Tổ hội nghề nghiệp - Mô hình sản xuất mới hiệu quả ở Giao Hải
Nhờ chuyển đổi hình thức sản xuất, lợi nhuận của người nuôi cá đạt từ 300 - 500 triệu đồng/ha/năm, tăng 60 - 70 triệu đồng so với mô hình cũ (Ảnh: Duy Minh)

Xã Giao Hải, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định là địa phương ven biển có lợi thế trong khai thác, nuôi trồng thủy hải sản với sản lượng hàng năm rất lớn, khoảng 5.000 – 5.700 tấn. Với mục tiêu phát triển đa dạng các loại con nuôi đồng thời phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho nhân dân trong xã đấu thầu diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt thuộc vùng chuyển đổi ven chân đề. Từ cuối năm 2017, Hội Nông dân xã đã tham mưu với UBND khảo sát và thành lập Tổ hợp tác Nuôi trồng thủy sản Giao Hải với 25 hội viên nông dân tham gia tại vùng chuyển đổi.

Tháng 3/2019, thông qua nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, 20 thành viên trong Tổ hợp tác được tham gia vay vốn với tổng số tiền 1 tỷ đồng. Từ khi dự án triển khai, định kỳ các thành viên tổ chức sinh hoạt để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, trung bình mỗi năm tham gia 1 - 2 buổi tập huấn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tham quan 3 mô hình học hỏi kinh nghiệm của các địa phương về phát triển kinh tế nuôi trồng thủy sản. Trên cơ sở kiến thức được chuyển giao và học tập, các hộ mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng trang bị thiết bị hiện đại phục vụ cho nuôi trồng như: máy kiểm tra nguồn nước, máy bắn cám tự động, quạt nước, máy phát điện tự động, các loại máy bơm và phục vụ cho khâu thu hoạch như máy tời, trã...

Ngoài ra các thành viên còn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sử dụng chế phẩm sinh học phục vụ cho xử lý nguồn nước và các bệnh thông thường cho cá đảm bảo đạt vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đó, sản lượng thủy sản tăng lên qua từng năm, những sản phẩm chủ lực tại vùng nuôi đạt giá trị từ 1 - 1,2 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận của người sản xuất đạt từ 300 - 500 triệu đồng/ha/năm, tăng 60 - 70 triệu đồng so với mô hình cũ; đồng thời đóng góp cho ngân sách địa phương từ thuế đầu thầu diện tích nuôi trồng thủy sản theo hợp đồng 200 triệu đồng/năm. Không chỉ đạt hiệu quả trong sản xuất nuôi trồng thủy sản nước ngọt, các thành viên tham gia đã có sự liên kết trong ký kết hợp đồng với các công ty, doanh nghiệp nhập thức ăn, thuốc phòng bệnh đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chất lượng và giảm được giá thành đầu vào.

Từ hiệu quả hoạt động của Tổ hợp tác gắn với tổ hội nghề nghiệp, Hội Nông dân xã đã thành lập mô hình Chi hội nông dân nghề nghiệp Nuôi trồng thủy sản với 53 thành viên. Các thành viên thực hiện tốt quy chế đề ra, định kỳ tổ chức sơ kết, đánh giá và tổ chức nhiều hội nghị để cùng tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, tìm giải pháp sử dụng thuốc xử lý nước trị bệnh cho cá, hỗ trợ các hộ đạt hiệu quả thấp. Đặc biệt, Chi hội đã hình thành được khu nuôi đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGap và ký kết được đầu ra cho sản phẩm với một số doanh nghiệp như Công ty TNHH hải sản Hùng Vương, các hồ câu tại Hà Nội...

Như vậy, từ một vùng đất nhiễm mặn, trồng lúa năng suất thấp với mức thu nhập chỉ từ 30 - 40 triệu đồng/ha/năm, có những diện tích không thể canh tác phải bỏ hoang, đến nay nông dân Giao Hải đã cải tạo, hình thành một vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản nước ngọt và tạo chuỗi liên kết sản xuất với quy mô hơn 30 ha, tạo việc làm ổn định cho 80 lao động. Tiêu biểu phải kể tới hộ ông Mai Văn Nam đã xây dựng sản phẩm đạt chất lượng VietGap. Với diện tích hơn 2ha, ông tập trung nuôi các loại cá truyền thống như cá trăm đen, trắm cỏ và cá chép, mỗi năm đạt sản lượng 25 tấn/ha, thu nhập 2,5 tỷ đồng và sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được từ 300 - 400 triệu đồng/ha/năm.

Hiệu quả mà Quỹ HTND mang lại đã góp phần tạo được sự liên kết giữa doanh nghiệp với Tổ hợp tác và hộ nông dân. Mỗi thành viên sẽ là hạt nhân để nhân rộng diện tích chuỗi liên kết sản xuất để Giao Hải thực hiện được mục tiêu đến năm 2025 có trên 50 ha diện tích nuôi trồng thủy sản tập trung. Những kết quả trên càng khẳng định vai trò, vị thế của Quỹ HTND, của tổ chức Hội Nông dân với vai trò bà đỡ, cầu nối giúp hội viên xác định được hướng đi đúng, hiệu quả trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhằm thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

 

Phản hồi

Các tin khác