(ĐHXIII) - Điểm qua một số cách làm sáng tạo, trong đổi mới mô hình tăng trưởng của một số địa phương cho thấy, việc đổi mới mô hình tăng trưởng thành công nhất không chỉ gắn với sự năng động của từng địa phương mà còn phải phù hợp sự phát triển chung của cả vùng.
|
Ảnh minh họa. (Nguồn: tcvn)
|
Vấn đề trung tâm, đổi mới sáng tạo
Bắt đầu từ Đại hội Đảng lần thứ XI, vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng được đề cập đến. Qua mỗi Đại hội, vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng tiếp tục được cập nhật cho phù hợp với bối cảnh thế giới và thực tiễn ở nước ta.
Trong văn kiện của Đại hội XI, vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng là chuyển “từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô, vừa chú trọng chất lượng, hiệu quả, tính bền vững”. Đại hội XII tiếp tục xác định “kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu”; đồng thời bổ sung thêm “nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo”.
Tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, với hơi thở của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, câu chuyện đổi mới mô hình tăng trưởng được nhấn mạnh ở từ khóa “đổi mới, sáng tạo”. Cụ thể: “chuyển mạnh sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Vì thế, nếu Đại hội XII đề ra các chỉ tiêu phấn đấu: Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế khoảng 30-35%; năng suất lao động xã hội bình quân tăng 5%/năm; thì Đại hội XIII đề ra chỉ tiêu ở mức cao hơn hẳn: Đến năm 2025, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm; đến năm 2030: đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt 50%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm.
Có thể nói, vấn đề trung tâm của đổi mới mô hình tăng trưởng của Đại hội XIII là phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; từ đó, đặt ra yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ thể chế, chính sách ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ; ưu tiên chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào các lĩnh vực kinh tế; khuyến khích nhập khẩu, chuyển giao công nghệ tiên tiến của thế giới, nâng cao năng lực hấp thu, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Chính vì vấn đề trung tâm của đổi mới mô hình tăng trưởng là đổi mới sáng tạo, nên sự vận dụng “trúng” và “đúng” với tình hình thực tiễn ở địa phương trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Trong tương quan phát triển của vùng
Ở Quảng Ninh, đổi mới mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa trên tăng trưởng xanh, giảm bớt việc dựa vào các yếu tố không bền vững như tài nguyên hữu hạn và tăng dần các yếu tố bền vững dựa vào vị trí địa chính trị, kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, cảnh quan, văn hóa, truyền thống lịch sử và trí tuệ con người...
Bà Rịa-Vũng Tàu, với lợi thế tiềm năng kinh tế biển, ngoài vai trò là trung tâm của ngành công nghiệp dầu khí cả nước, đây còn là cửa ngõ hàng hải của cả khu vực Nam Bộ, với hệ thống cảng nước sâu hiện đại nhất hiện nay, đã xác định các trụ cột phát triển gồm công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trên cơ sở đó, tỉnh tập trung phát triển công nghiệp chế biến chế tạo gắn với công nghệ thông minh; đầu tư hạ tầng giao thông đa phương thức, kết nối liên vùng, liên khu vực và quốc tế nhằm tăng năng lực khai thác các cụm cảng. Ðể đánh thức tiềm năng du lịch biển và tạo ra những sản phẩm du lịch mới, Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng tuyến đường ven biển nối TP Vũng Tàu với các huyện Long Ðiền, Ðất Ðỏ, Xuyên Mộc và với tỉnh Bình Thuận, dài hàng chục km, đi qua các làng chài, vốn nhiều đời chỉ quen nghề đánh bắt thủy, hải sản.
Với Thanh Hóa, vấn đề trung tâm của đổi mới mô hình tăng trưởng là hướng đến trở thành một cực tăng trưởng trong không gian của tứ giác phát triển gồm Thanh Hóa, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng. Cực tăng trưởng của Thanh Hóa dựa trên 4 trụ cột chính gồm công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, kinh tế biển…
Đối với TP. Hồ Chí Minh, một trung tâm kinh tế, công nghệ, và tài chính của cả nước thì đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế thông qua các chính sách khuyến khích xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao, phần mềm, sản phẩm số; xây dựng Thành phố thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn….
Điểm qua một số cách làm sáng tạo, trong đổi mới mô hình tăng trưởng của các địa phương nói trên cho thấy, việc đổi mới mô hình tăng trưởng thành công nhất không chỉ gắn với sự năng động của từng địa phương mà còn phải phù hợp sự phát triển chung của cả vùng. Như mô hình tăng trưởng xanh của Quảng Ninh là một sáng tạo, nhưng sự thành công nằm ở chỗ phát huy được lợi thế của tỉnh gắn liền với quy hoạch phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng. Hoặc TP. Hồ Chí Minh có thể “chuyên tâm” vào công nghệ số là nhờ có sự phân công, phối hợp trong quy hoạch tổng thể vùng Đông Nam Bộ.
V.G