Đạ Tẻh sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM
Diện

Diện mạo nông thôn mới huyện Đạ Tẻh có những thay đổi khang trang
(Ảnh: Ban Tuyên giáo huyện Đạ Tẻh)

Năm 2010, khi bắt tay vào triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn huyện chỉ có 5 xã thuộc diện xã nghèo và xã đặc biệt khó khăn; bình quân mỗi xã đạt 3,3 tiêu chí xã nông thôn mới, chủ yếu đạt chuẩn tiêu chí bưu điện và an ninh trật tự; hầu hết các tiêu chí về kết cấu hạ tầng và sản xuất không đạt chuẩn; địa bàn các xã trải dài, kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển chậm, đầu tư nhỏ lẻ, chắp vá. Về giao thông đối ngoại, trên địa bàn huyện chỉ có 2 tuyến tỉnh lộ, không có quốc lộ...

Phát huy truyền thống địa phương hơn 30 năm tuổi, từng được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đạ Tẻh không ngừng nỗ lực thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM. Trong 10 năm, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 đạt khoảng trên 3.087,7 tỷ đồng. Từ nguồn vốn huy động được, huyện đã đầu tư tăng cường kết cấu hạ tầng thiết yếu theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Hệ thống đường giao thông toàn huyện dài 341,9 km, được nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa đạt chuẩn 277,5 km, đạt 81,2%, tăng 34,6% so với năm 2010.

Huyện cũng đã đầu tư và đưa vào sử dụng một số công trình thủy lợi quan trọng ở một số địa phương khó khăn về nguồn nước tưới và nước sinh hoạt. Ngành điện huyện Đạ Tẻh tiếp tục có sự đầu tư, mở rộng, nâng cấp hệ thống trụ, trạm biến áp và dây dẫn để đảm bảo cung cấp nguồn điện ổn định, sử dụng điện an toàn. Một số địa bàn vùng xa đã có điện hạ thế phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Năm 2010, tỷ lệ hộ dùng điện đạt 83%; đến năm 2020, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,85%; 8/8 xã đạt chuẩn tiêu chí điện và duy trì kết quả đạt chuẩn đến nay. Hiện có 23/38 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 65,7%; có 8/8 xã đạt chuẩn cơ sở vật chất văn hóa, tăng 7 xã so với năm 2010.

Đặc biệt, trong 10 năm qua huyện Đạ Tẻh ưu tiên chuyển đổi sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung vào nhóm cây trồng chủ lực là: Dâu tằm, lúa chất lượng cao, tre tầm vông, cao su, cây ăn quả, từ đó, kinh tế nông nghiệp ở nông thôn có chuyển biến khá nhanh. Trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô khá, như: Vùng sản xuất trồng dâu nuôi tằm 1.500 ha trên địa bàn 8/8 xã, doanh thu bình quân đạt 220 triệu đồng/ha; cây ăn trái 1.200 ha (quýt, sầu riêng, bưởi da xanh) ở xã Đạ Lây, Mỹ Đức, Quốc Oai, Quảng Trị, một số mô hình đạt doanh thu từ 700 - 1.000 triệu đồng/ha…giúp người dân thoát nghèo.

Diện

Mô hình trồng dâu nuôi tằm là một trong những hướng đi thoát nghèo của người dân ở Đạ Tẻh
(Ảnh: Báo Lâm Đồng)

Từ 2.316 hộ nghèo (năm 2010), đến nay huyện chỉ còn 430 hộ, chiếm 3,49%. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 46,38 triệu đồng/năm. Có 100% xã, thị trấn được công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” theo quy định; lực lượng công an 100% xã, thị trấn được xây dựng, củng cố trong sạch, vững mạnh, đạt danh hiệu đơn vị tiên tiến trở lên.

Các lĩnh vực văn hóa tinh thần được phát huy và tăng cường công tác xã hội hóa; diện mạo nông thôn huyện Đạ Tẻh thay đổi rõ rệt; đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được quan tâm; sử dụng hiệu quả của nhà sinh hoạt cộng đồng và các công trình phúc lợi về lĩnh vực văn hóa; hoạt động thể dục, thể thao quần chúng là một trong những đơn vị lá cờ đầu của tỉnh; công tác khuyến học, khuyến tài được chú trọng…

Ngày 12/1/2021, huyện Đạ Tẻh đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Đây là động lực để huyện Đạ Tẻh tiếp tục phấn đấu trở thành đơn vị kinh tế chủ lực của 3 huyện phía Tây Nam tỉnh Lâm Đồng, có hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ và ngày càng hiện đại vào năm 2025. Phấn đấu, năm 2025, huyện sẽ có 8/8 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao; 5/8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về tiêu chí: Môi trường, an ninh trật tự, giáo dục, hành chính công, sản xuất./.

Phản hồi

Các tin khác