Hội Nông dân Việt Nam: Khơi dậy tinh thần thi đua thời kỳ mới
Xây dựng người nông dân thời đại mới hiện đại, chuyên nghiệp và tác phong công nghiệp (Ảnh: PV)

“Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” 

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới và hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội Nông dân Việt Nam đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của Hội tham gia tích cực phong trào và đạt được nhiều thành tích trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như tổ chức triển khai thực hiện phong trào. 

Phong trào đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cụ thể hóa thành 3 phong trào lớn của Hội, đó là Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và “Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh”. 

Trung ương Hội đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/HNDTW ngày 21/7/2014 về nâng cao trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2014-2020; Nghị quyết số 27 - NQ/HNDTW ngày 29/6/2016 về tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn và tiếp tục thực hiện Phong trào “Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân”. 

Chung sức làm đường nông thôn mới trở nên phổ biến ở nhiều địa phương (Ảnh: PV)

Chung sức làm đường nông thôn mới diễn ra rộng khắp ở các địa phương (Ảnh: PV)

Song song, ký chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân Việt Nam, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Liên minh HTX Việt Nam trong xây dựng xã hội nông thôn văn minh hiện đại, HTX sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và chi hội nông dân nghề nghiệp giai đoạn 2020 - 2025; Ký Chương trình phối hợp với Chính phủ và Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017 - 2020; với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 về vận động nông dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. 

Phong trào đã được các cấp Hội và cán bộ, hội viên nông dân phấn khởi đón nhận và tích cực hưởng ứng, tham gia với vai trò là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới và đã có những đóng góp quan trọng vào thành tích chung của cả nước. Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” Hội Nông dân Việt Nam vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

“Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”

 

Chung tay vì người nghèo (Ảnh: PV)

Chung tay vì người nghèo (Ảnh: PV)

Với truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, trong những năm qua Hội đã đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, nâng cao đời sống đặc biệt là đối với các hộ nghèo về vốn, giống, vật tư, thiết bị nông nghiệp, kiến thức khoa học kỹ thuật...

Hàng năm, tổ chức phát động hưởng ứng Cuộc vận động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” trong cán bộ, hội viên nông dân với số tiền ủng hộ hơn 100 tỷ đồng. Chỉ đạo thành lập “Quỹ từ thiện Hạt Thóc Vàng” nhằm hỗ trợ nông dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng bị ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt. Tổ chức thực hiện các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo như “Nuôi bò sinh sản”, “Nuôi lợn nái sinh sản giống bản địa”...

Chăm lo Tết cho cán bộ, hội viên nông dân khó khăn và hộ hội viên nghèo với Chương trình “Tết làm điều hay”, các cấp Hội đã tích cực vận động cán bộ, hội viên nông dân, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tài trợ để hỗ trợ và trao 37.461 suất quà Tết cho 118.840 hộ nghèo trị giá 593 tỷ đồng. Trung ương Hội đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà các đồn biên phòng, các xã biên giới và các hộ nghèo 6 tỉnh biên giới phía Bắc nhân Kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc với số tiền và quà trị giá 500 triệu đồng.

Phối hợp tổ chức trên 30 chương trình từ thiện xã hội với tổng giá trị hàng hóa và tiền đạt 35.957 triệu đồng. Nổi bật là các chương trình: Hỗ trợ, cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ quét; khoan tặng giếng nước, xây dựng vườn rau dinh dưỡng; tặng thuyền cho nông dân các vùng rốn lũ; tặng quà cho Hội người mù và trẻ em khuyết tật; tặng quà đầu năm học mới, tổ chức Trung thu cho trẻ em nghèo miền núi; chương trình bát cháo tình thương cho bệnh nhân nghèo, “Tiếp sức nhà nông cho con em đến trường”. Tổ chức trao học bổng (6.608 suất học bổng Lương Định Của cho học sinh nghèo), máy tính; Hỗ trợ xây dựng trường học, lớp học, điểm trường, xây dựng nhà nội trú, bán trú cho giáo viên, học sinh; xây dựng tủ sách, vườn rau dinh dưỡng; hỗ trợ bữa cơm có thịt, tặng sách vở, đồ dùng học tập, áo ấm, chăn ấm, xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa…

