Người dân trồng cam ở Tây Phong thi đua làm giàu chính đáng
Cam Cao Phong - Hoà Bình (Nguồn: doanhnghiepvn.vn)

Tây Phong là xã miền núi nằm phía Tây Nam của huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Với tổng diện tích đất tự nhiên 2179,76 ha, có địa hình chủ yếu dạng đồi núi thoải hình bát úp nên thoát nước tốt, thích nghi cho cây phát triển, nhất là cây cam, cũng như các cây có múi khác.

Nhận thấy cây mũi nhọn chủ lực của huyện Cao Phong là cây cam đã đem lại thu nhập cao và có hướng phát triển ổn định, để phát huy thế mạnh của hội viên nông dân trong xã về lĩnh vực trồng trọt, Hội Nông dân xã Tây Phong đã đề xuất với Hội Nông dân huyện Cao Phong xin được vay vốn Quỹ HTND để đầu tư cho mô hình trồng cam. Được sự nhất trí của cấp uỷ, Hội Nông dân các cấp, Hội Nông dân xã Tây Phong đã báo cáo lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Tây Phong về việc tiếp nhận vốn vay, đồng thời tiến hành họp Ban Chấp hành thống nhất lựa chọn địa bàn tham gia dự án tại 3 chi hội là xóm Lãi, xóm Bằng và Phố Bằng. Theo đó, các chi hội triển khai họp bình xét công khai các hộ vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân và đã chọn được 20 hộ đủ điều kiện tham gia dự án.

Tháng 2/2017, dự án “Trồng và chăm sóc cam” tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong được Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phê duyệt cho vay với tổng số tiền thực hiện dự án là 4,61 tỷ đồng, trong đó vốn vay từ nguồn Quỹ HTND Trung ương là 1,5 tỷ đồng cho 20 hộ vay, mỗi hộ được vay từ 50 - 100 triệu đồng (tuỳ theo quy mô và khả năng tài chính của từng hộ), thời hạn vay trong 3 năm.

Từ nguồn vốn vay của Quỹ HTND kết hợp với số vốn tự có của mình, các hội đã đầu tư trồng mới hơn 2ha cam, chăm sóc 17,5ha vườn cam nâng cao chất lượng theo quy trình VietGAP, đi liền với bảo vệ, giữ gìn thương hiệu, uy tín sản phẩm. Nhờ đó, thương hiệu cam Cao Phong luôn có thị trường tiêu thụ ổn định, thuận lợi. Một vài nhà vườn đã đón các khách trong tỉnh và tỉnh bạn đến thăm quan, tìm hiểu mô hình như Bắc Kạn, Khánh Hoà, Hà Tĩnh, Yên Bái,… Các đoàn khách bạn không chỉ đến để trải nghiệm cam mùa chính vụ mà còn học hỏi về cách làm, mô hình sản xuất hiệu quả của người trồng cam nơi đây.

Đến nay, nhờ có vốn vay từ Quỹ HTND Trung ương, đồng thời được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, đoàn thể, vườn cam của các hộ đã phát triển tốt, người dân sản xuất theo quy trình VietGAP để cam vừa có giá trị dinh dưỡng cao, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng; chính vì vậy, giá trị kinh tế thu được cao hơn rất nhiều lần so với trước đây. Thu nhập bình quân của mỗi hộ tham gia dự án đạt trên 100 triệu đồng/năm; đồng thời giúp đỡ được 5 hộ trong thôn thoát nghèo, có hộ đã vươn lên khá, giàu. Ngoài ra còn giúp tạo việc làm có thu nhập ổn định cho trên 40 lao động ở nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giầu bền vững.

Nhìn chung, các hộ vay vốn đều cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích được duyệt, trả nợ gốc và phí đầy đủ đúng hạn. Các hộ cũng thống nhất lịch sinh hoạt định kỳ 3 tháng/lần, tích cực đóng góp để xây dựng ủng hộ Quỹ HTND với mức từ 100.000 - 400.000 đồng/hộ/năm và đồng thời các hộ tham gia dự án cam kết sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học.

Qua dự án, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Chẳng hạn, theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Tây Phong Hoàng Văn Long, vườn cam của bà Ngô Thị Hằng ở xóm Lãi là một trong số 20 hộ hội viên nông dân tham gia thực hiện mô hình. Gia đình bà được vay từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương 80 triệu đồng để đầu tư cho vườn cam có tổng diện tích hơn 2ha. Trong quá trình tham gia dự án, gia đình bà được hỗ trợ mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời được hướng dẫn, huấn luyện sản xuất an toàn thực phẩm theo quy trình VietGAP. Cũng từ đây, với nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng của của khâu sản xuất bảo đảm an toàn vì sức khoẻ của gia đình, của người tiêu dùng và môi trường bền vững, bà đã lựa chọn sản phẩm phân bón vi sinh để chăm sóc cam. Qua 3 năm đã cho thu được hơn 40 tấn cam, trong đó có hơn 15 tấn cam V2, còn lại là cam Canh. Mặt khác, nhờ sản xuất theo quy trình VietGAP, bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm theo định hướng của mô hình nên cam có mẫu mã đẹp, chất lượng đảm bảo, tiêu thụ tốt, với giá bình quân 30.000 đồng/kg.

Dự án cũng đã góp phần giải quyết thêm được nhiều việc làm mới cho 20 hộ dân từ việc trồng cam với khoảng 600 lao động thời vụ, nâng cao đời sống của các hộ tham gia dự án, góp phần quan trọng vào công tác xoá đói, giảm nghèo của địa phương. Thông qua dự án vay vốn Quỹ HTND, đã thu hút thêm nhiều nông dân tham gia vào Hội. Trong 3 năm qua, Hội Nông dân xã Tây Phong đã kết nạp 25 hội viên mới; vận động hội viên nông dân đóng góp xây dựng Quỹ HTND huyện Cao Phong 19 triệu đồng. Qua đó, tham gia đẩy mạnh các phong trào thi đua của Hội, tạo điều kiện cho Hội có thêm cơ sở để phát động sâu rộng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” và phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới…

Phản hồi

Các tin khác