Xây dựng Đà Nẵng thành một trong 5 trung tâm nghề cá lớn của cả nước

Đây là khẳng định của ông Lưu Quang Khánh, Chi Cục trưởng Chi cục Thuỷ sản TP Đà Nẵng khi trao đổi về về những định hướng phát triển ngành kinh tế thuỷ sản của Đà Nẵng trong những năm tới.

Đà Nẵng đang tập trung phát triển và hiện đại đội tàu đánh bắt xa bờ.

Đà Nẵng đang tập trung phát triển và hiện đại đội tàu đánh bắt xa bờ.

Theo ông Khánh, Đà Nẵng là một trong những địa phương tại miền Trung có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển, nhất là phát triển nghề cá theo định hướng của Chiến lược biển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vừa qua.

“Trong những năm qua, Đà Nẵng đã phát huy lợi thế của một địa phương ven biển, có hệ thống cảng biển và cơ sở hạ tầng, số lượng tàu thuyền, các cơ sở chế biến và phân phối các sản phẩm từ biển. Nhờ đó, đến nay kinh tế biển của TP đã chiếm gần 70% trong cơ cấu ngành nông- lâm- thuỷ sản của địa phương”- ông Khánh cho biết thêm.

Thông tin thêm về thực trạng của ngành thuỷ sản TP hiện nay, Chi Cục trưởng Chi cục Thuỷ sản TP Đà Nẵng Lưu Quang Khánh chia sẻ: Nói đến thuỷ sản của TP, trước hết là đội ngũ tàu thuyền tham gia đánh bắt trên biển, một xu thế mới hiện nay rất đáng mừng là đến nay cơ cấu nghề, cơ cấu tàu thuyền của TP đã chuyển đổi theo hướng vươn khơi và hiện đại hóa nghề cá.

Thống kê cho thấy, tổng số tàu thuyền đánh cá trên địa bàn TP (tính đến 24/5/2021) là 1.241 chiếc, công suất bình quân 324 cv/tàu, trong đó tàu cá khai thác ven bờ có 325 tàu (26%), tàu cá khai thác vùng lộng có 320 tàu (26%) và tàu cá khai thác vùng khơi có 596 tàu (48%).

So với năm 2016, số tàu cá khai thác vùng khơi tăng 223 tàu, tàu cá khai thác vùng lộng, vùng ven bờ giảm 164 tàu, công suất bình quân tăng 127cv/tàu. “Rõ ràng, cơ cấu này đang phù hợp với xu thế phát triển, đưa nghề cá của TP hiện đại, đảm bảo yêu cầu quy hoạch và phát triển đội tàu vươn xa hiện nay và trong tương lai gần”- ông Lưu Quang Khánh nhấn mạnh.

Cùng với sự phát triển về số lượng và cơ cấu tàu thuyền, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá tại Đà Nẵng đã được đầu tư phát triển khá đồng bộ, khép kín, nhất là tại Khu Công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang (bao gồm cảng cá, chợ đầu mối thủy sản, khu neo đậu tránh trú bão, nhà máy chế biến, chợ hậu cần, kho bảo quản lạnh, cửa hàng vật tư, cơ sở sữa chữa trang thiết bị khai thác, cửa hàng xăng dầu và đội tàu cung ứng, xưởng sản xuất nước đá, cơ sở đóng sửa tàu, dịch vụ ăn, nghỉ, giải trí,....).

“Trong Khu Công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang, đáng kể là khu neo đậu tránh trú bão Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang có diện tích mặt nước là 58ha; diện tích trên bờ là 24ha. Sản lượng hải sản qua Cảng cá Thọ Quang trên 100.000 tấn/năm, đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 25.000 lao động, không chỉ phục vụ đơn thuần về lĩnh vực thủy sản mà còn giải quyết về an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch và thể hiện vai trò liên kết, thu hút nguyên liệu các tỉnh khu vực miền Trung”- Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản TP Đà Nẵng Lưu Quang Khánh cho biết thêm.

Để hiện đại hoá nghề cá và thực sự là địa phương phát triển mạnh về nghề biển, TP Đà Nẵng hằng năm tổ chức các đợt huấn luyện, diễn tập an toàn nghề biển.

Để hiện đại hoá nghề cá và thực sự là địa phương phát triển mạnh về nghề biển, TP Đà Nẵng hằng năm tổ chức các đợt huấn luyện, diễn tập an toàn nghề biển.

