(ĐHXIII) - Bình Phước xác định, giai đoạn 2020- 2025 tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng tâm, hiệp lực, người người thi đua, ngành ngành thi đua. Phấn đấu đến năm 2025, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp, thuộc nhóm các tỉnh phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ.
|
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang là hướng đi mới được tỉnh Bình Phước chú trọng triển khai
(Ảnh: Tường Vy)
|
Trong 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước của Bình Phước đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Các phong trào thi đua đã thực sự đi vào đời sống người dân, tạo khí thế mới; góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng suất, sản lượng, từ đó khai thác tiềm năng, thế mạnh về lao động, đất đai của địa phương.
Đặc biệt, từ phong trào thi đua sản xuất trên địa bàn đã có nhiều mô hình sản xuất hộ gia đình, kinh tế trang trại mang lại hiệu quả, năng suất cao, thu hút hàng trăm lao động tại địa phương, xuất hiện nhiều mô hình đạt 100 triệu đồng/ha/năm và nhiều mô hình đạt hàng tỷ đồng/ha/năm. Hằng năm, số lượng nông dân đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tăng từ 5-8%, toàn tỉnh có 27.836 hộ đạt danh hiệu này.
Nổi bật trong việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đó là phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, huy động sự tham gia của tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Nổi bật trong phong trào này, Bình Phước đã phát động thi đua “Xây dựng 1.000 km đường bê tông nông thôn và xóa 1.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo” năm 2019. Kết quả, hiện toàn tỉnh có 60/90 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5/11 đơn vị cấp huyện, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (Nghị quyết là 50% xã và 01 huyện); giai đoạn 2016- 2020 giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư với trên 3.900 km đường bê tông được triển khai.
Trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng cũng đã tổ chức phát động, triển khai thực hiện và đạt hiệu quả toàn diện nhiều phong trào thi đua; góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phát triển công nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn. Hiệu quả từ các phong trào thi đua này đã giúp chương trình phát triển công nghiệp- xây dựng đạt kết quả cao, đóng góp 43% giá trị trong cơ cấu kinh tế toàn tỉnh. Công nghiệp chế tạo chiếm 95% trong toàn ngành công nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2016- 2020 tăng 12,7%... Các phong trào thi đua trong lĩnh vực tài chính, thương mại, dịch vụ cũng được triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng thu ngân sách nhà nước.
Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm giai đoạn 2016- 2020 ước đạt 7,25%, tăng 0,12% so với nhiệm kỳ trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản chiếm 20,5%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 43%; ngành thương mại dịch vụ chiếm 36,5%. Quy mô kinh tế đạt 68.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,64 lần so với năm 2015. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) bình quân đầu người ước đạt 67,3 triệu đồng, gần 1,54 lần so với năm 2015. Thu ngân sách tỉnh Bình Phước có bước tiến vượt bậc, là một trong những kết quả đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế. Giai đoạn 2016- 2020 tốc độ tăng thu bình quân đạt 22%, tốc độ tăng chi ngân sách bình quân đạt 15%. Ước thu ngân sách năm 2020 đạt 10.000 tỷ đồng, vượt hơn gấp đôi chỉ tiêu đề ra (Nghị quyết đến năm 2020 thu ngân sách đạt 4.850 tỷ đồng)…
Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh thu hút đầu tư trong nước được 800 dự án với số vốn đăng ký là 50.000 tỉ đồng. Đầu tư nước ngoài là 146 dự án với số vốn đăng ký là 1,44 tỉ USD. Ngoài ra còn có 4.850 doanh nghiệp, 246 hợp tác xã được thành lập mới.
Đồng chí Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước khẳng định: Mặc dù quy mô phát triển kinh tế của tỉnh còn nhỏ hơn các tỉnh trong vùng. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được đã thể hiện sự nỗ lực của không chỉ cả hệ thống chính trị mà còn là sự chung tay, góp sức của toàn bộ nhân dân tỉnh Bình Phước.
|
Một góc thị xã Đồng Xoài (Ảnh: nongnghiep.vn)
|
Bình Phước đã đề ra mục tiêu trong nhiệm kỳ 2020-2025 là xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Phấn đấu đến năm 2025, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp, thuộc nhóm các tỉnh phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ.
Cùng với đó là nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tăng cường kết nối vùng; hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, từng bước chuyển sang chính quyền số; đảm bảo quốc phòng - an ninh vững chắc…
Bình Phước xác định tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng tâm, hiệp lực, người người thi đua, ngành ngành thi đua. Chú trọng phát động và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực, trong các doanh nghiệp. Các tổ chức kinh tế, người lao động, không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho người lao động.
Để đạt những mục tiêu trên, Bình Phước đề ra 15 chỉ tiêu phát triển cơ bản. Trong đó, nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 9%-10%; GRDP bình quân đầu người đạt trên 100 triệu đồng; thu ngân sách đạt 18.000-18.500 tỉ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỉ USD; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh cũng phấn đấu có 70% trường đạt chuẩn quốc gia; tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%; tạo 200.000 việc làm mới cho người lao động…/.
Tường Vy