Cần sử dụng hiệu quả năng lượng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế
12

Nhà máy Thuỷ điện Sơn La (Ảnh: Duy Minh)

Nhiều ý kiến cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể nhìn trước trong giai đoạn 2020 - 2030 với những ngành có lợi thế so sánh tiếp tục giữ đà tăng trưởng ngang bằng hoặc cao hơn so với giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng trong các ngành kinh tế thường kéo theo những ảnh hưởng đến mức tiêu thụ năng lượng. Cụ thể:

Thứ nhất, lĩnh vực xây dựng, kết cấu hạ tầng và bất động sản tiếp tục tăng trưởng, thị trường vẫn sôi động, có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm kiếm lợi nhuận. Trong giai đoạn 2020 - 2030, Việt Nam diễn ra quá trình đô thị hóa mạnh mẽ do di động xã hội và dịch chuyển lao động ra các trung tâm đô thị. Tuy nhiên, các đô thị lớn của Việt Nam tiếp tục chịu một sức ép rất lớn về hạ tầng và dịch vụ do bùng nổ về dân số và phương tiện phục vụ. Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp sẽ tăng cao gấp nhiều lần, nguy cơ dẫn tới khủng hoảng thiếu năng lượng sẽ rất lớn, nhất là thiếu điện.

Thứ hai, lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng như phân phối bán lẻ, du lịch, giải trí, giáo dục, y tế tăng trưởng nhanh, chất lượng dần được nâng cao. Đây là lĩnh vực giàu tiềm năng phát triển, đóng góp tích cực hơn cho nền kinh tế bởi tầng lớp trung lưu phát triển mạnh, dân cư phần lớn sống tập trung tại các đô thị lớn. Nhu cầu sử dụng năng lượng trong lĩnh vực này tiếp tục tăng đều hàng năm nhưng không gây đột biến.

Thứ ba, các ngành truyền thống như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử; nông sản và thủy sản vẫn tiếp tục duy trì đà phát triển và có đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, để phát triển thuận lợi, lĩnh vực này cần nhanh chóng đổi mới công nghệ, phương thức sản xuất và mở rộng thị trường trong nước và ngoài nước. Lượng năng lượng tiêu thụ trong các ngành truyền thống dự báo không có nhiều thay đổi ở một số ngành chế biến, chế tạo, nhưng sẽ tăng nhanh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản do đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất ngày một nhiều.

Thứ tư, lĩnh vực dịch vụ sản xuất mạng lưới sản xuất, gia tăng chuỗi giá trị như dịch vụ hỗ trợ, logistics, công nghiệp hỗ trợ, đang có bước phát triển nhanh đồng hành với các lĩnh vực sản xuất khác. Lĩnh vực này phát triển nhanh nhưng không gây phát sinh thêm như cầu về năng lượng.

Thứ năm, tiềm năng phát triển ở những ngành kinh tế mới nổi như kinh tế xanh, kinh tế sáng tạo, kinh tế số, phát triển đô thị thông minh: Trong giai đoạn 2020 - 2030, một số ngành kinh tế mới nổi sẽ phát triển nhanh tại Việt Nam do hạ tầng từng bước được hoàn thiện; tuy nhiên, xu hướng phát triển các ngành kinh tế mới sẽ tập trung ở nhóm đối tượng năng động thích ứng nhanh với những thay đổi của công nghệ, tập trung ở các đô thị.

Do đó, theo Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ cần thực hiện các kế hoạch: 1) Về dài hạn, đòi hỏi phải tạo ra được cơ chế khuyến khích trở thành xã hội học tập, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo toàn diện, khuyến khích đô thị hóa tập trung một cách có hiệu quả, tiết kiệm triệt để, sử dụng tối ưu hóa các nguồn năng lượng, đảm bảo bền vững về môi trường. 2) Về trung hạn, cần hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế diễn ra nhanh hơn sang lĩnh vực công nghiệp - thương mại và dịch vụ. Mặt khác, cần thúc đẩy làm sâu sắc hơn quá trình hội nhập toàn cầu bằng cách phát huy tối đa phát triển khu vực nông nghiệp theo hướng thương mại hóa trên thị trường thế giới, nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và xây dựng các thể chế kinh tế vĩ mô vững chắc và tin cậy hơn. 3) Về ngắn hạn, cần ưu tiên thực hiện các biện pháp cải cách thể chế, giảm các quy định hành chính, thúc đẩy sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao, tăng cường kỹ năng cho lực lượng lao động phổ thông và tránh sử dụng lãng phí, kém hiệu quả các nguồn năng lượng hóa thạch, chuẩn bị sẵn sàng cho bước chuyển sử dụng các dạng năng lượng tái tạo.   

Nhìn chung, nền kinh tế Việt Năm tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2020 - 2030 và dự báo có thể kéo dài đến năm 2045. Để đạt được điều này, Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần nắm bắt được xu thế phát triển của thế giới, tận dụng năng lực nội sinh tập trung cho phát triển kinh tế và tìm kiếm những giải pháp sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng./.

Phản hồi

Các tin khác