Động lực phát triển từ nghị quyết đem lại lợi ích thiết thực cho đời sống nhân dân
12

Động lực phát triển từ nghị quyết đem lại lợi ích thiết thực phục vụ đời sống nhân dân (Ảnh: H.N)

Sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 105/105 xã có hệ thống điện đảm bảo quy chuẩn, đạt tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn. Chất lượng dịch vụ cung cấp điện ổn định, tạo động lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

Tuy nhiên, đến nay, toàn tỉnh mới có hơn 300 km đường trục xã, liên thôn và ngõ xóm được cứng hóa có điện chiếu sáng theo quy chuẩn, đạt tỷ lệ thấp với 9,7%. Trong đó, đường trục xã, liên xã là 130 km, đường trục thôn, liên thôn là 134 km và đường ngõ xóm là 67 km.

Hiện còn khoảng hơn 3.000 km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, có rãnh thoát nước thải, nhưng chưa có điện chiếu sáng theo quy chuẩn, tập trung ở các xã vùng sâu, vùng xa và miền núi, điều kiện kinh tế còn khó khăn.

Trên những tuyến đường này, giao thông chật hẹp, nhiều ngã ba, ngã tư nhưng không có điện chiếu sáng (hoặc chưa đảm bảo quy chuẩn), tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, an ninh trật tự và các tệ nạn xã hội…

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo Lưu Xuân Năm cho biết: "Hiện nay, tỷ lệ đường liên thôn, ngõ xóm có hệ thống điện chiếu sáng ở địa phương đạt khoảng 50%. Tùy từng tổng mức đầu tư, mỗi hộ phải đóng góp khoảng 1 triệu đồng để lắp đặt hệ thống điện tại các trục đường này.

Ngoài ra, hằng tháng, các hộ phải đóng góp thêm tiền để duy trì việc chiếu sáng phục vụ đi lại của nhân dân vào ban đêm. Thời gian tới, nếu tỉnh có cơ chế hỗ trợ đầu tư hệ thống điện đảm bảo quy chuẩn, chính quyền địa phương và nhân dân rất phấn khởi, nhất trí ủng hộ cao, bởi chính sách góp phần giảm bớt gánh nặng kinh tế cho người dân, nhất là đối với các khu vực thưa dân cư, chưa có điều kiện tài chính đóng góp, đầu tư lưới điện".

Theo ghi nhận, mặc dù nhiều tuyến đường có hệ thống chiếu sáng, nhưng thiết bị lắp đặt do người dân tự mua nên thiếu tính đồng bộ; nhiều trụ đèn, chao đèn tự chế bằng cột gỗ, cột tre chưa đảm bảo quy chuẩn; việc sử dụng bóng đèn compac vừa tiêu hao điện năng, vừa hạn chế độ phủ sáng; hệ thống dây điện chằng chịt, không đảm bảo mỹ quan, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về tài sản, con người, nhất là trong mùa mưa bão.

Theo đánh giá của ngành Công thương, trước đây, nhờ dự án ReII, hệ thống hạ tầng điện nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện, nâng cao hơn. Tuy nhiên, thời điểm đó, việc đầu tư hệ thống chiếu sáng đường giao thông trục xã, liên thôn, ngõ xóm chưa được tính toán đến, khó có khả năng thực hiện do nguồn kinh phí hạn hẹp.

Trong khi ngân sách địa phương hạn chế, việc huy động các nguồn lực rất khó khăn vì không mang lại lợi ích, hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống điện chiếu sáng đường giao thông khu vực nông thôn là rất cần thiết, cấp bách.

Đối tượng được hưởng cơ chế hỗ trợ là các xã nông thôn (có hệ thống giao thông được cứng hóa, nhưng chưa có điện chiếu sáng hoặc có hệ thống điện chiếu sáng nhưng không đảm bảo quy chuẩn). Việc hỗ trợ được thực hiện khi các xã cam kết huy động đủ nguồn vốn đối ứng; khuyến khích các nguồn vốn hỗ trợ hợp pháp khác; có sự đồng thuận của nhân dân trong quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng định kỳ, chi trả tiền điện thắp sáng hằng tháng...

Ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng (không quá 4 tỷ đồng/xã); 50% chi phí xây dựng còn lại do ngân sách cấp huyện, xã đảm bảo. Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 hơn 400 tỷ đồng.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xây dựng báo cáo đánh giá tác động của chính sách; tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân... để hoàn thiện dự thảo nghị quyết và trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp cuối năm 2021.

Nghị quyết được ban hành và đưa vào cuộc sống sẽ phát huy hiệu quả trong góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân; tạo động lực phát triển kinh tế ở các vùng nông thôn, phấn đấu đưa tỉnh trở thành đô thị loại I vào năm 2030.

Phản hồi

Các tin khác