Khẳng định thêm về những nỗ lực của Đà Nẵng trong vấn đề đầu tư, phát triển nghề cá tại địa phương, ông Lưu Quang Khánh cho biết, hiện nay TP đang tiếp tục thực hiện dự án Nâng cấp Cảng cá Thọ Quang thành cảng cá loại 1 – kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Thọ Quang.

Cùng với đầu tư phát triển nâng cấp hệ thống hạ tầng nghề cá trên địa bàn, TP cũng đã thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao năng lực khai thác xa bờ. Theo đó, trong những năm qua Ban chỉ đạo Bảo vệ nguồn lợi và Phát triển thủy sản TP Đà Nẵng đã tham mưu UBND TP kịp thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp quản lý, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương về quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác, giảm tàu khai thác ven bờ; đồng thời tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Trung ương và địa phương .

Xuất phát từ các chính sách trên, từ năm 2016 đến nay, tại Đà Nẵng đã có 117 tàu cá hoạt động vùng khơi được đóng mới, trong đó 110 tàu cá được đóng mới theo Quyết định số 47/2014/QĐUBND và 07 tàu cá (05 tàu vỏ thép và 02 tàu vỏ gỗ) đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; thực hiện xả bản 130 phương tiện khai thác ở vùng biển ven bờ theo chính sách hỗ trợ tại Quyết định số 4991/QĐ-UBND; đã hỗ trợ lắp đặt 565 thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá khai thác ở vùng khơi, hỗ trợ 40% kinh phí bảo hiểm thân tàu cho 257 lượt tàu, hỗ trợ 50% kinh phí để trang bị máy, thiết bị dùng trong bảo quản sản phẩm; máy, thiết bị dùng trong khai thác thủy sản cho 02 tàu cá theo Nghị quyết số 255/2019/NQ-HĐND.

Việc hỗ trợ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá và kinh phí thuê bao năm đầu tiên cũng được chính quyền TP quan tâm hỗ trợ cho các chủ tàu cá, qua đó đã tạo điều kiện cho ngư dân chủ động giám sát được hoạt động của tàu cá, kịp thời phối hợp xử lý các tình huống tàu cá vi phạm vùng biển, phòng tránh thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và giúp cho cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương giám sát chặt chẽ hoạt động tàu cá, ngư trường, vùng biển khai thác nhằm xác định đúng đối tượng chi tiền hỗ trợ dầu cho ngư dân theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg cũng như giúp cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác cứu nạn, cứu hộ khi tàu gặp nạn; đồng thời góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định.

Tuy nhiên, mặc dù có nhiều quan tâm đầu tư cho kinh tế thuỷ sản, song hiện nay tại Đà Nẵng, lĩnh vực kinh tế này cũng đang đối mặt nhiều khó khan, thách thức. Trong các khó khăn đó, đáng lưu ý là số lượng tàu cá khai thác hải sản xa bờ tại Đà Nẵng đang tăng mạnh nhưng sản lượng đánh bắt hiện chưa tương xứng, chất lượng thủy sản chưa cao, dẫn đến giá sản phẩm vẫn còn thấp.

TP chưa xây dựng hoàn chỉnh chuỗi liên kết từ khai thác, thu mua và cung cấp dịch vụ hậu cần ngay trên biển. Trong khi đó, lực lượng lao động trên biển ngày càng khan hiếm, phần lớn lao động chưa được qua đào tạo đang là thách thức, áp lực trong phát triển ngành thủy sản.

Theo định hướng quy hoạch của Chính phủ, Đà Nẵng sẽ là một trong 5 trung tâm nghề cá lớn của cả nước trong những năm tới.

Theo định hướng quy hoạch của Chính phủ, Đà Nẵng sẽ là một trong 5 trung tâm nghề cá lớn của cả nước trong những năm tới.

Nói về những định hướng phát triển ngành thủy sản của TP Đà Nẵng hiện nay và sắp tới, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản TP cho hay, trên cơ sở định hướng từ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và của Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2020-2025 cùng các chính sách, quy hoạch có liên quan của Chính phủ, TP Đà Nẵng đang nỗ lực tập trung phát triển ngành thủy sản chuyển từ khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang hiện đại, tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao. Đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng nghề cá tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang để tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá, trở thành trung tâm dịch vụ nghề cá của khu vực.

Thúc đẩy các hoạt động khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính hủy diệt; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân.

Hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã; khuyến khích phát triển các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong khái thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường./.

Phản hồi

Các tin khác