.vn

Hay như huyện Hòa Vang, phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” được đẩy mạnh, hội viên giúp nhau 5.745 ngày công lao động, cho mượn 45.500 m2 đất canh tác, trên 336 triệu đồng không tính lãi; có 68 mô hình kinh tế với 5.219 hội viên tham gia. Hội LHPN huyện thành lập một mô hình liên kết sản xuất trồng và bao tiêu sản phẩm gừng với 29 hội viên tham gia; giúp Hợp tác xã miến dong Án Lại (xã Nguyễn Huệ) và một cá nhân xây dựng kế hoạch ý tưởng khởi sự kinh doanh để tham gia “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp” do Hội LHPN tỉnh Cao Bằng tổ chức.

Mô hình trồng rau của nông dân xã Hoàng Tung (Hòa An) đem lại hiệu quả kinh tế cao
Ảnh: baocaobang.vn

Còn tại huyện Hòa An, thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo", huyện đã xây dựng được 1.014 mô hình, điển hình trên các lĩnh vực kinh tế - xây dựng nông thôn mới, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Trong đó, 790 mô hình thuộc lĩnh vực kinh tế - xây dựng nông thôn mới; 80 mô hình thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội; 83 mô hình thuộc lĩnh vực quốc phòng - an ninh; 61 mô hình thuộc lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị.

Phát biểu tại Hội nghị ngày 14/9, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Triệu Đình Lê đề nghị trong thời gian tới, các cấp, ngành, đơn vị tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận; các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương về công tác vận động quần chúng. Việc thực hiện công tác dân vận phải được tiến hành đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, vừa có chiều rộng vừa có chiều sâu; gắn các nội dung của phong trào với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đơn vị. Không ngừng củng cố, giữ vững điển hình “Dân vận  khéo” hiện có, tiếp tục xây dựng và nhân rộng các điển hình, mô hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực một cách thiết thực, hiệu quả./.

Phản hồi

Các tin khác