Lai Châu: Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế

Than Uyên: Kiên cố hóa đường giao thông đến bản làng

5 năm qua (2015 – 2020), Đảng bộ và nhân dân huyện Than Uyên tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Huyện đã ban hành Chương trình sản xuất nông sản hàng hóa tập trung giai đoạn 2016 - 2020 và Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, tập trung sản xuất lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, vùng chăn nuôi lợn, thủy cầm, thủy sản (cá lồng) với quy mô tập trung sản xuất hàng hóa nông hộ, gia trại và trang trại; quy hoạch vùng trồng mới chè, mắc-ca, quế. UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trong khối nông nghiệp huyện phối hợp với các xã, thị trấn xây dựng quy hoạch và xác định cây trồng, vật nuôi chủ lực; chuyển một số diện tích đất kém hiệu quả sang thu hút doanh nghiệp đầu tư vào trồng chè, mắc-ca, cao su.

Nhiều người dân xã Tà Mung (Than Uyên) lấy cây chè làm hướng phát triển kinh tế

Ảnh: baolaichau.vn

Huyện cũng tập trung vào sửa chữa, nâng cấp, xây mới, kiên cố hóa hệ thống kênh mương thủy lợi, đường nội đồng; nâng tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương toàn huyện đạt 75%. Hằng năm, huyện đào tạo nghề cho 750 - 1.000 lao động nông thôn, nhằm nâng cao tính tự giác trong phát triển kinh tế để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 38,5 triệu đồng; tổng giá trị sản xuất đạt 2.750 tỷ đồng; thu ngân sách trên địa bàn đạt 53,5 tỷ đồng; hoạt động dịch vụ, du lịch tăng trưởng khá với tổng lượt khách tăng bình quân 12%/năm, doanh thu đạt 18 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5,13%/năm, năm 2018, Than Uyên đã thoát khỏi danh sách huyện nghèo…

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) có nhiều khởi sắc; toàn huyện có 7/11 xã đạt chuẩn NTM, vượt NQ 1 xã, bình quân đạt 16,36 tiêu chí/xã; 100% đường đến các bản được cứng hóa, xe máy đi lại thuận lợi; 99% số hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia. Chất lượng giáo dục được nâng lên, người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu; bản sắc văn hóa các dân tộc dần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Khai thác tiềm năng, lợi thế đưa Nậm Nhùn ra khỏi huyện nghèo

Là huyện khó khăn bậc nhất của tỉnh Lai Châu, với phương châm “Phát triển kinh tế là trọng tâm, tạo tiền đề phấn đấu đưa huyện thoát khỏi tình trạng huyện nghèo”, Huyện Nâm Nhùn xác định tập trung đầu tư, khai thác những thế mạnh sẵn có như: chăm sóc, bảo vệ, trồng mới rừng với tổng diện tích trên 76.216ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt 55% đã mang lại sinh kế cho người dân với nguồn lợi từ dịch vụ chi trả môi trường rừng, thu hoạch thảo quả, dược liệu; chú trọng phát triển vào cây trồng chủ lực (lúa, cây ăn quả, thảo dược, chăn nuôi đại gia súc, cá lồng), ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo dựng một số mô hình hiệu quả, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác thủy sản trên vùng lòng hồ Thủy điện Lai Châu, Sơn La; đa dạng sản phẩm tiểu thủ công nghiệp: gạch, đá, cát, nghề truyền thống (mây, tre đan); phát triển thủy điện vừa và nhỏ.

Phát triển cá lồng trên lòng hồ thủy điện tạo động lực cho kinh tế nông thôn Nậm Nhùn phát triển bền vững. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn

Phát triển cá lồng trên lòng hồ thủy điện tạo động lực cho kinh tế nông thôn Nậm Nhùn phát triển bền vững. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn

Nhờ đó, kinh tế huyện phát triển ổn định, 8/9 nhóm chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế đạt và vượt so với kế hoạch, nổi bật: Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 12.000 tấn, tăng 1.443 tấn so với năm 2015, đạt 100% so với Nghị quyết; thu nhập bình quân đầu người đạt 28,5 triệu đồng, tăng 2,1 lần so với năm 2015; tỷ lệ giảm nghèo từ 45,86% xuống còn 19,66% (mức giảm bình quân 5,24%/năm); tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%, tăng 9% so với năm 2015, đạt 105% so với Nghị quyết; sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, giá trị sản xuất đạt gần 157% so với Nghị quyết, tăng bình quân 31,5%/năm…

Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo, hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, đến nay, huyện có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 14,1 tiêu chí/xã. Văn hóa – xã hội tiếp tục phát triển, chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe, công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Quốc gia được đảm bảo.

Huyện Phong Thổ: Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh

Vượt qua khó khăn, huyện Phong Thổ ưu tiên bố trí nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông, công trình thủy lợi để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế. Ngoài ra, huyện còn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển các mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao như: mô hình trồng cây tam thất, cây ăn quả ôn đới… Quan tâm đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Nhờ đó, cuộc sống của nhân dân có bước phát triển đáng kể.

Nhiều hộ dân xã Khổng Lào (huyện Phong Thổ) làm giàu từ chăn nuôi lợn.

Nhiều hộ dân xã Khổng Lào (huyện Phong Thổ) làm giàu từ chăn nuôi lợn.

5 năm qua, kinh tế huyện có bước phát triển toàn diện trên tất cả các ngành, lĩnh vực, tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 23,1%, công nghiệp, xây dựng 39,9% và dịch vụ chiếm 37%. Tổng giá trị sản xuất năm 2020 đạt trên 3.634 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu nhiệm kỳ đại hội đề ra (101%). Đời sống Nhân dân các dân tộc không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng/năm; tỷ lệ giảm nghèo trung bình hàng năm đạt 4,3%/năm, đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 20,49%; bình quân tiêu chí nông thôn mới đạt 14,24 tiêu chí/xã.

 

Phản hồi

Các tin khác