(ĐHXIII) - Với vai trò là cơ quan tham mưu trực tiếp về công tác thi đua - khen thưởng (TĐ-KT), Ban TĐ-KT TP Cần Thơ đã có nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính. Nổi bật là giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trước hạn; tăng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, từng bước chuyên nghiệp hóa công tác TĐ-KT. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định, xét duyệt hồ sơ, đảm bảo khen thưởng kịp thời, công khai và minh bạch theo đúng quy định của pháp luật.
|
Công chức Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tại Ban TĐ-KT TP Cần Thơ tăng cường giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến cho các tổ chức, đơn vị và địa phương.
|
Theo bà Trần Thị Ngọc Dung, Phó Trưởng Ban TĐ-KT thành phố, hiện Sở Nội vụ có 92 TTHC. Trong đó, lĩnh vực TĐ-KT có 9 TTHC và tất cả đều được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Từ đầu năm đến nay, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Ban đã giải quyết 231 hồ sơ, trong đó có 46 hồ sơ phát sinh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt 19,91%. Kết quả trên tuy còn khiêm tốn nhưng từ khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, số hồ sơ trực tuyến tăng lên rõ nét. Bà Ngọc Dung cho biết: “Chủ thể các hồ sơ thường là tổ chức bao gồm khối sở, ban, ngành thành phố và khối địa phương. Bên cạnh một số tổ chức chủ động thực hiện TTHC trên Cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố, nhiều trường hợp vẫn còn giữ thói quen gửi hồ sơ giấy. Đôi lúc hồ sơ còn thiếu hoặc sai về thể thức, phải mất thời gian đi lại để cập nhật, chỉnh sửa”.
Để thay đổi “thói quen” gửi hồ sơ trực tiếp, lãnh đạo Ban TĐ-KT đã có công văn khuyến khích áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đến các cơ quan, đơn vị, địa phương. Công chức Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Ban trực tiếp hướng dẫn công chức phụ trách TĐ-KT ở các đơn vị, địa phương sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố để giải quyết hồ sơ. Đồng thời, chọn lựa những lĩnh vực hồ sơ đơn giản, hướng dẫn các tổ chức ưu tiên giải quyết trên môi trường điện tử; đẩy mạnh việc liên thông TTHC. Bên cạnh đó, các TTHC lĩnh vực TĐ-KT theo quy định thời hạn giải quyết trong 25 ngày, nhưng Ban thường giải quyết xong trong tuần.
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, mà nhiều đơn vị, địa phương tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện TTHC. Việc triển khai cung ứng dịch vụ công trực tuyến đã góp phần mang lại nhiều kết quả trong công tác cải cách TTHC ở lĩnh vực này. Qua đó, các tổ chức, cá nhân có thể tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại; hồ sơ xử lý nhanh, chính xác”. Đội ngũ công chức phụ trách TĐ-KT cũng được tập huấn thường xuyên từ kiến thức nghiệp vụ chuyên môn đến kỹ năng sử dụng các phần mềm nên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, bà Trần Thị Ngọc Dung, Phó Trưởng Ban TĐ-KT thành phố, cho biết: “Khó khăn hiện nay là hầu hết công chức phụ trách TĐ-KT đều kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi vị trí, vì vậy một số công chức còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng. Nhiều công chức vẫn còn thói quen gửi hồ sơ trực tiếp, chưa chủ động sử dụng dịch vụ công trực tuyến”. Còn theo ông Lê Văn Dũng, công chức Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tại Ban TĐ-KT thành phố, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ việc giải quyết hồ sơ qua mạng ở địa phương còn hạn chế, từ đó gây khó khăn khi gửi hồ sơ trực tuyến. Đơn cử như hồ sơ khen thưởng lĩnh vực kinh tế - xã hội hoặc giáo dục lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm trang giấy. Mỗi địa phương, mỗi ngành có hàng trăm tập thể, cá nhân được khen thưởng, trong đó mỗi hồ sơ ngoài biên bản, tờ trình, còn kèm theo văn bản minh chứng. Để thực hiện hồ sơ qua mạng, yêu cầu mỗi tổ chức phải trang bị máy scan, sao chụp lại các văn bản tải lên phần mềm, nhưng không phải cơ quan nào cũng có máy scan. Cũng có trường hợp thiết bị đầy đủ nhưng vẫn giữ “nếp cũ” gửi hồ sơ giấy.
Giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến có rất nhiều tiện ích bởi không chỉ tiết kiệm giấy, mà giúp công chức phụ trách quản lý hồ sơ khoa học, xử lý nhanh và chính xác. Thực tế khi tiếp nhận hồ sơ qua môi trường mạng, cán bộ làm nhiệm vụ có thể hướng dẫn chỉnh sửa các văn bản hồ sơ TĐ-KT chính xác. Theo Ban TĐ-KT thành phố, để nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt ít nhất 30% vào cuối năm 2021, Ban TĐ-KT thành phố tiếp tục hướng dẫn và khuyến khích các đơn vị xử lý hồ sơ qua mạng. Đồng thời, thường xuyên tập huấn nghiệp vụ công tác TĐ-KT cho công chức ở sở, ban, ngành và địa phương (bình quân mỗi năm 200 học viên); tích cực hướng dẫn công chức phụ trách TĐ-KT sử dụng dịch vụ công trực tuyến; rà soát, tham mưu đơn giản hóa các TTHC góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác TĐ-KT trên địa bàn thành phố./.
Quốc Thái