Huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) phát huy thế mạnh để phát triển du lịch

Chương trình Cùng bé khám phá thiên nhiên tại huyện Vĩnh Cửu do Công ty Du lịch Trị An Adventure tổ chức.

                                                                                               (Ảnh: Nguyễn Liên)

Có thể nói, từ rất sớm, Đảng bộ huyện Vĩnh Cửu đã có ý tưởng phát triển du lịch sinh thái kết hợp với những ngành nghề thủ công cổ truyền như: đúc gang, làm bánh tráng, trồng bưởi... Và làm phục hồi, nảy sinh thêm nhiều ngành nghề mới như: đan lát mây kết hợp dây chuối, lục bình; dệt thổ cẩm, làm rượu bưởi, rượu cần, cơm lam, trồng phong lan, làm đũa tre xuất khẩu…

Thực tế, huyện Vĩnh Cửu đang có những lợi thế mạnh để phát triển du lịch mà những nơi khác không có như: diện tích rừng lớn nhất tỉnh Đồng Nai, phong cảnh thiên nhiên hữu tình, có những di tích lịch sử cấp quốc gia, có bản sắc văn hóa, ngành nghề phong phú, khí hậu ôn hòa. Chính vì thế, ngay từ rất sớm, một quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Cửu giai đoạn 2010-2020, đã được đề ra với nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc lấy phát triển dịch vụ, đô thị, du lịch làm khâu đột phá trong phát triển kinh tế trong giai đoạn này.

Chính vì vậy, huyện Vĩnh Cửu đang tập trung mọi nguồn lực, phát huy các ưu thế, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng của huyện vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội và đô thị hóa với tốc độ cao, bền vững gắn với chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ. Chú trọng phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch làm nhiệm vụ đột phá để phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí Nguyễn Tấn Phước, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Vĩnh Cửu cho biết, cùng với xây dựng thành công nông thôn mới, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo khai thác tốt những lợi thế là tiềm năng trên địa bàn để phát triển du lịch. Nhiều mô hình du lịch mới xuất hiện trong thời gian qua cho thấy, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo mô hình mới đã và đang được nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa bàn quan tâm.

Mô hình Bà Đất homestay của anh Nguyễn Đình Hiếu, xã Hiếu Liêm là một ví dụ. Mô hình hoạt động với mục tiêu đưa du khách về với cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Không chỉ đón khách trong tỉnh, Bà Đất homestay còn đón nhiều đoàn khách quốc tế và ngoài tỉnh đến trải nghiệm du lịch. Điều đặc biệt, lượng khách quay trở lại với Bà Đất (kể cả du khách nước ngoài) đạt trên 70%.

 Cùng với du lịch trải nghiệm, mô hình kết hợp du lịch truyền thống gắn với du lịch sinh thái với lợi thế ven hồ, rừng được huyện Vĩnh Cửu khai thác hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Hà, Phó giám đốc Trung tâm Sinh thái văn hóa lịch sử Chiến khu Đ, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho biết, khu bảo tồn có diện tích hơn 100.571 ha, trong đó, diện tích rừng tự nhiên hơn 59,9 nghìn ha, với hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, nhiều loài quý hiếm; có hơn 76 đảo lớn nhỏ, đa dạng hình thù. Là khu vực có nhiều cảnh quan hữu tình gắn liền với rừng tự nhiên, hồ, thác, công viên đá... tạo nhiều cảm hứng cho khách khi đến tham quan du lịch.

Theo Huyện ủy Vĩnh Cửu, định hướng phát triển du lịch sinh thái rừng, sông, hồ, du lịch văn hóa… tiếp tục được Đảng bộ huyện lãnh đạo, nhằm khai thác tốt các lợi thế để phát triển. Tháng 12/2016, huyện Vĩnh Cửu ban hành Đề án Phát triển du lịch huyện Vĩnh Cửu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Sau 3 năm triển khai đề án, du lịch huyện Vĩnh Cửu đã có những chuyển biến tích cực. Trên địa bàn huyện đã hình thành một số điểm đến hấp dẫn như Đảo Ó - Đồng Trường, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Làng bưởi Tân Triều… Chất lượng dịch vụ du lịch được cải thiện đáng kể.

Nhiều loại hình du lịch được khai thác như du lịch về nguồn, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, đặc biệt là du lịch sinh thái vườn, rừng, sông, hồ. Khách tham quan mỗi năm tăng khoảng 50% và gấp 6 lần so với đầu nhiệm kỳ (năm 2015 khoảng 40 nghìn lượt, năm 2020 là 240 nghìn lượt)…

Để phát huy mạnh mẽ tiềm năng du lịch và đặc biệt là theo Đề án đặt ra, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện Vĩnh Cửu tập trung thực hiện chiến lược: Phát triển du lịch phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đưa du lịch Vĩnh Cửu trở thành ngành kinh tế quan trọng, tác động tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Gắn du lịch sinh thái với du lịch nông nghiệp; kêu gọi đầu tư, khai thác tối đa lợi thế tài nguyên rừng, sông, hồ; xây dựng sản phẩm du lịch khác biệt; kết nối tour tuyến với các khu, điểm du lịch lân cận…

Để thực hiện chiến lược này, Đảng bộ huyện Vĩnh Cửu xác định nhiều nhóm giải pháp nhằm tiếp tục khai thác các lợi thế gắn với bảo vệ môi trường để đưa du lịch trở thành một trong 3 mục tiêu đột phá. Trong đó, nhóm giải pháp về quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch, xúc tiến, quảng bá du lịch…được coi là những giải pháp trọng tâm, góp phần vào sự phát triển chung của huyện trong thời gian tới./...

Phản hồi

Các tin khác