Đảng và Nhà nước ta đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững, đưa quan điểm phát triển bền vững vào các nghị quyết và chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Phát triển nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế
5 năm qua (2015-2020), phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân đã được toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, các cấp, các ngành vào cuộc quyết liệt, đồng bộ với nhiều chủ trương, giải pháp mạnh mẽ, đột phá; nhiều mô hình mới, cách làm hay, các điển hình trong lao động sản xuất đã tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ cả chiều rộng và chiều sâu.
Nông nghiệp không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế mà còn vươn lên trở thành ngành kinh tế năng động, phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế thế giới. Đặc biệt, khi kinh tế - xã hội khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, nông nghiệp đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, thặng dư xuất khẩu cao mang lại nhiều ngoại tệ cho đất nước, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - chính trị - xã hội và phát triển đất nước.
Mặc dầu vậy, nông nghiệp Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, sản xuất nông nghiệp vẫn đang ở quy mô hộ, nhỏ lẻ, phân tán và đây là nút thắt trong hội nhập quốc tế, giảm khả năng cạnh tranh, khó khăn trong kiểm soát về chất lượng, quy trình, giá thành.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mục tiêu cụ thể của ngành nông nghiệp đến năm 2025 là: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 2,5 - 3,0%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 48 - 50 tỷ USD. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%. Thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn gấp 1,5 lần năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%, tăng cường chất lượng rừng.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, cần chú trọng thực hiện, giải quyết đồng bộ, tổng thể 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp bao gồm: tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về “Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế” đến các cấp, ngành, địa phương và người dân; thay đổi nhận thức và cách tiếp cận về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu. Đồng thời, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành; thông tin, dự báo tình hình thị trường, tranh thủ lợi thế các Hiệp định thương mại tự do và các cam kết quốc tế để ổn định, giữ vững các thị trường truyền thống, quy mô lớn, phát triển thị trường mới.
Phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, thông minh tăng tỷ trọng chế biến sâu để giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm. Phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, chế biến kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và quốc tế.
|
Phát triển nông nghiệp - nông thôn - nông dân tiên tiến, hiện đại và hiệu quả. (Ảnh: PV)
|
Chuyển đổi “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, chuyển đổi số và công nghệ viễn thám... là cơ hội để chúng ta nắm bắt các công nghệ mới, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đẩy mạnh sự phát triển của ngành Nông nghiệp trong điều kiện bị tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và các rào cản phi thuế quan của các hiệp định hợp tác kinh tế tự do song phương và đa phương thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, cũng như trong bối cảnh bình thường mới với tác động của dịch COVID-19.
Do đó, nếu sản xuất nông nghiệp chỉ lấy sản lượng làm mục tiêu, đó chỉ mới là "tư duy sản xuất nông nghiệp” mà tư duy này hiện không còn phù hợp với xu hướng của thời đại nữa. Ở tình hình mới, phải tập trung vào tư duy kinh tế thị trường, căn cứ vào quy luật cung - cầu với sự điều tiết hợp lý của nhà nước, lấy thị trường làm định hướng sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với phát triển các liên kết ngang và liên kết dọc, đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo, các mô hình mới trong sản xuất kinh doanh, quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu người tiêu dùng, tạo ra thêm dịch vụ, trải nghiệm mới trên chính thửa ruộng, mảnh vườn, gia tăng thêm giá trị, nói cách khác đó chính là "tư duy kinh tế nông nghiệp".
Để có thể chuyển đổi tư duy trên, kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới cùng một số địa phương trong cả nước đã chỉ ra, cần chú ý tới xây dựng nông thôn mới, phát triển cộng đồng dân cư, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, liên kết tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất, gắn sản xuất, chế biến với thị trường, lấy thị trường là tín hiệu đầu vào cho sản xuất. Đặc biệt, cần sự thay đổi lối sống và cách nghĩ của mỗi người nông dân, từ đó, phát huy vai trò, nguồn lực trong cộng đồng dân cư, tiến tới hợp tác, chia sẻ và cùng giúp nhau làm giàu.
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn nông dân hiện đại, tiên tiến và văn minh
|
Đổi mới, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ mới. (Ảnh: PV)
|
Để thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, cần tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X "Về nông nghiệp, nông thôn, nôn dân"; Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/2/2013, của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ năm khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”; Kết luận số 97-KL/TW ngày 9/5/2014 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đồng thời triển khai có hiệu quả Luật Hợp tác xã, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể.
Theo đó, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành, cơ cấu sản phẩm gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp vừa phải theo cơ chế thị trường, vừa phải bảo đảm các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng, chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng sang nâng cao chất lượng, hiệu quả, tăng giá trị, lợi nhuận.
Làm được như vậy, cần có sự vào cuộc với quyết tâm cao và nỗ lực to lớn của các cấp ủy, chính quyền, các bộ, ngành cùng với nông dân và các doanh nghiệp.
Trước hết, tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, bộ, ngành, bà con nông dân, các thành phần kinh tế khác trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ. Tiếp đến, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch sản xuất.
Sau đó, triển khai song song hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và phát triển thị trường theo hướng tái cơ cấu thị trường nội địa, phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ; chú trọng hơn nữa vào phát triển thị trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng khuyến khích phát triển doanh nghiệp xã hội, bảo đảm lợi ích người sản xuất trực tiếp. Đồng thời, củng cố, kiện toàn và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, từng bước đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Thêm vào đó, chú trọng và thúc đẩy phát triển các mô hình liên kết, khuyến khích phát triển các mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển theo hướng gia trại, trang trại có quy mô phù hợp, sản xuất hàng hóa lớn. Hình thành các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh hiện đại và chuyên nghiệp, phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, liên kết dọc sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, liên kết nông nghiệp với công nghiệp và kinh tế đô thị. Tập trung phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; Chủ động triển khai các biện pháp thích ứng và đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Có chính sách huy động vốn và hỗ trợ tài chính thích hợp, đầu tư phát triển nông nghiệp – nông thôn ngày càng hiện đại và tiên tiến; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong sản xuất nông nghiệp hiện đại và bền vững, xây dựng nông dân mới làm chủ nông thôn mới khi hội nhập, phát triển./.
Lê Nguyễn