Phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế là trung tâm lớn của cả nước về GD-ĐT đa ngành
ảnh

Phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế là trung tâm lớn của cả nước về giáo dục - đào tạo

đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. (Ảnh: Hoài An)

Phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế là trung tâm lớn của cả nước về giáo dục - đào tạo đa ngành

Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XIV) về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước, giáo dục và đào tạo của tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều chỉ tiêu tại Nghị quyết đều đạt và vượt. Đồng thời, tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở các cấp học, tạo nền tảng quan trọng để phát triển toàn diện, vững chắc. Cải cách hành chính trong giáo dục được chú trọng; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong trường học có nhiều chuyển biến tích cực.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định nhiều mục tiêu quan trọng. Trong đó, hướng đến xây dựng Thừa Thiên Huế là trung tâm lớn của cả nước về giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Đổi mới toàn diện giáo dục Phổ thông, giáo dục Nghề nghiệp và giáo dục Đại học, phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia. Đồng thời, xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực có trọng tâm, trọng điểm, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực có lợi thế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong bối cảnh mới.

Cụ thể, Thừa Thiên Huế phấn đấu đến năm 2025, Đại học Huế có từ 150 - 155 ngành đào tạo đại học; 95 - 100 ngành đào tạo thạc sĩ, 55 - 60 ngành đào tạo tiến sĩ; 20 - 30 ngành đào tạo trọng điểm, tiên tiến và đào tạo liên kết quốc tế…

Bên cạnh đó, có ít nhất 90% sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành đào tạo, khởi nghiệp hoặc tiếp tục học tập, nghiên cứu. Quy mô tuyển sinh mới hàng năm: 11.000 - 12.000 sinh viên.

Đồng thời, phấn đấu đến năm 2025, có 1.400 tiến sĩ, trong đó có 400 giảng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Ngoài ra, 100% các cơ sở đào tạo nghề được chuẩn hóa theo chuẩn quốc gia, trong đó, một số tiêu chí tiếp cận trình độ các nước ASEAN và quốc tế.

Ngoài ra, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh huy động được ít nhất 43% trẻ em độ tuổi nhà trẻ, 98% trẻ em độ tuổi mẫu giáo đến trường; 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, trung học cơ sở. Đồng thời, xếp hạng tốt nghiệp trung học phổ thông nằm trong top 15 của quốc gia. Trung bình đạt 1 giải quốc tế/năm; trên 80% học sinh dự thi quốc gia đạt giải.

Ngoài ra, phấn đấu tăng tỉ lệ trường đạt kiểm định chất lượng, trường đạt chuẩn quốc gia ở tất cả các cấp bậc học lên 90%.

Triển khai các giải pháp đồng bộ

Nhằm đạt được các mục tiêu trên, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết, địa phương sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp bảo đảm quy hoạch mạng lưới trường, lớp và cơ sở đào tạo. Hoàn thiện Đại học Huế theo mô hình - cấu trúc Đại học Quốc gia.

Đồng thời, quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp theo hướng thu gọn đầu mối, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội, dân cư. Rà soát, đánh giá, phân cấp mạng lưới hệ thống giáo dục đại học, phổ thông hợp lý để ưu tiên đầu tư thích đáng cho một số trường học, lĩnh vực thế mạnh.

Tập trung nguồn lực hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu. Chú trọng xây dựng môi trường, cảnh quan trường học lành mạnh, thân thiện; thiết bị dạy học, thư viện thông minh; ký túc xá văn minh, an toàn cho sinh viên, học sinh. Tăng cường đầu tư trường, cụm lớp cho cấp học mầm non; bảo đảm đủ trường, lớp cho học sinh học 2 buổi/ngày. Nâng tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia; xây dựng ít nhất mỗi huyện, thị xã, thành phố Huế có một trường học kiểu mẫu ở mỗi cấp học. Tăng cường hỗ trợ phát triển giáo dục đối với vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách.

Đi cùng với đó, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới giáo dục nghề nghiệp theo hướng đồng bộ, tinh gọn, cơ cấu hợp lý cả về trình độ và ngành nghề đào tạo; đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

Đáng chú ý, địa phương sẽ nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu bảo đảm chuẩn hóa, đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu theo vị trí việc làm. Rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Chú trọng đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo và yêu cầu hội nhập.

Ngoài ra, địa phương sẽ tăng cường chăm lo đời sống, môi trường làm việc cho cán bộ, giáo viên, đặc biệt là ở vùng miền núi và vùng khó khăn. Khắc phục tình trạng thiếu giảng viên có trình độ cao trong các trường cao đẳng, đại học. Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học; gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học để hình thành đội ngũ chuyên gia, cán bộ đầu đàn trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn và có lợi thế của tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh sẽ chú trọng xây dựng văn hóa học đường gắn với tăng cường giáo dục đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Trau dồi lý tưởng cách mạng, đạo đức; tình yêu gia đình, Tổ quốc, đồng bào; bồi đắp, phát huy giá trị văn hóa và con người Huế; sống tích cực, lành mạnh, trách nhiệm trong học sinh, sinh viên.

Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế sẽ tập trung thực hiện tốt chương trình đổi mới giáo dục phổ thông. Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh; tập trung đầu tư cho môn ngoại ngữ, tin học. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục địa phương; chú trọng giáo dục phát triển toàn diện, giáo dục thể chất, nâng cao thể lực, sức khoẻ, tầm vóc, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên,…/.

Phản hồi

Các tin khác