Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội
Ảnh minh họa (Nguồn: KV)

Ảnh minh họa. (Nguồn: KV)

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành kế hoạch số 197/KH-UBND để triển khai thực hiện Kế hoạch số 07-KH/TU ngày 18/2/2021 của Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 92-KL/TW ngày 5/11/2020 của Bộ Chính trị “tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, mục đích của kế hoạch nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và hệ thống chính sách xã hội nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng, đối tượng yếu thế, người nghèo, hộ thuộc diện khó khăn. Đồng thời, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cụ thể, về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hàng năm, địa phương sẽ thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với người có công với cách mạng. Đẩy mạnh thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã phường làm tốt công tác thương binh liệt sỹ và người có công”; huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công và gia đình người có công với cách mạng.

Về chính sách giảm nghèo, bảo trợ xã hội, theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, địa phương sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025; đề xuất chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo giai đoạn 2021-2025. Huy động, lồng ghép các nguồn lực hợp pháp cho công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều bình quân toàn tỉnh giảm còn 2-2,2%; duy trì và triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo chung và chính sách giảm nghèo đặc thù của tỉnh.

Đi cùng với đó, phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đa dạng, linh hoạt cả về chất lượng và số lượng theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu và khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là đối tượng yếu thế, người dân tộc thiểu số. Phát triển mạng lưới dịch vụ chăm sóc xã hội tại cộng đồng theo hướng xây dựng cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi chất lượng cao. Phát triển đội ngũ làm công tác xã hội đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến. Tổng kết, nhân rộng các mô hình chăm sóc, trợ giúp xã hội ngoài công lập.

Về chính sách việc làm, dạy nghề, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, địa phương sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hút đầu tư để tạo việc làm; thực hiện tốt chính sách tín dụng nhằm tạo việc làm thông qua hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm và từ các tổ chức tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giao dịch việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh công tác dự báo và thông tin thị trường lao động. Mặt khác, phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70-75%, trung bình hàng năm giải quyết việc làm mới trên 16.600 lao động.

Trên lĩnh vực bảo hiểm xã hội, địa phương sẽ triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về cải cách hành chính bảo hiểm xã hội. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, phù hợp, đa dạng, hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với khu vực nông nghiệp.Tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Để triển khai Kế hoạch, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan phối hợp triển khai thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách an sinh xã hội. Ngoài ra, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh thực hiện tốt công tác giải ngân các nguồn vốn vay cho các nhóm đối tượng có nhu cầu vay vốn. Trong đó, quan tâm đến việc cho vay giải quyết việc làm, vốn vay cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, sinh viên.

Phản hồi

Các tin khác