Bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới tại huyện Hải Hà (Quảng Ninh)

Ông Hoàng Phi Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hà cho biết: Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Hải Hà đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao. Người dân thực sự là chủ thể của chương trình và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Từ một huyện miền núi nhiều khó khăn với xuất phát điểm thấp, đến hết năm 2020, Hải Hà đã đạt chuẩn 9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 56,1 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 0,87%; tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm vượt kế hoạch đề ra từ 18-20%. Quy mô kinh tế năm 2020 tăng gấp 3,2 lần so với năm 2015, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp, tăng tỷ trọng lao động ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Huyện ủy, UBND huyện Hải Hà đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và triển khai nhiều giải pháp sáng tạo nhằm huy động các nguồn lực cho các xã triển khai các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, thôn chuẩn, vườn chuẩn, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, nắm tình hình và định kỳ tổ chức họp, đánh giá, tổ chức kiểm tra trực tiếp việc triển khai thực hiện tại các thôn chuẩn, vườn chuẩn của các xã và triển khai phát động phong trào “Ngày nghỉ cùng Nhân dân” để huy động lực lượng duy trì tổ chức dọn vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp ít nhất 01 buổi/tuần. UBND các xã, các phòng chuyên môn đã chủ động triển khai các nhiệm vụ được phân công nhằm hoàn thiện hồ sơ công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2020 và hoàn thiện các nội dung phục vụ xây dựng hồ sơ đề nghị xét, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Thu hoạch chè tại huyện Hải Hà. (Ảnh: Trung Thành)

Có thể nói, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới tại huyện Hải Hà đã tạo không khí thi đua sôi nổi khắp các thôn, xóm; kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng phát triển sản xuất, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế; phương thức sản xuất đã chuyển đổi mạnh mẽ từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sang phát triển sản xuất hàng hóa, ứng dụng KHKT cho hiệu quả kinh tế cao; dịch vụ - thương mại phát triển mạnh, đúng hướng, chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng con người Hải Hà văn minh, thân thiện, năng động và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, hệ thống chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Các phong trào thi đua được phát động, triển khai sâu rộng, như: Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gắn với chung tay xây dựng nông thôn mới; thi đua xây dựng thôn đạt chuẩn nông thôn mới, hộ mẫu, vườn mẫu... Đã có 10/10 cơ sở hội, đoàn thể đăng ký hướng dẫn giúp 816 hộ gia đình đạt 5 tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch”; duy trì 184 mô hình phụ nữ bảo vệ môi trường, với 3.157 thành viên; tỷ lệ làng, bản, khu phố văn hóa đạt 80%, gia đình văn hóa đạt 92%.

Đặc biệt, Hải Hà xác định mục tiêu quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, do đó huyện đã lập và triển khai thực hiện thành công quy hoạch, đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển các vùng sản xuất tập trung trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; thực hiện chuyển giao KHKT trong sản xuất nông nghiệp, đưa giống mới vào sản xuất, bước đầu hình thành nhiều mô hình, dự án phát triển sản xuất đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, huyện Hải Hà đã huy động và sử dụng hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nguồn vốn đầu tư cho Chương trình xây dựng nông thôn mới. Các nguồn vốn được phân bổ, huyện đã quản lý, sử dụng đảm bảo đúng nguyên tắc, mục đích và đối tượng, triển khai có trọng tâm, trọng điểm, sử dụng hiệu quả nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án xây dựng công trình nông thôn mới trên địa bàn.

Tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Hải Hà giai đoạn 2010-2020 đạt hơn 9.367 tỷ đồng, trong đó: Vốn nhân dân đóng góp trên 3.536 tỷ đồng, chiếm 37,75% (gồm: Đóng góp trực tiếp tiền; hiến đất, vật kiến trúc, công lao động; đầu tư sản xuất, xây dựng công trình dân sinh); vốn vay tín dụng gần 3.800 tỷ đồng, chiếm 40,56%; nguồn vốn lồng ghép gần 1.489 tỷ đồng, chiếm 15,34%; nguồn huy động khác 1,2 tỷ đồng, chiếm 0,01%.

Các nguồn vốn đầu tư cho nông thôn mới được phân bổ, quản lý, sử dụng đảm bảo đúng nguyên tắc, mục đích và đối tượng. Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hoàn thiện các tiêu chí: Giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, vệ sinh môi trường và đầu tư phát triển sản xuất. Đồng thời, chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung triển khai có trọng tâm, trọng điểm, sử dụng hiệu quả nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án xây dựng công trình nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Trong năm 2021, huyện Hải Hà sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận huyện Hải Hà đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020; hoàn thiện Đề án xây dựng nông thôn mới huyện Hải Hà giai đoạn 2021-2025. Phấn đấu 2 xã Quảng Long, Quảng Minh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và xã Quảng Thành đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, huyện Hải Hà tiếp tục hướng tới nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, trong đó lấy sản xuất nông nghiệp sạch và an toàn sinh học, thân thiện với môi trường làm nền tảng, gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn và phù hợp với quá trình đô thị hóa, hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ; đầu tư nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình OCOP; đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường để xây dựng nông thôn mới bền vững. Tiếp tục đột phá, sáng tạo những cách làm và hướng đi mới để xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, với mục tiêu tiếp tục xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng KT-XH hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp với phát triển dịch vụ, du lịch theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn vững mạnh.

Phản hồi

Các tin khác