Hợp tác xã Minh Hoà Phát: Điểm sáng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng
12

Mô hình sản xuất cây có múi đạt tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã Minh Hoà Phát (Ảnh: D.M)

Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ - thương mại Minh Hoà Phát được thành lập từ năm 2017 tại ấp Hoà Cường, xã Minh Hoà, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương; với vốn điều lệ 1,1 tỷ đồng, gồm 17 thành viên, do ông Tống Văn Hướng làm Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Hợp tác xã.

Thời gian qua, được sự hỗ trợ và hướng dẫn của các cấp Hội Nông dân từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) Trung ương hỗ trợ giúp 10 hộ thành viên Hợp tác xã với số vốn 1 tỷ đồng (từ tháng 1/2018 đến tháng 1/2021) để Hợp tác xã triển khai dự án “Trồng và chăm sóc cây có múi”. Không những hỗ trợ về vốn, các cấp Hội đã tạo mọi điều kiện, từ khâu thủ tục thành lập, tổ chức học tập ở các tỉnh, thành, tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hỗ trợ vật tư như hệ thống tưới nước tiết kiệm cho 15ha trị giá 100 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng mô hình VietGAP cho 45ha, trị giá 2,7 tỷ đồng; các  cơ quan chức năng hỗ trợ xây dựng thương hiệu bưởi, cam, quýt cho Hợp tác xã. Đồng thời, UBND huyện Dầu Tiếng cũng đã thực hiện nhiều chương trình xúc tiến thương mại để tạo điều kiện đầu ra cho sản phẩm. Từ đó, Hợp tác xã Minh Hoà Phát đã xây dựng phương án sản xuất trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP để tạo ra sản phẩm sạch, có thương hiệu và đáp ứng yêu cầu của thị trường. Sản phẩm của Hợp tác xã có nguồn gốc, xuất xứ, có thương hiệu, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Với khoảng 2.000 tấn/vụ, Hợp tác xã trực tiếp tiêu thụ sản phẩm ra thị trường và phân phối đến các siêu thị, các chợ đầu mối,…

Theo ông Phạm Quang Vịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Hoà, khi Hợp tác xã Minh Hoà Phát đầu tư chăm sóc cây trồng theo hướng VietGAP có đăng ký thương hiệu thì đầu ra của sản phẩm ổn định, vì nhu cầu thị trường rất lớn. Nhưng, tổng số vốn cũng rất lớn, cần tới 41 tỷ đồng. Tuy nhiên, Hợp tác xã đã được Quỹ HTND Trung ương cho vay 1 tỷ đồng, số vốn còn lại Hợp tác xã tiếp cận từ các nguồn vốn khác, như nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, vốn vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và vốn tự có của các thành viên Hợp tác xã. Từ những kết quả bước đầu, Hợp tác xã sẽ tiếp tục gia tăng diện tích canh tác để mở rộng sản xuất vào những năm tiếp theo (diện tích sản xuất hiện nay là 120,8ha). Đồng thời, Hợp tác xã sẽ mở rộng hình thức sản xuất, kinh doanh theo hướng đa ngành nghề phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của Hợp tác xã cũng như sau này có thể cung cấp cây giống cho bà con nông dân có nhu cầu.

Hiện nay, Hợp tác xã Minh Hoà Phát đang thực hiện trồng cây có múi và một số loại cây ăn trái khác với công nghệ tưới nước, phân bón tự động. Nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nên Hợp tác xã đã giảm được chi phí lao động, bình quân cử 2ha chỉ cần 1 lao động (hiện Hợp tác xã có 70 lao động). Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây cao su sang cây có múi và tiết giảm được chi phí lao động, nên thu nhập bình quân của Hợp tác xã đạt từ 450 - 500 triệu đồng/ha/năm.

Cùng với nỗ lực phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất, Hợp tác xã Minh Hoà Phát còn tích cực đóng góp vào hoạt động của Hội Nông dân, như đóng góp vào Quỹ HTND; tặng quà cho các hộ khó khăn là hội viên nông dân; tặng quà cho con em nhập ngũ và các khoản đóng góp khác địa phương vận động với tổng số tiền trên 100 triệu đồng/năm.

Có thể thấy, hoạt động của Hợp tác xã Minh Hoà Phát đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn địa phương trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao cũng như góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động của tổ chức Hội Nông dân, củng cố vai trò của tổ chức Hội cơ sở ngày càng vững mạnh…/.

 

Phản hồi

Các tin khác