Khánh Hòa: Nhiều kết quả nổi bật qua 10 năm triển khai Chỉ thị số 08-CT/TW
Ảnh minh họa (Nguồn: KD)

Ảnh minh họa.(Nguồn: KD)

Nhận thức của cán bộ, đảng viên đối với vấn đề an toàn thực phẩm được nâng lên

UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới được nâng lên rõ rệt, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Sự chủ động phối hợp của các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động và phối hợp triển khai, giám sát thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm luôn kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và nhân dân nói chung. Ý thức, trách nhiệm lãnh đạo của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền các địa phương, các cơ quan, đơn vị được nâng lên và đã có sự quan tâm đúng mức về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cùng với đó, ý thức của đại bộ phận nhân dân trong việc sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm đảm bảo an toàn cũng đã được nâng cao, qua đó, chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, kiểm soát tốt an toàn thực phẩm, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao sức khỏe của người dân.

Bên cạnh các kết quả trên, trong 10 năm qua, các sở, ngành, địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; huy động đài phát thanh, truyền hình, báo chí dành nhiều thời gian, thời lượng phát sóng, đưa tin tuyên truyền về an toàn thực phẩm, phát huy hệ thống đài truyền thanh ở xã, phường, khu phố để tập trung chuyển tải các thông điệp về an toàn thực phẩm.

Tiêu biểu, đối với ngành Y tế, trong 10 năm từ năm 2011-2020, đã tổ chức 5.827 lớp tập huấn, tọa đàm, hội thảo, nói chuyện truyền thông về an toàn thực phẩm cho đa dạng các nhóm đối tượng: cán bộ quản lý an toàn thực phẩm tuyến huyện, tuyến xã; người sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống; người tiêu dùng,… Ngoài ra, Sở Y tế thường xuyên đăng tải trên website các tài liệu truyền thông, đặc biệt các thông tin cảnh báo của Cục An toàn thực phẩm, công khai tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm bị xử lý theo quy định.

Cùng với kết quả trên, hàng năm, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công Thương đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm tuyến huyện và xã trên địa bàn tỉnh. Qua đó góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm cho đội ngũ cán bộ tuyến dưới.

Bên cạnh đó, triển khai các mô hình mới, hiệu quả bảo đảm an toàn thực phẩm, trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai tư vấn, hướng dẫn thành công 9 mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn bao gồm: Mô hình cung cấp rau an toàn theo VietGAP tại xã Ninh Đông (Thị xã Ninh Hòa); mô hình cung cấp rau an toàn theo VietGAP tại thôn Đắc Lộc (TP. Nha Trang); mô hình trồng bưởi da xanh, xoài, sầu riêng trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh; mô hình VietGAP tỏi Ninh Vân, tỏi Ninh Phước (thuộc Thị xã Ninh Hòa) và tỏi Vạn Hưng (thuộc Huyện Vạn Ninh),…

Ngoài ra, trong thời gian từ 2007 đến nay, toàn tỉnh đã tiến hành thanh, kiểm tra tại 109.977 lượt cơ sở, phát hiện 23.581 cơ sở vi phạm, chiếm tỷ lệ 21,44 %. Kết quả, số cơ sở vi phạm bị xử lý 2.965 cơ sở; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 11.368,505 triệu đồng.

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, để tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Đi cùng với đó, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm để nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và của người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng  an toàn thực phẩm. Tiếp tục phòng, chống có hiệu quả ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Bên cạnh đó, địa phương sẽ bố trí đủ kinh phí, nhân lực và phương tiện... nhằm đảm bảo nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ theo yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm hiện nay.

Đặc biệt, Khánh Hòa sẽ chú ý đến việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, phát triển hợp tác xã kiểu mới, phát triển liên kết trong sản xuất và hỗ trợ phát triển chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tuyên truyền, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.

Ngoài ra, Khánh Hòa sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý của các cấp chính quyền; gắn kết trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm. Đưa tiêu chí bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương hàng năm.

Ngoài ra, địa phương sẽ nhân rộng, phát triển các mô hình chuỗi cung cấp nông lâm thủy sản an toàn theo VietGAP; đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ nông, thủy sản giữa người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác để khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, qua đó nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, xây dựng chiến lược về bảo đảm an toàn thực phẩm theo từng giai đoạn làm định hướng cho việc đổi mới quản lý an toàn thực phẩm; đổi mới công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo hướng kiểm soát nguy cơ ô nhiễm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm./.

Phản hồi

Các tin khác