Liên kết trong chăn nuôi - mô hình điểm hiệu quả cao ở Lai Châu
Liên kết nuôi trâu vỗ béo - một mô hình điểm ở Lai Châu (Ảnh: Duy Minh)

Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới, sản xuất nông nghiệp theo phương thức sản xuất tự cấp, tự túc là chính; sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa lớn mới đang dần hình thành. Với chăn nuôi đại gia súc là thế mạnh của tỉnh, do vậy thời gian qua tỉnh đã có chính sách hỗ trợ nhân dân chuyển đổi phương thức chăn nuôi; các cấp uỷ đảng, các ngành, các cấp đã kiên trì vận động nhân dân nên đã tạo được phong trào làm chuồng trại, trồng cỏ và dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa Đông; kiểm soát được dịch bệnh và hạn chế tình trạng trâu, bò chết rét đặc biệt là ở các xã vùng cao. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều các mô hình chăn nuôi trâu theo nhóm hộ có áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh sản phẩm, nhất là mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi trâu để liên kết các hộ chăn nuôi với nhau, hỗ trợ nhau trong việc chọn giống, đổi công, trao đổi khoa học kỹ thuật, bán sản phẩm ra thị trường còn hạn chế.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế của các dự án chăn nuôi trâu, thông qua việc triển khai cho vay nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ nông dân xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường xây dựng mô hình tổ hợp tác nuôi trâu vỗ béo để liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong chăn nuôi, góp phần cùng với các cấp, các ngành đẩy mạnh việc hình thành các mô hình chăn nuôi theo hướng tập trung có áp dụng khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh sản phẩm. Đây là mô hình điểm và ngày càng được áp dụng rộng rãi tại các địa phương khác trong tỉnh.

Dự án “Nuôi trâu thương phẩm vỗ béo” được hoàn thiện và giải ngân vào tháng 5/2018, với 13 hộ tại 2 bản Phan Chu Hoa, Xì Miền Khan tham gia vay vốn Quỹ HTND tỉnh, với tổng số tiền cho vay là 1 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp với Hội Nông dân huyện Tam Đường và cấp ủy, chính quyền xã, Hội Nông dân xã lựa chọn và bình xét các hộ tham gia mô hình điểm (ưu tiên các hộ có kinh nghiệm chăn nuôi trâu, có điều kiện về tư liệu sản xuất, có khả năng áp dụng tốt khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhưng còn thiếu vốn), hoàn thiện hồ sơ dự án vay vốn, trong đó nâng mức vốn cho vay đối với các hộ tham gia (tối đa lên đến 100 triệu đồng/hộ).

Các hộ tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu thương phẩm, kỹ thuật ủ phân và trồng cỏ. 100% hộ vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, như: làm mới, tu sửa chuồng trại theo đúng kỹ thuật. Năm đầu, các hộ mua 23 con trâu để vỗ béo xuất bán, tiến hành trồng cỏ để chăn nuôi với diện tích 7.400m2 (bình quân 57m2/hộ).

Kết quả, tính đến đầu năm 2021, sau gần 3 năm triển khai thực hiện, trung bình mỗi năm, mỗi hộ vay vốn thực hiện 3 lần quay vòng vốn để đầu tư mua trâu vỗ béo và bán, mỗi lần bán lãi được từ 5 - 7 triệu đồng. Tiêu biểu như hộ ông Hầu A Tùng vay 90 triệu đồng, đã thực hiện mua - bán tổng cộng 9 con trâu, lãi thu về đạt 50 triệu đồng; hộ ông Vàng A Đằng vay 100 triệu đồng mua - bán tổng cộng 18 con trâu, thu lãi số tiền lãi 90 triệu đồng; hộ ông Sùng Páo Ly vay 90 triệu đồng mua - bán tổng cộng 10 con trâu, thu lãi trên 50 triệu đồng…

Qua việc thực hiện mô hình đã góp phần chuyển đổi tư duy trong chăn nuôi cho nhóm hộ, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, các hộ chủ động được nguồn thức ăn cho trâu từ thức ăn thô xanh gồm các loại cỏ, phụ phẩm nông nghiệp, thức ăn tinh như hạt ngũ cốc, cám... cùng với chủ động tiêm phòng dịch bệnh, đã giúp trâu khỏe mạnh, đạt trọng lượng tốt, chất lượng dinh dưỡng của trâu thịt được nâng cao.

Hiện nay, mô hình này vẫn hoạt động tốt, các hộ vẫn giữ liên kết chặt chẽ trong chăn nuôi, thường xuyên trao đổi về khoa học kỹ thuật cũng như việc bán sản phẩm và kinh nghiệm tìm hiểu thị trường tiêu thụ để quá trình chăn nuôi thuận lợi…

 

Phản hồi

Các tin khác