Vận động và phối hợp với các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng thực hiện chương trình tặng quà bằng tiền mặt và hiện vật cho người nghèo trị giá hơn 52,2 tỷ đồng. Xây dựng nhà “Mái ấm nông dân”, “Nhà tình thương”, “Nhà tình nghĩa”  với 46.914 căn và tặng 10.449 sổ tiết kiệm trị giá 59,9 tỷ đồng, nhận phụng dưỡng 818 lượt Mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ 179.623 ngày công cho 23.352 hộ nghèo, giúp 48.232 hộ thoát nghèo; tặng 2.233 bồn nước, 20.894 thẻ bảo hiểm y tế, 417 công cụ sản xuất. 

Tăng cường kết nối, giúp đỡ các cảnh đời khó khăn với chuyên mục “Nhịp cầu nhân ái” trên Báo Nông thôn Ngày nay giới thiệu các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng, xã hội.

Đặc biệt, trong cuộc chiến chống đại dịch COVID - 19, cán bộ, hội viên nông dân vừa thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, vừa thi đua đẩy mạnh lao động, sản xuất, tăng gia phát kinh tế, quyên góp ủng hộ tiền, hiện vật, nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch trị giá hàng nghìn tỷ đồng như gạo, sản phẩm nông nghiệp, nhu yếu phẩm, thùng đựng nước, nhắn tin ủng hộ. Điển hình là Báo Nông thôn Ngày nay, Hội Nông dân TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Lai Châu...

"Doanh nghiệp Việt Nam Hội nhập và phát triển"

Định kỳ 2 năm 01 lần Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” trong toàn hệ thống Hội với mục đích nhằm khơi dậy phong trào sáng tạo kỹ thuật trong lao động sản xuất và đời sống của nông dân cả nước, góp phần đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn, phục vụ thiết thực cho đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. 

Phát huy tinh thần thi đua sản xuất giỏi trong nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp (Ảnh: PV)

Phát huy tinh thần thi đua sản xuất giỏi trong nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp (Ảnh: PV)

Tổ chức các diễn đàn, hội nghị, tọa đàm giúp nông dân khởi nghiệp nhằm hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng đề án, lập kế hoạch kinh doanh, tìm kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư, các chuyên gia và đại diện một số mô hình khởi nghiệp cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác, liên kết. Bước đầu một số mô hình khởi nghiệp trong nông nghiệp thành công đã tạo được khí thế và tinh thần khởi nghiệp trong nông dân.

Tổ chức thành công cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0” nhằm tôn vinh kịp thời những nông dân 4.0 sáng tạo, đồng thời tạo sức lan tỏa để có thêm nhiều nông dân 4.0. Đây là cuộc thi có ý nghĩa với các doanh nghiệp nông nghiệp và nông dân, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp giúp giảm thiểu công lao động, giảm thất thoát do thiên tai, sâu bệnh, tăng giá trị kinh tế. 

“Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”

Trung ương Hội đã xây dựng kế hoạch và phát động thực hiện phong trào đến các tỉnh, thành Hội và các ban, đơn vị thuộc Trung ương Hội; chỉ đạo từng tổ chức, đơn vị xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện cụ thể. 

Phong trào đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành động; tự giác thực hiện tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí qua đó tiếp tục xây dựng hình ảnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu, tận tụy, chuẩn mực, chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, tận tình, thân thiện; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua những việc làm cụ thể hàng ngày trong mọi lĩnh vực công tác. Xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, trong sạch, thân thiện, văn hóa. Phát động phong trào xây dựng phòng làm việc sạch đẹp, nhiều cây xanh./.

Phản hồi

Các tin khác