|
Bí thư Chi bộ xóm 9, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) Phan Công Hưởng (bìa trái) thăm một hộ dân trên địa bàn (năm 2019). Ảnh: Quốc Sơn
|
Ngày 10/8/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XVIII ban hành Đề án số 01-ĐA/TU, về "Xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2016 - 2020".
Theo khảo sát ban đầu, tháng 8/2016 toàn tỉnh có 296 thôn, xóm thuộc phạm vi Đề án số 01-ĐA/TU, đến tháng 12/2016 phát sinh thêm 14 xóm có nguy cơ không còn chi bộ (do các huyện khảo sát ban đầu chưa đúng, chưa đủ hoặc do có đảng viên bị kỷ luật khai trừ, xóa tên, từ trần, chuyển sinh hoạt đảng đi nơi khác...), nên tổng số xóm thuộc pham vi Đề án số 01-ĐA/TU là 310 xóm.
Trong đó có 134 xóm có nguy cơ không còn chi bộ; 176 xóm không đủ điều kiện để thành lập chi bộ với 100% đảng viên tại chỗ (trong 176 xóm: Có 85 xóm chỉ có 1- 2 đảng viên tại chỗ, 91 xóm không có đảng viên)...
Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, các chi bộ nằm trong phạm vi Đề án số 01-ĐA/TU kết nạp được 273 đảng viên mới (trong đó có 24 đảng viên gốc giáo); 100% xóm trong toàn tỉnh đã có tổ chức đoàn thể. Hoạt động của các chi hội, chi đoàn ở xóm đã dần dần đi vào nền nếp, góp phần vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là trong việc xây dựng Nông thôn mới…
Qua quá trình triển khai Đề án đã rút ra một số bài học, kinh nghiệm như: Phải có quyết tâm chính trị cao của cấp ủy và sự vào cuộc thực sự quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị các cấp trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, nhất là ở cấp cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Trong chỉ đạo phải sâu sát, cụ thể, kiên trì; phương pháp, cách làm phải linh hoạt, phù hợp với từng địa bàn; phát huy được tính chủ động, sáng tạo của mỗi địa phương, đơn vị trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của đề án. Xây dựng được kế hoạch cụ thể, bài bản từ cấp ủy cho đến các tổ chức đoàn thể và các ban, ngành liên quan ở từng cấp. Phân công rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và cá nhân trực tiếp đảm nhiệm, phụ trách; đặc biệt lựa chọn những người có năng lực, uy tín, nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm, am hiểu phong tục, tập quán, địa bàn, có kinh nghiệm trong công tác vận động, thuyết phục quần chúng tham gia vào Ban chỉ đạo, tổ công tác ở cơ sở.
Thường xuyên bám sát cơ sở, kiểm tra, đôn đốc; xây dựng được mô hình, điển hình để nhân ra diện rộng; sơ kết, đánh giá định kỳ; kịp thời biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích, cách làm hay, hiệu quả; phê bình, nhắc nhở, xử lý trách nhiệm đối với những đơn vị, cá nhân còn những hạn chế, khuyết điểm.
Thường xuyên củng cố nâng cao, chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể ở cơ sở, nhất là khối, xóm, bản, để thực sự là ‘hạt nhân” chính trị lãnh đạo, đủ sức giải quyết các vấn đề phát sinh tại địa phương và tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước; đổi mới, nâng cao chất lượng, nội dung, phương pháp sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt đoàn thể; coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự là gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định đến hiệu quả hoạt động tại chi bộ; phát huy vai trò tiên phong, nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên, người có uy tín để quần chúng học tập, noi theo, tạo niềm tin cho Nhân dân đối với Đảng.
Thường xuyên rà soát, bổ sung, tạo nguồn, gây dựng nhân tố tích cực để có kế hoạch bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng phù hợp; kiên trì trong vận động, thuyết phục, giúp đỡ và tạo điều kiện để quần chúng khắc phục khó khăn, yên tâm cống hiến khi trở thành đảng viên. Tại các xóm, bản chưa có chi bộ, cần xây dựng, củng cố các tổ chức đoàn thể trước, từ đó tạo điều kiện cho việc thành lập chi bộ; lựa chọn những đảng viên có năng lực, trách nhiệm, uy tín, am hiểu địa bàn để làm nòng cốt cho chi bộ.
Làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trọng hệ thống chính trị đối với việc phát triển đảng viên, xây dựng, củng cố tổ chức đảng là nhiệm vụ chính trị quan trọng của mình. Thường xuyền tiếp xúc, gặp gỡ chức sắc, chức việc tôn giáo, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị chung của địa phương và vấn đề phát triển đảng, củng cố hệ thống chính trị nói riêng.
Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã nêu trong Đề án số 01-ĐA/TU, Nghệ An sẽ tập trung thực hiện một số mục tiêu, chỉ tiêu sau: Phấn đấu từ nay đến 31/12/2025, 100% chi bộ xóm có từ 5 đảng viên tại chỗ trở lên. Không để tái xóm có nguy cơ không còn chi bộ. 100% xóm trưởng là đảng viên; 100% cấp trưởng, cấp phó của mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị cấp xã là đảng viên; không để xảy ra tình trạng tái xóm không có tổ chức đoàn thể.
Lê Thanh Chương